20:59, 26/09/2023

“Sợi chỉ đỏ” gắn kết cộng đồng

 LY VÂN

Mỗi khi gia đình nào trong thôn có việc, nhất là việc tang, chưa cần gia chủ đánh tiếng, gần như các thành viên trong “Tổ tình thương” của thôn Đông 3, xã Diên Điền (huyện Diên Khánh) đã tự giác đến giúp đỡ. Ra đời hơn 30 năm, “Tổ tình thương” trở thành “sợi chỉ đỏ” kết nối tình làng, nghĩa xóm.

Kết nối tình làng, nghĩa xóm

Ngày cuối tuần, tại nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn Đông 3, không khí chuẩn bị cho đêm hội Trung thu rộn ràng; những chuyến xe chở bánh, kẹo, vật dụng chạy ra, chạy vào khá náo nhiệt. Bên trong nhà sinh hoạt cộng đồng, các thành viên của “Tổ tình thương” mỗi người mỗi việc, phân loại và chia các phần quà vào từng bịch để chuẩn bị phát cho các cháu trong đêm hội Trung thu. Ông Đoàn Văn Tín - Thôn trưởng thôn Đông 3, thành viên của “Tổ tình thương” cho biết, ngoài hỗ trợ một phần kinh phí, các thành viên trong tổ còn chung tay vận động các mạnh thường quân đóng góp, dự kiến huy động khoảng 350 phần quà để tặng các cháu dịp Tết Trung thu này.

Đại diện Tổ tình thương thăm gia đình bà Võ Thị Kim Loan, thành viên trong tổ.
Đại diện "Tổ tình thương" thăm gia đình bà Võ Thị Kim Loan, thành viên trong tổ.

Đang cùng sắp xếp các phần quà, nhận được cuộc điện thoại báo bà Lê Thị Chế (74 tuổi) - người trong thôn bị ốm, ông Trần Rồi - Tổ trưởng “Tổ tình thương” và một số thành viên trong tổ đến thăm hỏi. Nhận được phần quà nhỏ hỗ trợ tiền thuốc men từ các thành viên của tổ, bà Chế xúc động nói: “Tôi già cả, neo đơn nên mỗi khi đau ốm, có việc gì đều có các thành viên trong tổ lui tới. Sống một mình nên những lời hỏi thăm, động viên của các thành viên như liều thuốc tinh thần đối với tôi”. Nói rồi bà kể, đợt bão năm 2017, căn nhà của bà bị gió cuốn tốc mái. Vì thế, bà phải ra ở chái nhà kho phía sau. Trời nắng còn đỡ, mỗi khi mưa xuống, chái nhà bị dột. Thương hoàn cảnh khó khăn của bà, các thành viên trong tổ quyết định trích hơn 1/3 nguồn quỹ thu được trong năm, kết hợp với địa phương hỗ trợ bà gần 14 triệu đồng để mua tôn lợp lại toàn bộ căn nhà. Ngôi nhà được lợp mang hơi ấm tình làng, nghĩa xóm của những thành viên trong “Tổ tình thương” dành cho bà.

Niềm vui của bà Lê Thị Chế khi được các thành viên trong tổ tới thăm hỏi, động viên.
Niềm vui của bà Lê Thị Chế khi được các thành viên trong tổ tới thăm hỏi, động viên.

Theo lời kể của các thành viên, “Tổ tình thương” có từ rất lâu. Ban đầu, tổ chỉ có 23 hộ tham gia sinh hoạt, chủ yếu hỗ trợ các thành viên về tang gia. Đến năm 1995, tổ hoạt động bài bản hơn, mở rộng thêm nhiều hoạt động hỗ trợ thành viên. Đến nay, “Tổ tình thương” đã có 183 hộ (chiếm gần nửa số hộ của thôn) với gần 800 thành viên. Hàng năm, ngoài vận động các mạnh thường quân, mỗi hộ còn đóng thêm từ 100.000 đến 200.000 đồng kinh phí hoạt động. Từ nguồn kinh phí đó, tổ dùng để thăm hỏi các thành viên ốm đau; tổ chức tang lễ cho những người quá cố; giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chúc thọ các cụ tròn tuổi từ 70 tuổi trở lên và khen thưởng học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học… Đặc biệt, tổ đã sắm đầy đủ các vật dụng cho đội âm công, hỗ trợ an táng để giúp các gia đình giảm bớt chi phí. Ông Trần Rồi cho biết: “Khi gia đình nào trong tổ gặp khó khăn, các thành viên lại chung tay giúp đỡ vật chất và động viên tinh thần. Nhờ hoạt động của tổ, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó mật thiết, các cụ cao tuổi sống vui, sống khỏe; các cháu học sinh cố gắng học tập. Hiện nay, trong tổ không còn hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, kinh tế các gia đình ngày càng được nâng cao”.

Tiếp sức cho người khuyết tật

Về thôn Đông 3, chúng tôi còn được chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động, nụ cười hạnh phúc của những người khuyết tật nơi đây. Nhờ sự kết nối của chính quyền địa phương, Mặt trận và “Tổ tình thương” mà cuộc sống của những người khuyết tật ở đây đã bước sang trang mới, trở thành những người “tàn nhưng không phế”.

Chúng tôi ghé tới tiệm trang điểm, làm tóc của chị Nguyễn Phước Ngọc Thúy (sinh năm 1994) - người bị khiếm thính ở thôn Đông 3. Trong tiệm rộng gần 20m2, chị Thúy đang chăm chú uốn từng lọn tóc cho khách hàng. Bên cạnh chị luôn có quyển sổ để trao đổi với khách hàng. Dường như đã quen thuộc, mỗi khách hàng khi bước vào tiệm, việc đầu tiên là ghi những yêu cầu lên quyển sổ và ngồi chờ tới lượt được chị Thúy phục vụ làm đẹp.

Ông Nguyễn Phước Công - bố chị Thúy kể, từ khi sinh ra, chị Thúy đã bị khuyết tật nghe, nói. Vì mặc cảm nên chị hạn chế giao tiếp với người ngoài, chỉ ở nhà phụ việc gia đình. Năm 2019, được sự giới thiệu của Mặt trận xã và các thành viên “Tổ tình thương” thôn Đông 3, chị Thúy được một tiệm làm tóc, trang điểm nhận dạy miễn phí. Nhờ sự chăm chỉ và khéo tay, sau 3 tháng, chị Thúy đã học được nghề. Với sự hỗ trợ của gia đình, chị mở tiệm làm tóc, trang điểm tại nhà. Niềm vui càng nhân lên khi đầu năm 2020, chị đã bén duyên và kết hôn với anh Lê Văn Nhật, người cùng xã. 1 năm sau, trái ngọt đã đến với gia đình chị khi chào đón đứa con đầu lòng ra đời. Nhìn nụ cười rạng rỡ, bàn tay thoăn thoắt trao đổi thông tin của chị Thúy với khách hàng, ông Công xúc động nói: “Lúc trước, vợ chồng tôi đau đáu nhất là sau này khi mình mất đi, tương lai con gái mình như thế nào. Giờ thì tôi an tâm và hạnh phúc lắm!”.

Sắp xếp bánh kẹo chuẩn bị tổ chức Trung thu cho các cháu.
Sắp xếp bánh kẹo chuẩn bị tổ chức Trung thu cho các cháu.

Cách đó không xa, tiệm sửa xe của ông Nguyễn Thành Trung (gần 50 tuổi, bị khuyết tật chân) vang lên tiếng va chạm của ốc vít, tiếng thử máy của các xe mô tô đang sửa. Ông Trung kể, gia đình ông trước đây thuộc diện hộ nghèo. Vợ không có việc làm ổn định, cuộc sống phụ thuộc vào tiệm sửa xe của ông nên rất khó khăn. Do nhà nghèo nên khi mở tiệm thiếu nhiều dụng cụ sửa xe. Biết hoàn cảnh của ông, với sự vận động của các thành viên trong “Tổ tình thương”, Mặt trận xã, ông được hỗ trợ 3 triệu đồng mua thêm nhiều linh kiện, dụng cụ sửa chữa. Vợ ông được hỗ trợ 2 triệu đồng mở quán bán ăn sáng tại tiệm. Nhờ đó, thu nhập của vợ chồng ông ổn định, đủ nuôi 2 con ăn học, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ông Trung, chị Thúy, trong thôn còn có 6 người khuyết tật nặng có khả năng lao động đã được giúp đỡ để vươn lên trong cuộc sống, tự nuôi bản thân và gia đình, tìm được hạnh phúc.

Giữa cuộc sống bộn bề, hối hả, những việc làm, nghĩa cử cao đẹp của “Tổ tình thương” thôn Đông 3 mang đến cảm xúc ấm áp về tình làng, nghĩa xóm. Tình cảm gắn kết ấy như dòng chảy âm thầm ngấm sâu vào đời sống nhiều thế hệ ở đây, góp thêm màu sắc cho bức tranh quê hương thanh bình.

ÔNG MAI TẤN HIỆP - CHỦ TỊCH UBMTTQ VIỆT NAM XÃ DIÊN ĐIỀN KHẲNG ĐỊNH: “Tổ tình thương" thôn Đông 3 đã góp sức rất lớn cùng chính quyền địa phương trong các hoạt động an sinh xã hội. Tinh thần vì cộng đồng của các thành viên rất cao. Từ mô hình này, Mặt trận dự kiến sẽ nhân rộng cho các thôn khác trong xã.

 LY VÂN