Thời gian qua, lượng hồ sơ đề nghị cấp phiếu lý lịch tư pháp liên tục tăng, gây áp lực lớn cho Sở Tư pháp, gây tốn kém cho người dân. Do đó, UBND tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị không lạm dụng yêu cầu nộp loại giấy tờ này khi giải quyết công việc.
7 tháng, tiếp nhận 9.000 hồ sơ
Sáng đầu tuần, bộ phận một cửa Sở Tư pháp kín chỗ ngồi chờ, hầu hết người dân tới đây để làm thủ tục cấp phiếu lý lịch tư pháp. Bà Chu Thị Đang (xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết, do sức khỏe giảm sút, bà vừa nghỉ phụ hồ, làm hồ sơ xin việc vì có người quen báo một công ty cần tuyển người trồng cây. “Người quen dặn tôi làm hồ sơ phải có phiếu lý lịch tư pháp nên tuy chưa tới công ty hỏi, tôi vẫn lo đi làm trước. Tới sở, tôi mới biết, không phải hồ sơ xin việc nào cũng cần có phiếu lý lịch tư pháp”, bà Đang nói. Một thanh niên ở gần đó cũng cho hay, do công ty yêu cầu nên anh phải làm phiếu lý lịch tư pháp bổ sung vào hồ sơ xin lái taxi. Trước đây, công ty cũ cũng yêu cầu vậy nên mỗi lần làm hồ sơ, anh lại mất 200.000 đồng lệ phí cấp phiếu lý lịch tư pháp, thêm tốn kém và phiền phức.
Nhân viên Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) hướng dẫn người dân viết tờ khai yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp. |
Bà Nguyễn Thị Bình, công chức bộ phận một cửa cho biết, từ sau Tết, lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng mạnh. Có ngày, bà tiếp nhận gần 100 hồ sơ nên phải xử lý thông trưa, có khi làm cả buổi tối mới kịp scan hồ sơ đầu vào, số hóa kết quả giải quyết, chuyển trả qua bưu chính… Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Giám đốc Sở Tư pháp xác nhận, thời gian qua, lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp liên tục tăng: 6 tháng đầu năm 2022, sở tiếp nhận gần 6.000 hồ sơ. Từ đầu năm đến nay, sở tiếp nhận khoảng 9.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp. Trong khi đó, năm 2023, sở được giao 29 biên chế, đã sử dụng 27 biên chế, phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, như: Xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; quản lý xử lý vi phạm hành chính, theo dõi thi hành pháp luật; quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật và hòa giải ở cơ sở; công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, nuôi con nuôi, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước; quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng… Do biên chế ít, bộ phận một cửa chỉ bố trí 1 công chức, phải tiếp nhận, xử lý cả hồ sơ trực tiếp, trực tuyến và nộp qua bưu chính nên áp lực rất lớn.
Cần thực hiện đúng
Ngày 9-7-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 23 về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cấp phiếu lý lịch tư pháp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ thị nhấn mạnh, một số tổ chức, cá nhân còn lạm dụng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp làm cơ sở tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động. Do đó, chỉ thị yêu cầu phải có các giải pháp hiệu quả, tiến tới chấm dứt yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định. Đồng thời, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, TTHC liên quan đến phiếu lý lịch tư pháp để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý trong thực hiện TTHC, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm trong tháng 8. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu, xây dựng giải pháp thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNelD.
Ngay sau đó, UBND tỉnh có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 23; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện đúng Luật Lý lịch tư pháp về quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, hạn chế tình trạng yêu cầu người dân nộp phiếu lý lịch tư pháp phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC; có biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng yêu cầu này của tổ chức, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý. Các đơn vị, địa phương chủ động rà soát, đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi các quy định, TTHC liên quan thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để cắt giảm yêu cầu nộp phiếu lý lịch tư pháp không hợp lý; chủ động thực hiện quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của cơ quan nhà nước theo luật mà không yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người dân phải nộp; có giải pháp ngăn chặn tình trạng yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp không đúng quy định…
Chỉ thị số 23 công bố 154 TTHC yêu cầu cung cấp phiếu lý lịch tư pháp thuộc các lĩnh vực: Khoa học công nghệ; ngoại giao; nội vụ; nông nghiệp và phát triển nông thôn; tài chính; thông tin và truyền thông; tư pháp; xây dựng; y tế; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; văn hóa - thể thao và du lịch; lao động - thương binh và xã hội; công an; quốc phòng; giao thông vận tải. Trong đó, lĩnh vực giao thông vận tải có 3 TTHC đều về cấp thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay. Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội có 19 TTHC, chủ yếu áp dụng với cá nhân, tổ chức cung cấp, hoạt động dịch vụ lĩnh vực này; hoặc cá nhân đề nghị hưởng một số chế độ, chính sách; tham gia lao động ở một số nước.
NGUYỄN VŨ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin