Từ đầu năm đến nay, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi có tỷ lệ giải ngân vốn khá thấp. Nguyên nhân chính là do các thủ tục, quy định về giải ngân của nhiều nội dung còn chưa được hoàn thiện.
Tỷ lệ giải ngân đạt thấp
Theo đánh giá của tỉnh, ước tính đến cuối năm nay, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm bình quân 6%, thu nhập bình quân của đồng bào DTTS là 23 triệu đồng/người/năm, tăng 1,6 lần so với năm 2020. Kinh tế có bước phát triển, đời sống văn hóa, tình hình an ninh trật tự ở khu vực miền núi được giữ vững, niềm tin của người dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng đối với Đảng và chính quyền địa phương được tăng cường, củng cố.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, năm 2023, nguồn vốn dành cho chương trình hơn 250 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã phân bổ được khoảng 180 tỷ đồng; số còn lại đang chờ tỉnh điều chỉnh, bổ sung và các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn thực hiện một số tiểu dự án mới có cơ sở phân bổ vốn. Đến nay, trị giá khối lượng thực hiện chỉ đạt khoảng 27,3 tỷ đồng, chiếm 11% tổng nguồn vốn.
Một góc xã Sơn Bình của huyện miền núi Khánh Sơn. |
Cụ thể, năm 2023 tỉnh dành 15,3 tỷ đồng để xây nhà ở và hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung cho đồng bào DTTS. Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn của Trung ương về lập dự án đầu tư hỗ trợ nhà ở và đang chờ HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức ngân sách địa phương hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo thuộc Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt); các địa phương vừa phê duyệt danh sách đối tượng thuộc đối tượng thụ hưởng Dự án 1 cuối tháng 6-2023 nên chưa kịp triển khai thực hiện.
Với Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị), năm nay, tỉnh được phân bổ hơn 46,3 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa giải ngân được. Trong đó, đối với việc giao khoán bảo vệ rừng, người dân không mặn mà do mức chi giao khoán quá thấp (400.000 đồng/ha/năm); kế hoạch năm nay giao khoán bảo vệ hơn 21.000ha rừng khó thực hiện. Đối với nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, quy định mức hỗ trợ cụ thể cho từng dự án, kế hoạch sản xuất chưa được ban hành nên chưa có cơ sở triển khai.
Đối với Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong tổng vốn hơn 64,3 tỷ đồng mới giải ngân được 30,3% vốn đầu tư, còn toàn bộ vốn sự nghiệp (gần 8,2 tỷ đồng) chưa giải ngân được do đa số UBND các xã chưa xây dựng danh mục công trình cần duy tu, bảo dưỡng trình HĐND xã thông qua theo quy định. Đối với các dự án, nội dung liên quan đến hỗ trợ phát triển giáo dục, đào tạo nghề, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng, chống suy dinh dưỡng..., từ đầu năm đến nay cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai. Các địa phương chưa quan tâm nghiên cứu và triển khai các nội dung khác, như: Hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; cung cấp thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm, kết nối việc làm cho lao động là người DTTS; tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp, khởi nghiệp, học nghề, việc làm và các dịch vụ hỗ trợ việc làm, đi làm việc ở nước ngoài...
Tập trung tháo gỡ
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, từ nay đến cuối năm, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc và Chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh năm 2023. Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho hộ nghèo vùng đồng bào DTTS và miền núi; Nghị quyết điều chỉnh danh mục đầu tư Chương trình giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, ban sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung vốn thực hiện năm 2023; tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định định mức chi ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện dự án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành sớm sửa đổi, bổ sung những quy định, hướng dẫn thực hiện các nội dung chương trình; hướng dẫn cụ thể nội dung chuyển đổi số trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình; hướng dẫn việc bồi dưỡng tiếng dân tộc đối với DTTS chưa có bộ chữ viết được công nhận theo quy định.
Cùng với việc hoàn thiện khung văn bản, tỉnh quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư đối với các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần đã có đầy đủ văn bản hướng dẫn và cơ sở thực hiện. Ban Dân tộc cũng đề nghị các địa phương hoàn thiện hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định cho các hộ được hỗ trợ nhà ở trong năm 2023 để đảm bảo giải ngân nguồn vốn hỗ trợ nhà ở theo quy định; chủ động lựa chọn và hướng dẫn các đơn vị chủ trì liên kết dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, hỗ trợ sản xuất cộng đồng để lập dự án, kế hoạch, phương án phát triển sản xuất.
Theo chỉ đạo của tỉnh, các ngành, địa phương đang tập trung giải quyết đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chuyển đổi nghề, hạ tầng thiết yếu để tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi; chăm lo sức khỏe nhân dân, bình đẳng giới, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào DTTS. Cùng với đó, tập trung theo dõi, nắm tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường..., tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh.
HỒNG ĐĂNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin