16:50, 31/07/2023

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có công văn về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ngành liên quan tập trung nguồn lực thực hiện quyết liệt và đồng bộ các biện pháp phòng bệnh dại theo quy định của Luật Thú y, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề trên và “Kế hoạch phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà giai đoạn 2022-2030” của UBND tỉnh.

Công văn nêu, chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố là người chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại tại địa phương; chỉ đạo các xã, phường thống kê chính xác số hộ nuôi chó, mèo ở từng thôn, tổ hướng dẫn chủ hộ nuôi chấp hành việc nuôi và tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó mèo theo đúng quy định; phối hợp với cơ quan quản lý thực hiện tiêm phòng vắc xin dại cho đàn chó, mèo đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 75% tổng đàn trong giai đoạn 2023-2025 và trên 80% giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông để người nuôi chó, mèo có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định; tăng cường áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về nuôi chó, mèo….

UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ động phối hợp với các địa phương thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin dại, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn chó, mèo; phối hợp tập huấn kỹ thuật bắt chó thả rong và động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh; tổ chức việc kiểm soát vận chuyển có mèo trong nước theo quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Sở Y tế đảm bảo việc tiếp cận vắc xin phòng bệnh dại cho người; phổ biến và truyền thông các địa điểm tiêm phòng bệnh dại; kịp thời thông tin cho cơ quan thú y khi có thông tin về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại cắn; tham mưu UBND tỉnh xem xét, hỗ trợ một phần chi phí tiêm phòng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại điều trị dự phòng cho người nghèo vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch phòng, chống bệnh dại trên người, giai đoạn 2023-2030 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… Các sở, ngành liên quan phối hợp với các đơn thực hiện tốt các nội dung trên.

Theo số liệu thống kê, 10 năm gần đây trên địa bàn tỉnh không xuất hiện người mắc bệnh dại, tuy nhiên trong năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ghi nhận hơn 7.400 lượt người phải điều trị dự phòng bệnh dại.

C.ĐAN