22:24, 28/08/2023

Tăng cường giải pháp phòng, chống sốt rét

C.ĐAN

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận hơn 90 trường hợp mắc bệnh sốt rét. Trước thực trạng đó, tỉnh tăng cường giám sát dịch tễ, điều tra ổ bệnh, khoanh vùng để xử lý kịp thời, dứt điểm nguồn bệnh, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Tập trung giám sát dịch tễ, điều tra ổ bệnh 

Số ca mắc sốt rét trên địa bàn tỉnh được ghi nhận tập trung tại huyện Khánh Vĩnh - nơi có ký sinh trùng sốt rét lưu hành nhiều năm qua, với hơn 90 trường hợp tính từ đầu năm đến nay. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở xã Khánh Thượng với gần 50 ca, số còn lại nằm rải rác ở nhiều xã trên địa bàn huyện. Với đặc thù là huyện miền núi, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, tình trạng di cư, đi rừng ngủ rẫy phổ biến… là nguyên nhân làm gia tăng số ca mắc sốt rét trên địa bàn huyện.

Cán bộ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, Côn trùng Quy Nhơn soi mẫu máu lấy từ người dân huyện Khánh Vĩnh.

Thôn Tà Gộc là địa bàn ghi nhận nhiều ca mắc ở xã Khánh Thượng. Anh Pi Năng Tình - một trong những người mắc sốt rét đã được điều trị khỏi bệnh cho biết, tháng 6, sau đợt ở rẫy làm keo, anh thấy trong người ớn lạnh, sốt nên mua thuốc uống. Sau 4 ngày thấy bệnh không khỏi, gia đình đưa anh đến Trạm Y tế xã xét nghiệm máu, kết quả phát hiện anh mắc bệnh sốt rét. Sau đó, ngày nào nhân viên y tế cũng đến nhà cho anh uống thuốc, 1 tuần sau anh hết sốt, sức khỏe bình thường trở lại. Lúc ở rẫy, có hôm anh ngủ không mắc mùng. Sau gần 10 ngày đi rừng, ngủ rẫy, anh Cao Dũng (thôn Tà Gộc) cũng có các triệu chứng sốt, đau đầu, ớn lạnh trong người... Anh đến Trạm Y tế xã Khánh Thượng để xét nghiệm máu thì biết mình bị sốt rét. Anh được nhân viên Trạm Y tế kiểm tra, theo dõi sức khỏe thường xuyên, đồng thời cấp phát thuốc đặc trị cho uống. Sau 3 ngày điều trị, triệu chứng của bệnh giảm đáng kể, sức khỏe anh dần hồi phục.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, số ca mắc sốt rét trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh tăng cao từ tháng 6. Từ ổ dịch phát hiện được, qua truy vết ghi nhận hơn 90 ca… Với số ca mắc cao nhất cả nước, tỉnh đang tập trung các giải pháp tăng cường phòng, chống sốt rét. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức điều tra dịch tễ chủ động nhằm phát hiện ca bệnh tại huyện Khánh Vĩnh với tổng số hơn 2.000 mẫu máu được lấy để điều tra. Ngoài ra, trung tâm duy trì thường xuyên công tác điều tra, giám sát véc tơ; cấp phát hơn 1.370 chiếc mùng tẩm hóa chất và võng màn tại các huyện trọng điểm sốt rét; cấp 3.500 võng màn cho đối tượng đi rừng ngủ rẫy.

Cơ bản kiểm soát được tình hình bệnh 

Nhằm kịp thời truy vết, phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh tại cộng đồng, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn. Các đơn vị này đã cử các đoàn công tác vào Khánh Hòa kiểm tra, giám sát, chẩn đoán điều trị các ca bệnh; giám sát điều tra côn trùng để hỗ trợ tỉnh thực hiện phòng, chống sốt rét có hiệu quả. Qua các giải pháp tích cực trên, hiện nay, tỉnh cơ bản kiểm soát được tình hình bệnh sốt rét. Thạc sĩ Nguyễn Tấn Thoa - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn cho biết: “Qua truy vết, trường hợp nghi ngờ, chúng tôi đến lấy máu xét nghiệm. Đối với bệnh nhân, chúng tôi cho uống thuốc rồi lấy máu theo dõi từ 7 ngày đến 1 tháng. Vì những người này có nguy cơ cao lây cho cộng đồng nên chúng tôi phải giám sát, theo dõi thường xuyên”.

Bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Hiện nay, với sự giúp đỡ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng, côn trùng Trung ương và Quy Nhơn, chúng tôi đã phần nào kiểm soát được số ca mắc. Tuy nhiên, để cắt được sự lây lan các ca bệnh, người dân địa phương, đặc biệt nhóm đi rừng ngủ rẫy phải tuân thủ ngủ mùng có tẩm hóa chất; tham gia lấy máu để chúng tôi tìm được ca ẩn trong cộng đồng…”.

Bệnh sốt rét vẫn đang lưu hành, có tỷ lệ chết và mắc cao tại nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực. Do đó, ngành Y tế tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh sốt rét trong cộng đồng, từ đó kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, công tác phòng, chống sốt rét trên địa bàn còn gặp những khó khăn nhất định do đối tượng đi rừng ngủ rẫy còn nhiều và khó kiểm soát, khó truy vết; ý thức phòng, chống sốt rét ở một số nhóm đối tượng trong cộng đồng còn thấp, có tư tưởng chủ quan trong phòng bệnh. Do đó, bên cạnh những giải pháp tích cực của ngành Y tế, người dân cũng cần nâng cao ý thức phòng bệnh; duy trì việc ngủ màn tẩm hóa chất tồn lưu được cấp phát khi đi rừng để tránh bị muỗi đốt; khi có dấu hiệu của bệnh cần đến cơ sở y tế để khám, điều trị…

C.ĐAN