07:10, 06/07/2023

Bệnh tay chân miệng: Xuất hiện nhiều ca nặng

C.ĐAN

6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Khánh Hòa ghi nhận 326 ca mắc tay chân miệng. Riêng trong tháng 6, số ca mắc tăng cao với 183 ca. Đáng lo ngại là có nhiều ca nặng và rất nặng, đã có trường hợp tử vong.

Số ca bệnh nặng tăng

Những ngày qua, bình quân mỗi ngày, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh điều trị nội trú từ 20 đến 25 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có nhiều trẻ khi nhập viện đã ở cấp độ cảnh báo và nặng (2b, độ 3 và độ 4). Cao điểm có ngày, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc của bệnh viện có 10 giường bệnh thì có đến 9 giường là các ca mắc tay chân miệng nặng, có một số bệnh nhi phải sử dụng máy thở.

Bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh khám bệnh cho trẻ mắc tay chân miệng nặng.

Sau 2 ngày được điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sức khỏe bé trai (10 tháng tuổi) con của chị Ngô Thị Diễm Kiều (thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm) đã ổn định. Chị Kiều cho biết: “Trước đó, thấy con bị nổi mẩn đỏ vài nốt ở người, tôi cứ nghĩ cháu bị rôm sảy nên mua thuốc về bôi cho cháu. Sau đó, thấy tình trạng của cháu ngày càng nặng nên đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cam Lâm, rồi được chuyển đến đây mới biết cháu bị mắc tay chân miệng nặng, cấp độ 3”. Bệnh nhi Huỳnh Trần Phước H. (2 tuổi, huyện Vạn Ninh) được chuyển vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh trong tình trạng bị sốt cao liên tục, kết quả xét nghiệm bé bị mắc tay chân miệng cấp độ 3 kèm mắc sốt xuất huyết. Sau 2 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, sức khỏe của bé đã cải thiện, nhưng vẫn còn sốt. Chị Trần Xuân Lộc, mẹ của bé H. cho biết: "Sau khi bé đi học về thấy trên người nổi các mẩn đỏ, sốt nên gia đình cho bé nhập Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh, sau đó được chuyển đến đây. Tôi cũng không biết bé lây từ nguồn nào, vì tại lớp học của bé chưa có ca mắc nào”.

 Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, bệnh viện khám và điều trị cho hơn 200 ca mắc tay chân miệng, trong đó có 50 ca cấp độ 2 (mức cảnh báo nguy cơ chuyển biến nặng). Riêng trong tháng 6 ghi nhận 60 ca, trong đó có 40 ca ở cấp độ 2. Hầu hết trẻ nhập viện đều dưới 5 tuổi, có nhiều trẻ dưới 1 tuổi.

Bác sĩ chuyên khoa II Trần Nam Quân - Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh cho biết: “Mặc dù thời điểm này chưa phải cao điểm của dịch bệnh tay chân miệng, nhưng bệnh viện tiếp nhận nhiều ca do các tuyến dưới chuyển lên. Các năm trước, số ca mắc tay chân miệng đều nhẹ, nhưng năm nay số ca nặng tương đối nhiều. Nhiều trẻ nhập viện đã ở cấp độ 2. Ở độ cảnh báo này, nếu không được điều trị, theo dõi kịp thời, rất dễ chuyển biến nặng lên độ 3, độ 4”.

Diễn biến còn phức tạp

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh ghi nhận 326 ca mắc tay chân miệng, trong đó đã có 1 trường hợp tử vong (ở Vạn Ninh). Tháng 6 ghi nhận nhiều ca mắc nhất với 183 ca. Vạn Ninh là địa phương có số mắc tay chân miệng /100.000 dân cao nhất với 79 ca, huyện Khánh Vĩnh thấp nhất 2 ca. Các trường hợp mắc tay chân miệng chủ yếu ở nhóm từ 36 tháng tuổi trở xuống (chiếm 78,5%).

Theo bác sĩ Tôn Thất Toàn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, với diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, trước đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã ban hành Kế hoạch về phòng, chống bệnh tay chân miệng năm 2023; tổ chức giám sát, hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố về công tác xác minh các ca bệnh và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tay chân miệng. Đồng thời, các đơn vị lồng ghép hoạt động truyền thông vào các ngày tổ chức tiêm chủng hàng tháng tại trạm y tế, trường mầm non, mẫu giáo; tập huấn cho những người làm công tác y tế học đường, bảo mẫu ở các trường mầm non. Cùng với đó, trung tâm yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và các ban, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng tại địa phương, đặc biệt là chú trọng ở các trường mầm non, thôn, tổ dân phố… Thông thường, khoảng 90% trẻ mắc tay chân miệng tự khỏi. Tuy nhiên, năm nay, theo kết quả xét nghiệm, phân tích chủng vi rút gây bệnh tay chân miệng ghi nhận có chủng EV71. Đây là chủng có độc lực cao, trẻ mắc chủng này dễ chuyển biến nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm, như: Viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, năm nay, cùng với việc khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, các địa phương đều tăng cường giám sát các ca bệnh, đặc biệt là ở các nhà trẻ.

Dự báo bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới. Do đó, bên cạnh sự vào cuộc tích cực của ngành Y tế, các bậc phụ huynh có con nhỏ dưới 5 tuổi cần yêu cầu rửa tay thường xuyên cho trẻ và người chăm sóc trẻ; vệ sinh đồ chơi, nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn. Theo các bác sĩ, trẻ mắc tay chân miệng dễ bị nhầm lẫn với sốt mọc răng, phát ban, dị ứng, rôm sảy… Vì thế, phụ huynh cần theo dõi sức khỏe trẻ, khi nghi ngờ trẻ mắc tay chân miệng cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị, tránh trường hợp để bệnh chuyển biến nặng có thể dẫn đến tử vong.

C.ĐAN