Kết quả kiểm tra an toàn hồ, đập thủy lợi trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho thấy, các công trình cơ bản đảm bảo an toàn trước mùa mưa lũ năm 2023. Dẫu vậy, trong thời gian tới, nhiều công trình cần được tiếp tục kiểm tra, rà soát để sửa chữa, đầu tư nâng cấp nhằm đảm bảo công năng và an toàn cho công trình, vùng hạ du, đồng thời đáp ứng các quy định của pháp luật hiện hành.
Cơ bản an toàn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tiến hành kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của sở, số lượng các hạng mục công trình hồ đập bị hư hỏng (chủ yếu ở mức độ nhỏ) vẫn đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2023. Một số hồ bị thấm đập, sạt trượt, lún sụt, bong tróc nhẹ mái đập hoặc xuất hiện ụ mối nhỏ ở mái đập hạ lưu. Đơn vị quản lý đập, hồ chứa đã thường xuyên theo dõi, xử lý gia cố.
Kiểm tra an toàn hệ thống cửa xả hồ Suối Dầu. |
Ngoài ra, hệ thống tràn xả lũ của các hồ trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo an toàn, không có tràn bị nứt, hay thiếu khả năng xả lũ. Chỉ có một số tràn xuất hiện một số hư hỏng nhỏ. Chẳng hạn như: Cửa van ở tràn xả hồ Đá Bàn, cửa tràn số 1, số 2 của hồ chứa nước Suối Dầu và tràn xả của hồ Cam Ranh đóng không kín hoàn toàn... Ngoài ra, có 5 hồ chứa nước gồm Đá Đen, Tiên Du, Suối Sim, Cam Ranh, Suối Hành bị một số hạng mục vận hành cống hư hỏng như: Phần cơ khí ở khu vực đóng mở cống lấy nước; hư hỏng ron cao su cống...
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy lợi Khánh Hòa, hiện một số công trình đang được sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn. Trong đó, dự án sửa chữa mái hạ lưu hồ chứa nước Hoa Sơn thực hiện gia cố mái đập, đắp đất các hố xói cục bộ đã được triển khai từ ngày 12-5 và dự kiến hoàn thành trong tháng 11. Hồ Đá Bàn cũng đang được sửa chữa, gia cố mái đập bằng tấm bê tông lục lăng, đắp đất các hố xói cục bộ, dự kiến hoàn thành trong tháng 10.
Khó đáp ứng quy định về quản lý an toàn hồ đập
Bên cạnh việc triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ, theo báo cáo của Sở NN-PTNT, quá trình quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi hiện nay vẫn còn một số tồn tại, khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn đó là về nguồn lực bố trí kinh phí để triển khai thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn đập, hồ chứa nước theo quy định tại Nghị định 114 ngày 4-9-2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đối với các hồ chứa nước thủy lợi trên địa bàn tỉnh nên nhiều nội dung theo quy định chưa thể thực hiện theo thời gian yêu cầu.
Ngoài ra, phần lớn các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh chưa được phê duyệt phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước do Nghị định 114 chưa quy định về trách nhiệm, trình tự, thủ tục và nội dung thẩm định phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước. Việc lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng tại các hồ chứa nước chưa đồng bộ, lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du chưa được thực hiện vì cần nguồn kinh phí rất lớn, gây khó khăn cho việc chỉ đạo, điều hành trong công tác vận hành điều tiết các hồ chứa nước.
Ngày 28-8, Sở NN-PTNT đã có văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh Khánh Hòa để tiếp tục thực hiện các dự án về nâng cấp, sửa chữa các công trình hồ đập; tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý vận hành hồ chứa nước, nhất là hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn đập và vùng hạ du đập. Ngoài ra, sở cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị khai thác đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh khẩn trương hoàn chỉnh phương án ứng phó thiên tai cho các công trình đập, hồ chứa nước năm 2023; tổ chức, bố trí bộ máy, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên làm công tác quản lý, khai thác, vận hành đập, hồ chứa nước theo đúng quy định; tăng cường kiểm tra, đánh giá tình trạng đập, các hạng mục công trình và khắc phục kịp thời các khiếm khuyết, hư hỏng nhỏ, thấm, mối thân đập, hệ thống thông tin liên lạc, nguồn điện… trước khi có mưa lũ xảy ra; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sửa chữa, nâng cấp đang triển khai tại các công trình hồ đập, đảm bảo đúng kế hoạch thi công, hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ.
Toàn tỉnh hiện có 28 đập, hồ chứa nước thủy lợi với tổng dung tích gần 250 triệu m3 nước. Bên cạnh nhiệm vụ cấp nước cho sản xuất nông nghiệp với hơn 35.000ha lúa/năm, các công trình này còn cấp nước với lưu lượng hơn 40.000m3/ngày đêm để phục vụ nước sinh hoạt, dịch vụ, du lịch và công nghiệp.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin