21:51, 18/10/2023

Chủ động phòng, chống thiên tai

THANH HẢI

Để ứng phó có hiệu quả với thiên tai năm 2023, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) huyện Vạn Ninh đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó phù hợp theo từng loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai.

Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh kiểm tra tại công trình kè bờ biển thị trấn Vạn Giã (giai đoạn 2). 
Đoàn công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh kiểm tra tại công trình kè bờ biển thị trấn Vạn Giã (giai đoạn 2). 

Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Vạn Ninh cho biết, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện, các hiện tượng thời tiết cực đoan như: Lốc xoáy, lũ lụt… đã làm 108 nhà dân bị ngập nước cục bộ, 62 thuyền bị chìm, hư hỏng, hơn 600ha lúa bị thiệt hại; ước thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Để ứng phó hiệu quả với thiên tai có thể xảy ra trong những tháng cuối năm, huyện đã triển khai công tác PCTT-TKCN. Theo đó, huyện tiến hành rà soát, xác định các khu vực trọng điểm theo các loại hình, cấp độ rủi ro thiên tai; xây dựng phương án sơ tán dân đến nơi an toàn; phương án đảm bảo an toàn, tránh trú cho khoảng 1.000 phương tiện tàu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú; phương án đảm bảo thông tin liên lạc, chuẩn bị lực lượng và trang thiết bị ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”… Đồng thời, huyện phối hợp với Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa - đơn vị quản lý 6 hồ chứa nước trên địa bàn trong xây dựng phương án ứng phó thiên tai để đảm bảo an toàn hồ đập và hạn chế ảnh hưởng ngập lụt cho vùng hạ du. Với những khu vực trọng yếu, gồm: Hạ du hồ chứa nước Hoa Sơn, hồ chứa nước Đá Đen, khu vực chân đèo Cả (xã Đại Lãnh) và các khu vực ven núi của các xã Vạn Bình, Vạn Phú, huyện chỉ đạo các địa phương xây dựng các phương án ứng phó sát với tình hình thực tế của từng khu vực.

Bên cạnh đó, huyện xây dựng phương án tránh trú cho khoảng 39.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên biển. Ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thạnh cho biết, trên vùng biển của xã có hơn 33.500 lồng nuôi thủy sản với hơn 2.200 lao động. Địa phương phối hợp với Đồn Biên phòng Đầm Môn tập trung tuyên truyền đến người dân về việc di dời lồng bè đến nơi tránh trú kín gió; đưa người lên bờ trước khi bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ… Nhìn chung, nhận thức của người dân trong việc ứng phó với thiên tai ngày càng được nâng cao để bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, như: Dự án Đường bộ cao tốc Vân Phong - Nha Trang, kè chống sạt lở sông Tô Giang, kè bờ biển thị trấn Vạn Giã (giai đoạn 2)… Đây là những công trình sẽ triển khai thi công xuyên suốt trong mùa mưa năm nay để đảm bảo tiến độ đề ra. Vì vậy, huyện chủ động phối hợp với các chủ dự án, đơn vị thi công và các địa phương xây dựng phương án ứng phó trong mùa mưa bão tại các công trình.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị phối hợp với các đơn vị thi công kiểm tra, rà soát những công trình đang thi công khi có thông tin về bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ để neo buộc các phương tiện, trang thiết bị đảm bảo an toàn; lập rào chắn và cắm biển cảnh báo tại các vị trí hố móng, công trình bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lũ. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiến hành nạo vét, khơi thông dòng chảy khi hoàn thành thi công hạng mục tại các khu vực ven sông, suối để thoát lũ nhanh, hạn chế nguy cơ ngập lụt nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, đảm bảo an toàn cho các công trình.

THANH HẢI