22:38, 27/07/2023

Sẽ sửa chữa đồng bộ hệ thống đập dâng Gò Mè

H.Đ

Do được đầu tư vận hành, khai thác đã hơn 40 năm, đập dâng Gò Mè (xã Bình Lộc, huyện Diên Khánh) đã xuống cấp, không đảm bảo công năng và an toàn. Vì vậy, tỉnh đang tính toán gia cố, sửa chữa nhằm đồng bộ hệ thống tưới tiêu và phát huy tối đa hiệu quả của công trình.

Đập dâng xuống cấp

Đập dâng Gò Mè nằm ở cuối trong hệ thống công trình hồ chứa nước Láng Nhớt, Cây Sung, nằm sau đập dâng Đồng Sậy và đập dâng Xuân Đài. Được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác vận hành từ năm 1980, đập dâng Gò Mè có kết cấu bê tông kết hợp đá xây, có chiều dài hơn 20m, rộng khoảng 2m. Theo thiết kế, đập có khả năng cung cấp nước tưới ổn định cho 50ha lúa 2 vụ/năm thuộc địa bàn xã Bình Lộc. Sau nhiều năm khai thác đến nay, đập đã xuống cấp, nhiều hạng mục quan trọng bị hỏng. 

Cụ thể, trên vị trí mặt đập, chân đập đã xuất hiện nhiều vết nứt, 2 vai đập đều đã bị lún sụp; 2 bờ đập dâng phía hạ lưu bị lún sụp, xói lở nhiều vị trí; phía hạ lưu đập xuất hiện cát đụn thành bãi. Theo cơ quan chuyên môn, việc xuất hiện cát ở hạ lưu đập nhiều khả năng là do hiện tượng xói ngầm dưới thân đập nên đã mang theo cát từ thượng lưu về hạ lưu. Ngoài ra, đập dâng này chưa có nhà quản lý và khu vực chứa ván phai. Khi cần tháo ván phai để điều tiết nước hoặc xả lũ, cơ quan quản lý phải gửi các tấm ván phai vào nhà người dân nên rất bất tiện.

Đập dâng Gò Mè nhìn tự hạ lưu, tiêu năng lún sụp, cát mang từ thượng lưu về hạ lưu
Đập dâng Gò Mè xuất hiện cát ở hạ lưu.

Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Khánh Hòa (Công ty Thủy lợi Khánh Hòa) cho biết, do bị xuống cấp nên hiện nay, công trình chỉ có thể đảm bảo tưới cho 35ha lúa. Những năm gần đây, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp hưởng lợi từ công trình này đã tạm ngừng sản xuất. Cử tri địa phương đã nhiều lần kiến nghị tỉnh sửa chữa, gia cố đập dâng này.

Để đảm bảo an toàn và công năng của công trình, Công ty Thủy lợi Khánh Hòa đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí (khoảng 14,5 tỷ đồng) để sửa chữa, gia cố vai đập, kè mái, cửa lấy nước; rọ đá chống xói; xây dựng nhà kho chứa dụng cụ, thiết bị công trình…

Thống nhất nâng cấp đồng bộ hệ thống

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã tiến hành kiểm tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng đập dâng Gò Mè. Kết quả cho thấy, công trình bị hỏng, xuống cấp, cần phải đầu tư sửa chữa, gia cố. Việc sửa chữa đập dâng này phù hợp với các quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021 - 2030. Trên cơ sở đó, đầu tháng 7, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí cho Công ty Thủy lợi Khánh Hòa triển khai thực hiện Dự án Sửa chữa đập dâng Gò Mè; giao Sở NN-PTNT lập báo cáo chủ trương đầu tư dự án, trình Sở Kế hoạch và Đầu tư để chủ trì thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án; Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu hỗ trợ kinh phí theo nội dung thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn cho dự án.

Ngoài ra, tại cuộc họp mới đây với UBND tỉnh, lãnh đạo Sở NN-PTNT báo cáo, hiện nay, một số đoạn kênh tiếp nước cho đập dâng này cũng đã bị xuống cấp. Do đó, sở đề nghị công ty tính toán sửa chữa đồng bộ cùng với sửa chữa, gia cố đập dâng Gò Mè nhằm đảm bảo khai thác tối đa hiệu quả công trình.

Theo rà soát của Công ty Thủy lợi Khánh Hòa, hiện nay, đoạn kênh thượng lưu của đập dâng Gò Mè (kênh B14 thuộc hệ thống kênh chính bắc - hồ chứa nước Suối Dầu) thường xuyên xảy ra hiện tượng nước tràn bờ do mặt cắt kênh không đảm bảo khả năng tải nước từ công trình đầu mối. Một số đoạn kênh bị hỏng, nứt gãy do đầu tư cách đây đã hơn 20 năm. Vì vậy, để hạn chế rò rỉ, thất thoát nước, đảm bảo khả năng dẫn nước, việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số đoạn trên tuyến kênh B14 là cần thiết nhằm đồng bộ, nâng cao hiệu quả tối đa cho hệ thống cấp nước thủy lợi khu vực này.

H.Đ