Nhiều năm qua, lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa đã ra sức thi đua trồng và chăm sóc cây xanh trong hoàn cảnh khí hậu khắc nghiệt, nhiều sóng gió. Miệt mài qua thời gian, những cây tự nhiên trên đảo và cây trồng càng thêm rợp bóng, tạo nên diện mạo mới cho các đảo.
Nỗ lực phủ xanh các đảo
Trong chuyến công tác ra Trường Sa mới đây, hầu như ở tất cả các đảo chúng tôi đến đều phủ màu xanh tươi của cây, tạo không khí mát mẻ, trong lành. Thậm chí ở đảo Trường Sa, Sinh Tồn còn có nhiều cây cổ thụ rất sum suê... Có được điều đó là nhờ phong trào “xanh hóa” Trường Sa nhiều năm qua mà lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, người dân trên các đảo dốc sức, đồng lòng thực hiện. Trung tá Trần Quang Phú - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng, Quyền đảo trưởng đảo Trường Sa cho biết, đảo phát động phong trào trồng, chăm sóc cây xanh theo những mục tiêu cụ thể. Theo đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ đến công tác tại đảo sẽ trồng 5-10 cây xanh và có trách nhiệm bảo quản cây mình trồng cho đến khi rời đảo. Ngoài ra, trên đảo thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể trồng, ươm cây xanh, đơn vị nào làm tốt được biểu dương, khen thưởng nên đã tạo khí thế thi đua sôi nổi.
Một góc đảo Sinh Tồn. |
Đảo Song Tử Tây cũng phát động chương trình trồng, chăm sóc cây xanh gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, chiến sĩ. Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch HĐND xã đảo cho hay, đảo Song Tử Tây có khí hậu khắc nghiệt, hơi muối nhiều, lại là “điểm” phát sinh hay đổ bộ của những cơn bão nên việc trồng, chăm sóc cây xanh gặp nhiều khó khăn. Còn nhớ năm 2021, cơn bão số 9 tràn qua đảo khiến 90% cây xanh bị quật ngã. Sau khi bão đi qua, đảo tiếp nhận cây giống từ đất liền, khẩn trương dựng lại cây, nỗ lực chăm sóc để phục hồi cây xanh trên đảo. Ngoài ra, đảo phát động phong trào mỗi cán bộ, chiến sĩ khi công tác trên đảo trồng và chăm sóc 1 cây xanh lưu niệm. Qua thời gian, nhờ thực hiện tốt phong trào đã tạo ra màu xanh tươi mát bao quanh đảo, cũng là nơi để quân và dân trên đảo hưởng thụ môi trường trong lành.
Điều đáng mừng là hiện nay, trên các đảo như: Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Đá Tây... đã đào, khoan được các giếng nước, góp phần cung cấp nguồn nước tưới cho cây. “Đảo Song Tử Tây có giếng khoan, vào mùa mưa có độ ngọt tương đương 70-80% so với đất liền. Đây là nguồn nước quan trọng để chúng tôi tưới, chăm sóc cây, đồng thời phục vụ nhu cầu sinh hoạt của quân và dân trên đảo”, ông Trần Văn Hùng cho biết.
Chọn cây trồng phù hợp
Với điều kiện khắc nghiệt trên đảo, không phải cây xanh nào cũng có thể tồn tại và phát triển. Trải qua thời gian và liên tục đúc rút kinh nghiệm, hiện nay, các đảo đã tìm được hệ thống cây xanh thích hợp với khí hậu, điều kiện tự nhiên khu vực Trường Sa, như: Cây tra, bàng vuông, mù u, phong ba… Ngoài ra, có những loại cây mới từ đất liền mới đưa ra thử nghiệm gần đây thích nghi rất tốt, như: Cây trôm, phi lao, thông, nhàu, một số cây ăn quả. Tại đảo Song Tử Tây, các loại cây này được trồng theo khuôn viên quy hoạch tổng thể trên đảo, giúp cán bộ, chiến sĩ, nhân dân có nơi nghỉ ngơi, thư giãn dưới bóng mát sau giờ rèn luyện, lao động… Trung tá Trần Bá Việt - Phó Chỉ huy trưởng quân sự đảo Song Tử Tây cho hay, đảo xây dựng được vườn ươm trên cơ sở tận dụng vật liệu trên đảo, rộng 90m2. Nguồn giống chủ yếu lấy từ hạt các loại cây trên đảo rụng xuống. Vườn ươm bao gồm nhiều loại cây, như: Cây tra, mù u, bàng vuông, nhàu, cau cảnh, trôm… Một số loại cây mới từ đất liền đưa ra như: Dừa xiêm lùn, mít Thái, ổi… đang được thử nghiệm tại vườn ươm trước khi đưa ra trồng.
Vườn ươm trên đảo Song Tử Tây. |
Thượng tá Nguyễn Văn Bách - Chính trị viên đảo Đá Tây cho biết, trước đây, nhiều khu vực đảo còn trống nên chỉ huy liên hệ các đảo lân cận tạo nguồn cây xanh. Qua 4 năm phát động phong trào, đảo có màu xanh tương đối, bảo đảm khí hậu trong lành. Vào thời điểm khí hậu khắc nghiệt, khó chăm sóc, cán bộ, chiến sĩ tìm giải pháp che chắn bằng lưới cho cây vươn lên. Hiện nay, cây phi lao rất thích hợp với điều kiện sống trên đảo, cây vươn rất cao.
Ông Trần Văn Trình - Chủ tịch HĐND xã đảo cho hay, từ đầu năm đến nay, đảo trồng được 700-800 cây mới thông qua giải pháp chiết cành và cây ươm. Tuy nhiên, hiện nay có một số cây bị sâu hại, điển hình như cây bàng vuông, các cán bộ, chiến sĩ phải thường xuyên theo dõi, phun thuốc diệt sâu hại. Khó khăn nhất là chất đất trên đảo nhiễm mặn, khô cứng nên không thể trồng cây mà phải dựa vào nguồn phân từ đất liền đưa ra. Xã đảo cũng vận động cán bộ, chiến sĩ xây dựng những hố phân xanh để bón cây...
V.L
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin