22:01, 30/07/2023

Khánh Vĩnh: Thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo 

Những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Nỗ lực thoát nghèo

Chúng tôi khá ấn tượng khi đến nhà ông Cao Hoài Nghinh (thôn Suối Cá, xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh), bởi căn nhà của ông được sửa chữa lại khang trang. Hộ ông Nghinh cũng vừa thoát nghèo. Nhiều năm trước, gia đình ông chuyên làm rẫy, cây trồng là dưa, mì, bắp, lúa rẫy... có giá trị kinh tế thấp nên cuộc sống bấp bênh. Gia đình 9 người nhưng chỉ có 1,4ha đất rẫy, cây mì trở thành cây cứu đói. Những năm sau này, khi Nhà nước có chính sách cấp nhà, cấp đất trồng lúa nước (1,7ha), trợ cấp lương thực, cuộc sống gia đình có đỡ hơn nhưng vẫn chưa thể thoát nghèo. Từ khi gia đình chuyển sang trồng keo, lúa nước, kết hợp nuôi bò thì thu nhập nâng lên, cuộc sống cải thiện, dần dần thoát nghèo. 

Nhà ông Cao Hoài Nghinh vừa sửa sang lại khang trang.
Nhà ông Cao Hoài Nghinh vừa sửa sang lại khang trang.

Năm 2007, gia đình ông Đồng Văn Dũng - bà Dương Thị Hoa từ Bắc Kạn di cư vào sinh sống ở thôn Tà Mơ (xã Khánh Thành). Thời gian đầu, vợ chồng làm ăn rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo của thôn. Suốt nhiều năm, gia đình chủ yếu thuê đất trồng mì nên cái nghèo mãi đeo bám. Đến năm 2014, khi gia đình mạnh dạn chuyển sang trồng keo mới có thu nhập khá hơn. Tiền bán keo được vợ chồng ông dành dụm mua đất sản xuất, cứ mỗi năm thêm 1ha. Có tiền, có đất, ông Dũng tiếp tục đầu tư trồng bưởi da xanh, cam sành, nuôi bò để có tiền nuôi 2 con học đại học. Đến nay, khi 2 con của ông ra trường, có việc làm, kinh tế gia đình bắt đầu ổn định dần từ những vườn cây, rẫy keo đã được đầu tư nhiều năm nay. Gia đình ông đã thoát nghèo bền vững.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Ông Lê Đình Phùng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết, thời gian qua, huyện đã triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp giảm nghèo để giúp các hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững. Song song với chương trình đầu tư hạ tầng giao thông, chính quyền đã đa dạng hóa các chương trình, mô hình sinh kế giảm nghèo; hỗ trợ phát triển nghề nghiệp, đào tạo, tập huấn, xuất khẩu lao động; hỗ trợ xây dựng nhà ở; truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi cho người dân. Bên cạnh đó, đối với các vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, Nhà nước còn quan tâm hỗ trợ phát triển nông nghiệp, cải thiện điều kiện dinh dưỡng, đặc biệt là đối với trẻ em.

Nhờ thay đổi cây trồng, hộ ông Đồng Văn Dũng đã thoát nghèo bền vững.
Nhờ thay đổi cây trồng, hộ ông Đồng Văn Dũng đã thoát nghèo bền vững.

Năm 2022, huyện đã triển khai xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai, phát triển hạ tầng giao thông, như: Kè chống sạt lở bờ phải sông Cái (qua xã Liên Sang) với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng; cầu sông Trang xấp xỉ 80 tỷ đồng; sửa chữa cầu Yang Bay 1 với kinh phí 28 tỷ đồng; sửa chữa đường K25 từ thôn Hòn Lay đi Ba Dùi (xã Khánh Hiệp) hơn 28 tỷ đồng... Đồng thời, đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng sửa chữa đường số 2 (xã Khánh Đông); hơn 1 tỷ đồng để nâng cấp đường liên xã thị trấn Khánh Vĩnh đi Khánh Thành; đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng để sửa chữa các cầu treo trên địa bàn; hơn 1,15 tỷ đồng để nâng cấp kênh mương Suối Ốc, Suối Mây (xã Khánh Đông); gần 1,2 tỷ đồng để nâng cấp kênh chính cánh đồng Cao Mô Xê (xã Khánh Bình)...

Năm 2023, ngoài việc bố trí kinh phí cho các công trình đang triển khai, huyện tiếp tục đầu tư nhiều chương trình, dự án, như: Hỗ trợ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng; hỗ trợ việc làm bền vững; phát triển sinh kế; hỗ trợ phát triển nông nghiệp; kế hoạch phát triển nghề nghiệp... Hiện nay, huyện rà soát, đề xuất tỉnh xây mới 54 nhà, sửa chữa 676 nhà ở cho các hộ nghèo, cận nghèo; đẩy mạnh truyền thông về giảm nghèo...

Tính đến cuối năm 2022, huyện Khánh Vĩnh còn 4.211 hộ nghèo, chiếm 39,16% (theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025). Đây là nỗ lực của toàn huyện khi đã giảm được 620 hộ nghèo so với năm 2021, đạt yêu cầu giảm 50% hộ nghèo hàng năm theo nghị quyết của huyện.

V.L