Những năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có bước phát triển mạnh mẽ; quy mô sản xuất không ngừng được nâng lên theo nhu cầu thị trường, đáp ứng về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Những thành quả ấy có vai trò đậm nét của các cấp hội nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh, nhất là trong việc triển khai có hiệu quả hoạt động đồng hành, hỗ trợ nông dân.
Đẩy mạnh tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân
Theo ông Lê Duy Vũ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nông dân và Giáo dục nghề nghiệp, HND tỉnh, 5 năm qua, có hơn 30.400 hội viên, nông dân được đào tạo nghề. Nhờ tập trung đào tạo đúng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tế, phù hợp với xu thế phát triển của nông nghiệp, 85% hội viên có việc làm sau khi được đào tạo. Nội dung đào tạo phù hợp cũng giúp cho hội viên, nông dân áp dụng hiệu quả vào hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Lãnh đạo tỉnh và Hội Nông dân tham quan Phiên chợ nông sản 2023. |
Ngoài ra, hội còn tổ chức và phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan mở 3.100 lớp tập huấn liên quan đến những kiến thức, kỹ năng về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật cho hơn 155.000 lượt hội viên, nông dân. Không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng, hội còn xây dựng hàng chục mô hình trình diễn giống mới ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất có hiệu quả, như: Quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi lươn không bùn, trồng nấm, nuôi tôm thẻ chân trắng, trồng chuối cấy mô, kỹ thuật nuôi bò, ứng dụng tưới nước tự động tiết kiệm... Ngoài ra, hội tổ chức hàng trăm buổi tập huấn về mã vạch, hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP… nhằm trang bị cho hội viên, nông dân những kiến thức, kỹ năng đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của sản xuất nông nghiệp hiện nay.
Hỗ trợ vốn thông qua xây dựng các mô hình
Trong hơn 90 tỷ đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân, nhiệm kỳ qua, đã có 160 dự án với hơn 11.000 lượt hộ nông dân được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi này, trong đó đáng chú ý có hơn 10 tỷ đồng dành cho 40 dự án nông nghiệp theo hình thức nông dân khởi nghiệp được triển khai. Hoạt động vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân chủ yếu được thực hiện thông qua các dự án, mô hình kinh tế của các chi - tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Việc tập trung nguồn vốn cho kinh tế tập thể, hợp tác bằng các dự án, mô hình cụ thể không chỉ giúp cho nhiều hộ nông dân vươn lên khá giàu, khởi nghiệp thành công, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, mà còn góp phần mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của thị trường.
Ngư dân huyện Vạn Ninh nuôi cá trên biển trong lồng HDPE. |
Ông Lê Quốc Toàn - Phó Chủ tịch HND tỉnh cho biết, nhiệm kỳ qua, HND tỉnh đã thành lập mới 23 HTX và 124 tổ hợp tác, nâng tổng số hiện nay lên 398 HTX, tổ hợp tác với hơn 3.700 thành viên. Trong đó, nhiều tổ hợp tác, HTX hoạt động hiệu quả, điển hình như: Tổ hợp tác Trồng và chăm sóc bưởi da xanh ở xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh); HTX Nuôi gà trong nhà lạnh Phát Tài ở xã Cam Hiệp Bắc (huyện Cam Lâm); HTX Trồng táo Thái trong nhà lưới xã Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh); HTX Trồng nấm xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang)... Hầu hết tổ hợp tác, HTX này đều do các nông dân giỏi đứng ra chèo lái, làm đầu tàu, kết nối. Chẳng hạn như ông Hồ Tấn Cường là nông dân giỏi cấp Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Trồng táo Thái trong nhà lưới xã Cam Thành Nam; ông Lê Minh Quyền là nông dân giỏi cấp Trung ương, Tổ trưởng Tổ hợp tác Nuôi tôm hùm và cá mú lồng bè tại phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang)...
Chế biến chả cá tại một cơ sở sản xuất ở huyện Vạn Ninh. |
Cùng với hỗ trợ vốn, 5 năm qua, các cấp HND cũng đã đứng ra bảo lãnh cho các hội viên mua 950 tấn phân bón, hơn 500 tấn thức ăn chăn nuôi, hàng chục nghìn cây, con giống với trị giá hàng trăm tỷ đồng theo phương thức trả chậm.
Chăm lo đầu ra cho nông sản
Bước sang năm thứ 5, phiên chợ nông sản do HND tỉnh tổ chức dần trở thành hoạt động quen thuộc vào những ngày hè tại thành phố biển Nha Trang. Với khoảng 100 gian hàng, mỗi phiên chợ không chỉ mang về doanh thu từ 5 đến 8 tỷ đồng, mà song hành với đó là nhiều hoạt động ký kết giao thương, diễn đàn kết nối nhằm tạo sợi dây liên kết giữa nông dân sản xuất nông sản với thị trường tiêu thụ.
Nhiều hộ nông dân ở huyện Khánh Vĩnh vươn lên thoát nghèo và làm giàu nhờ cây bưởi da xanh. |
Theo bà Hà Hồng Hạnh - Chủ tịch HND tỉnh, những năm qua, các cấp hội đã đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ đầu ra cho nông sản của nông dân. Đến nay, 125/125 cơ sở hội; hộ sản xuất, chế biến nông, thủy sản đã có sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử với gần 400 sản phẩm các loại; hơn 1.200 tấn nông sản, thủy sản được tiêu thụ, ký kết hợp đồng thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn. Thông qua các sàn thương mại điện tử giúp nông dân đa dạng hóa kênh bán hàng; đồng thời cung cấp thông tin hữu ích cho các hộ sản xuất nông nghiệp về thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân bón… để xây dựng kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn.
Theo lãnh đạo HND tỉnh, đồng hành, hỗ trợ hội viên một mặt là mục tiêu, nhiệm vụ chính của các cấp HND, mặt khác còn là phương thức để xây dựng hội ngày càng vững mạnh. Những năm tới, HND tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên, trong đó tập trung tăng cường các hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ và dạy nghề, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật cho hội viên nông dân. Đặc biệt, các cấp hội tập hợp nông dân thông qua những mô hình kinh tế có quy mô lớn, sản xuất đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của thị trường, nhất là các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu.
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp HND trong tỉnh đã phát triển mới 18.222 hội viên, đạt 121,5% chỉ tiêu, trong đó có 198 hội viên là chủ doanh nghiệp, chủ trang trại, nâng tổng số hội viên, nông dân toàn tỉnh hiện nay lên 128.766 người; 580 tổ hội nghề nghiệp, với 5.008 thành viên; 23 chi hội nghề nghiệp, với 455 thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, ngành nghề. Có 265 hội viên được kết nạp Đảng, nâng tổng số đảng viên là hội viên nông dân đến nay lên 4.031 đảng viên.
Thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, đến nay, các cấp hội đã thành lập được 312 mô hình tự quản về an ninh trật tự với hơn 2.800 thành viên. Các tổ tự quản, mô hình bảo vệ an ninh trật tự do hội thành lập và phối hợp thành lập hoạt động có hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh trật tự ở khu vực nông thôn.
Giai đoạn 2018 - 2023, HND tỉnh được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, 2 cờ thi đua của Chính phủ và 1 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 1 nông dân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 2 nông dân được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Trung ương HND Việt Nam tặng 2 cờ thi đua xuất sắc, 106 bằng khen cho tập thể và cá nhân xuất sắc, 5 nông dân tiêu biểu được Trung ương HND tôn vinh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”. UBND tỉnh tặng cờ thi đua cho HND tỉnh, tặng 96 bằng khen cho tập thể và cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua yêu nước và biểu dương “Nông dân điển hình tiên tiến” giai đoạn 2015 - 2020; tặng bằng khen cho 37 nông dân giỏi tiêu biểu.
Nhiệm kỳ 2023 - 2028, hội đề ra một số chỉ tiêu như: Hàng năm có từ 97% cơ sở hội trở lên hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ; mỗi cơ sở hội thành lập từ 1 đến 2 tổ hội nghề nghiệp/năm; HND cấp huyện thành lập ít nhất 1 chi hội nghề nghiệp/năm; 100% hộ hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; hàng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; đào tạo nghề cho 3.500 hội viên/năm; hàng năm, mỗi cơ sở hội xây dựng ít nhất 1 mô hình giúp hộ nông dân giảm nghèo, có thu nhập ổn định hoặc mô hình kinh tế có hiệu quả có địa chỉ cụ thể. Trong nhiệm kỳ, xây dựng được 50 tổ hợp tác, hợp tác xã có hiệu quả; mỗi đơn vị cấp huyện xây dựng 1 - 2 mô hình nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số trong nông nghiệp hoặc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị...
CÔNG ĐỊNH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin