Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước xuất hiện tình trạng một số phương tiện sử dụng chìa khóa thông minh (smartkey) bỗng dưng không thể hoạt động, khiến người dân băn khoăn, lo lắng. Tình trạng này cũng vừa xảy ra ở TP. Cam Ranh.
Chìa khóa thông minh bỗng dưng... "hết thông minh"
Cuối tháng 7, sau khi đến ăn uống tại nhà hàng của gia đình ông N.H.H (đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Ba Ngòi, Cam Ranh), nhiều khách hàng khi ra về đều không khởi động được xe máy, ô tô bằng chìa khóa thông minh. Xe ô tô của gia đình ông N.H.H. cũng gặp tình trạng này, dù trước đó vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, một số khách hàng dắt xe máy ra khỏi nhà hàng mấy chục mét lại mở được khóa. “Ban đầu, tôi nghĩ chìa khóa xe bị hư hoặc hết bình nên không khởi động được. Nhưng khi nhiều khách hàng cũng không mở được khóa thông minh trong khu vực nhà hàng, tôi nghi ngờ sóng ở đây có vấn đề nên liên hệ với cơ quan chức năng để được hỗ trợ”, ông Hùng N.H.H. nói.
Cán bộ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII sử dụng thiết bị thu đo tần số để tìm thiết bị gây nhiễu khu vực nhà ông N.H.H. (Cam Ranh). |
Ngay khi tiếp nhận thông tin phản ánh của ông N.H.H., Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII (Cục Tần số vô tuyến điện - Bộ Thông tin và Truyền thông) đã cử cán bộ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đến kiểm tra. Tại đây, cán bộ Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII đã sử dụng thiết bị thu đo tần số để kiểm soát và phát hiện một hộ dân ở gần đó sử dụng thiết bị chống trộm bị lỗi, phát sóng liên tục trên tần số 433MHz, đây là nguyên nhân gây nhiễu sóng nên đã đề nghị hộ dân này ngừng sử dụng thiết bị bị lỗi để tránh gây nhiễu cho các thiết bị khác trong khu vực.
Theo lãnh đạo Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII, thời gian gần đây, không chỉ ở Khánh Hòa, các tỉnh trong khu vực đơn vị quản lý như: Phú Yên, Bình Thuận… cũng xảy ra vụ việc tương tự. Khi chìa khóa thông minh không mở được, phần lớn người dân cho rằng hư khóa hoặc hư bình nên đưa đến cửa hàng để kiểm tra, thậm chí có người còn tốn tiền triệu để thay mới khóa, bình. Thế nhưng, khi đến các khu vực bị nhiễu sóng, chìa khóa xe vẫn không hoạt động được.
Nên mua các thiết bị có chứng nhận hợp quy
Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Trưởng phòng Kiểm tra - Xử lý thuộc Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực VII cho biết, băng tần 433MHz là băng tần dùng chung cho các thiết bị được sử dụng có điều kiện, miễn giấy phép (theo Thông tư số 08 của Bộ Thông tin và Truyền thông). Thông thường, những thiết bị hoạt động trên dải băng tần này như: Thiết bị báo cháy, chống trộm, chìa khóa thông minh… sẽ hoạt động theo chu kỳ hoặc khi có tác động, chứ không hoạt động liên tục. Khi thiết bị bị lỗi sẽ hoạt động liên tục, gây hiện tượng nhiễu sóng cho các thiết bị khác. Phần lớn các thiết bị này có công suất nhỏ nên phạm vi ảnh hưởng chỉ trong bán kính khoảng 100m.
Thời gian gần đây, tại một số thành phố lớn trong cả nước đã ghi nhận nhiều trường hợp bị nhiễu sóng tương tự. Các sản phẩm, thiết bị gây nhiễu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc được độ chế lại để sử dụng với mục đích khác chức năng ban đầu. Với xu hướng tự động hóa ngày càng cao, việc người dân sử dụng các thiết bị thông minh, điều khiển không dây ngày càng phổ biến, hiện tượng can nhiễu không chỉ xảy ra đối với các phương tiện ô tô, xe máy sử dụng khóa thông minh, mà các thiết bị khác hoạt động cùng băng tần 433MHz, như: Điều khiển cửa cuốn, thiết bị báo cháy, báo trộm… cũng có thể bị nhiễu sóng, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Theo ông Sơn, người dân, cơ sở kinh doanh nên tìm mua các thiết bị vô tuyến điện ở những cơ sở uy tín và sử dụng đúng theo hướng dẫn. Giải pháp hiệu quả để hạn chế nhiễu và không gây tình trạng nhiễu sóng ở khu vực xung quanh là mua những sản phẩm đã có chứng nhận hợp quy. Trường hợp nghi ngờ các thiết bị thông minh không hoạt động do bị can nhiễu, người dân có thể gọi vào đường dây nóng của Cục Tần số vô tuyến điện 0862.92.92.92 để được tư vấn và hỗ trợ xử lý.
MAI HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin