Tuy không phải lần đầu tiên tổ chức, nhưng Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV - Vòng thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức tại TP. Nha Trang vừa qua vẫn "làm nóng" hội trường Trung tâm Hội nghị tỉnh ở mọi phần thi, để lại ấn tượng đẹp về một sân chơi sôi nổi của các hòa giải viên.
Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng đội Khánh Hòa. |
Sôi nổi các phần thi
Ở phần thi giới thiệu, đội Đắk Nông đưa khán giả đến với Tây Nguyên đại ngàn buổi sáng sớm, với tiếng khèn gọi bà con nổi chiêng mở hội mừng công tác hòa giải không ngừng đổi mới, nâng cao và đi vào nề nếp. Đội Nghệ An lại giới thiệu về công tác hòa giải bằng những câu hò xứ Nghệ mềm mại bên dòng sông Lam. Đội Quảng Ngãi bỗng trở thành "phi hành đoàn" từ sân bay Chu Lai đáp xuống sân bay Cam Ranh, kết nối giao lưu giới thiệu 2 địa phương. Đội Khánh Hòa "chào sân" với những chiếc dù bảy sắc cầu vồng, cùng lời giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh về biển… Mỗi đội thi ra sân khấu, hội trường lại ào lên tiếng vỗ tay cổ vũ.
Màn chào hỏi của đội Thanh Hóa. |
Ở phần thi lý thuyết (gồm thi hiểu biết và hòa giải khéo), không chỉ dẫn chiếu các quy định pháp luật, nhiều đội còn kết hợp nhuần nhuyễn với kinh nghiệm, vốn sống để hóa giải các tình huống thử thách. Thí sinh Trần Thị Hường (đội Thanh Hóa) còn có câu kết khá "ăn điểm": “Công tác hòa giải cũng như cái túi buộc vào đó tất cả bực dọc, mâu thuẫn của các bên. Người làm công tác hòa giải cần biết chia sẻ, tìm cách tháo gỡ theo phương châm “việc lớn hóa nhỏ”".
Trong phần thi tiểu phẩm, các đội phản ánh sinh động các tranh chấp, xích mích thường ngày và thể hiện được lập luận chặt chẽ, dễ hiểu để hóa giải mâu thuẫn, mang đến nhiều thông điệp rõ ràng. Có đội xây dựng tiểu phẩm từ một tình huống thường gặp trong gia đình hiện đại: Người mẹ dùng phần mềm nghe lén điện thoại của con; có đội chọn thể hiện hiện tượng "lót tay", tình trạng gây ồn ào trong khu dân cư… Mở đầu bằng cảnh người vợ bực dọc đòi ly hôn chồng vì mảnh vườn mấy tỷ bạc mà chồng nhận bồi thường mấy trăm triệu đồng, tiểu phẩm "Sáng mãi niềm tin" của đội Thanh Hóa lấy được tiếng cười của khán giả từ lúc mở màn. Đội thi thể hiện rất thật mâu thuẫn vợ chồng cũng như cách phân tích, giải thích, khơi dậy tình cảm yêu thương, tận dụng chính người thân trong gia đình tham gia hòa giải…, qua đó hóa giải mâu thuẫn, góp phần hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, bàn giao thi công dự án đúng tiến độ.
Phần thi tiểu phẩm của đội Khánh Hòa. |
Hội thi không chỉ đem đến cho người xem tiếng cười thoải mái, mà còn cho thấy sự bất ngờ về tài diễn xuất của các hòa giải viên. Họ không chỉ thể hiện được hiểu biết, kỹ năng phân tích, động viên, thuyết phục người dân và đưa ra hướng giải quyết thấu tình đạt lý, mà còn vào vai khá "ngọt", lấy được cảm xúc của người xem.
Đọng lại những thông điệp ý nghĩa
Hội thi đã đọng lại với nhiều thông điệp ý nghĩa. Câu kết tiểu phẩm của đội Thanh Hóa là một ví dụ: "Càng làm hòa giải càng thấm lời Bác dạy: Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong... Khi sự cảm thông đủ lớn thì mọi chuyện đều được hóa giải". Hòa giải viên Trần Thị Hường (đội Thanh Hóa) chia sẻ: “Hội thi là dịp để tôi và các hòa giải viên khác có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới”.
Khán giả cổ động rất nhiệt tình. |
Theo bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, Trưởng Ban giám khảo hội thi, phần thi tiểu phẩm đã để lại cho người xem nhiều cảm xúc, cả niềm vui, nỗi buồn cũng như lẽ sống ở đời. Hội thi thật sự là ngày hội lớn để tôn vinh đội ngũ hòa giải viên, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở; là dịp để các hòa giải viên được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết: "Hiện nay, bình quân toàn quốc, tỷ lệ hòa giải thành đạt 82%, riêng ở Khánh Hòa đạt gần 90%. Đây là con số "biết nói", thể hiện rất rõ hiệu quả của công tác hòa giải, góp phần giảm bớt tranh chấp, mâu thuẫn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để công tác hòa giải nâng cao hơn nữa, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục quan tâm bồi dưỡng kỹ năng cho hòa giải viên; tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm hòa giải khéo, học hỏi, nâng cao kiến thức pháp luật cho các hòa giải viên".
Hội thi do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức, gồm 2 vòng thi: Khu vực và toàn quốc. Vòng thi khu vực được tổ chức theo 3 khu vực: Miền Bắc, miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam. Đây là sự kiện nổi bật hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2023 (9-11). Kết thúc vòng thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên, có 4 đội đi tiếp vào vòng thi chung kết tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào tháng 11 gồm: Thanh Hóa (giải nhất); Nghệ An (giải nhì); Khánh Hòa và Đắk Lắk (giải ba). Ngoài ra, còn có 7 giải khuyến khích; 6 giải phụ của Ban tổ chức và 4 giải phụ của Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp).
Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Giám đốc Sở Tư pháp: Tại các vòng thi khu vực và vòng thi toàn quốc của hội thi năm nay, Bộ Tư pháp đã chính thức sử dụng bộ thiết bị điện tử thông minh thi trắc nghiệm và phần mềm trình chiếu điện tử bốc thăm, thi lý thuyết do Sở Tư pháp Khánh Hòa chủ động nghiên cứu, thiết kế, triển khai thành công tại hội thi cấp tỉnh. Qua đó, góp phần giúp Ban giám khảo dễ dàng theo dõi các phần thi, rút ngắn thời gian chấm điểm, bảo đảm kết quả chính xác, công bằng cho các đội thi; đồng thời, hỗ trợ thí sinh thao tác chọn đáp án dễ dàng hơn...
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin