Hiện nay, các địa phương, đơn vị chủ rừng nhà nước đang tích cực triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) và miền núi tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025 nhằm đưa chính sách đến với các đối tượng thụ hưởng.
Lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách của Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương tuần tra bảo vệ rừng |
Người dân còn chưa mặn mà
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi có chính sách hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên đối với diện tích rừng do UBND cấp xã, do các đơn vị chủ rừng nhà nước trực tiếp quản lý cho ĐBDTTS và người Kinh nghèo sinh sống ổn định ở các địa phương vùng ĐBDTTS và miền núi. Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Mặc dù quá trình triển khai chính sách giao khoán bảo vệ rừng cho người dân gặp nhiều khó khăn, vướng mắc song đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã hoàn tất việc rà soát những diện tích rừng tự nhiên đủ điều kiện giao khoán cho đối tượng đủ điều kiện nhận khoán bảo vệ rừng. Theo đó, trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh có 38 hộ dân thuộc đối tượng thụ hưởng chương trình đăng ký đề nghị nhận khoán bảo vệ rừng, với diện tích gần 955ha. Đến nay, hồ sơ giao khoán bảo vệ rừng đã trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau khi được phê duyệt, UBND huyện Khánh Vĩnh sẽ chỉ đạo các địa phương ký kết hợp đồng giao khoán và bàn giao diện tích rừng cho các hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng”.
Lực lượng chức năng và người dân xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) tuần tra bảo vệ rừng. |
Tại huyện miền núi Khánh Sơn, mới đây, UBND xã Thành Sơn đã tiến hành ký kết hợp đồng giao khoán bảo vệ đối với gần 188,8ha rừng tự nhiên do UBND xã quản lý cho 11 hộ ĐBDTTS. Theo lãnh đạo xã Thành Sơn, khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên là người dân chưa mặn mà, bởi các hộ cho rằng, diện tích rừng nhận khoán manh mún, địa hình khó khăn, cách xa nơi ở của người dân, rất khó để thường xuyên đi rừng tuần tra, bảo vệ, trong khi trách nhiệm khi rừng bị xâm hại rất lớn. Ngoài ra, kinh phí hỗ trợ bảo vệ rừng ở mức 400.000 đồng/ha/năm là rất thấp nên người dân không nhận khoán.
Thời gian qua, các đơn vị chủ rừng nhà nước là các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng phòng hộ đã nhiều lần phối hợp với chính quyền cơ sở để tuyên truyền, vận động nhưng rất ít người dân đồng ý nhận khoán bảo vệ rừng. Đơn cử như tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa, qua rà soát, lâm phận của đơn vị có 9 xã thuộc khu vực II, III, vùng ĐBDTTS và miền núi và diện tích rừng tự nhiên của đơn vị đủ điều kiện giao khoán bảo vệ gần 17.000ha. “Qua phối hợp triển khai chính sách, chỉ có 216 hộ dân ở 6 xã, thị trấn tại huyện Khánh Sơn và huyện Cam Lâm đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng, với tổng diện tích 6.480ha. Đơn vị đã xây dựng Đề cương kỹ thuật và dự toán kinh phí lập hồ sơ khoán bảo vệ rừng giai đoạn 2023 - 2025 đối với nội dung hỗ trợ khoán bảo vệ rừng để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, sau đó sẽ triển khai ký kết hợp đồng giao khoán với các hộ đăng ký, dự kiến trong năm 2024 sẽ bắt đầu thực hiện”, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa nói.
Nỗ lực triển khai
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân người dân chưa mặn mà đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng trước đây là do việc tuyên truyền chính sách chưa đầy đủ, người dân chưa hiểu rõ về chính sách hỗ trợ. Thời gian qua, sau khi rà soát những diện tích đủ điều kiện giao khoán, các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện giao khoán, các địa phương đã tích cực triển khai, tuyên truyền đầy đủ nội dung chính sách như trong việc tuần tra, bảo vệ rừng nhận khoán, ngoài hộ đăng ký nhận khoán còn có lực lượng của UBND cấp xã, kiểm lâm địa phương tham gia; hay như chế độ hỗ trợ, ngoài mức 400.000 đồng/ha/năm, hộ dân nhận khoán còn được hỗ trợ gạo… nên nhiều hộ đã mạnh dạn đăng ký nhận khoán.
Theo ông Nguyễn Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, tính đến ngày 15-10, toàn tỉnh đã có 335 hộ gia đình đăng ký nhận khoán bảo vệ rừng theo chính sách của Tiểu dự án 1 (Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân) của Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi, với tổng diện tích lập hồ sơ thiết kế, dự toán giao khoán bảo vệ rừng hơn 9.480ha. Trong đó, huyện Khánh Sơn có 18 hộ đăng ký bảo vệ hơn 230ha; huyện Khánh Vĩnh có 38 hộ đăng ký bảo vệ gần 955ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Trầm Hương có 25 hộ đăng ký bảo vệ 750ha; Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa có 18 hộ đăng ký bảo vệ 540ha; Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa có 216 hộ đăng ký bảo vệ gần 6.480ha và Ban Quản lý Rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa có 20 hộ đăng ký bảo vệ hơn 525ha. Dự kiến trong năm 2024, diện tích giao khoán bảo vệ rừng cũng tương tự, kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng gần 3,8 tỷ đồng.
Nhân viên của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Khánh Hòa rà soát diện tích rừng dự kiến giao cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Sơn Tân (huyện Cam Lâm) bảo vệ. |
Mới đây, qua giám sát của HĐND tỉnh về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh”, bà Lê Thị Mai Liên - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát của HĐND tỉnh đề nghị: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND các địa phương rà soát diện tích, đối tượng thụ hưởng chính sách; tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân đăng ký tham gia các tiểu dự án của Dự án 3 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi tỉnh. Từ đó, giúp các địa phương miền núi phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Việc phát triển kinh tế dưới tán rừng gắn với bảo vệ rừng bền vững tại vùng ĐBDTTS và miền núi sẽ góp phần duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu…
HẢI LĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin