Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng lần thứ X (2022 - 2023) do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức mới đây đã thu hút đông đảo thanh thiếu niên, nhi đồng tham gia với 424 sản phẩm dự thi. Theo đánh giá của Ban tổ chức, cuộc thi năm nay có những đổi mới, sáng tạo, nhiều giải pháp hay, mới mẻ…
Hai em Nguyễn Thiên Quân (trái) và Cao Minh Đức được lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa trao giải nhì |
Đoạt giải nhì cuộc thi với sản phẩm tin học: Mèo vượt chướng ngại vật, 2 em Nguyễn Thiên Quân và Cao Minh Đức (học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Vĩnh Nguyên 1, TP. Nha Trang) rất vui. Quân và Đức cho biết, nhờ trải qua một lớp lập trình ở trường, với niềm đam mê tin học, các em thường xuyên luyện tập các phần mềm dạng này nên khá thành thạo trong việc lập trình. Phần mềm được lấy ý tưởng từ trò chơi Geometry Dash (hình khối va chạm), các em đã lập trình thay hình vuông bằng chú mèo biết đi, biết bay cho sinh động hơn, thay cả màn hình sân khấu. Đồng thời, phần mềm điểm sẽ lưu lại khi người chơi hoàn thành trò chơi… Để hoàn thành phần mềm, Quân được phân công viết câu lệnh, còn Đức vẽ chướng ngại vật và nhân vật. Cả 2 mất hơn 1 tháng mới hoàn thành sản phẩm dự thi của mình.
Lần đầu dự thi, sản phẩm Trạm sạc điện thoại công cộng sử dụng năng lượng mặt trời của em Cao Minh Vũ (Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Khánh Vĩnh) đã được Ban Giám khảo đánh giá cao và đoạt giải ba tại cuộc thi. Vũ cho biết, người dân dùng điện thoại di động ngày càng nhiều, kèm theo những thiết bị khác nên dễ hết pin, nhất là những người cần liên hệ công việc nhưng lại đang ở nơi công cộng. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng mặt trời nơi đâu cũng có, chỉ cần mua sắm thiết bị lắp đặt ở những nơi công cộng là có thể đáp ứng nhu cầu. Trạm sạc có nhiều ưu điểm như: Dễ sử dụng, chi phí không cao, nguyên liệu dễ tìm, khả năng áp dụng rộng rãi, mang tính cộng đồng cao… Nguyên vật liệu của em gồm: Tấm pin năng lượng mặt trời 100W; bộ điều khiển sạc; ắc quy 12V, 20A; dây cáp sạc đa năng; tủ điện và hệ thống giá đỡ bằng sắt là đủ cho trạm sạc ra đời. Mô hình có thể nâng cấp để sạc cho máy tính xách tay, máy tính bảng hay xe đạp điện…
Cao Minh Vũ với sản phẩm trạm sạc năng lượng mặt trời |
Ngoài ra, còn có rất nhiều đề tài, sản phẩm tham gia cuộc thi. Tất cả đều rất thiết thực, có sản phẩm áp dụng công nghệ mới nhất như AR (thực tế ảo) hay cảm biến vân tay… Có thể kể đến như: Thiết bị chống cận thị và gù lưng ở trẻ em; gậy biết nói hỗ trợ người khiếm thị; cửa mở bằng vân tay và wifi; thiết bị theo dõi nhiệt độ và pH môi trường nuôi thủy sản; thảo mộc làm nguyên liệu chế biến xà phòng bảo vệ da…
Theo ông Nguyễn Đắc Tài - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cuộc thi năm nay có sự đổi mới về thể lệ. Theo đó, sản phẩm dự thi yêu cầu phải có chất lượng, tính mới, tính sáng tạo, tính hiệu quả, có khả năng áp dụng vào thực tiễn. Liên hiệp hội đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương nhằm tạo điều kiện cho học sinh các huyện, thị xã, thành phố tham gia gửi hồ sơ đăng ký mô hình sản phẩm dự thi một cách dễ dàng, thuận lợi. Sản phẩm dự thi lần này rất đa dạng, phong phú, có chất lượng khá cao, tập trung với nhiều giải pháp mới, sáng tạo.
Phát biểu tại lễ tổng kết cuộc thi, ông TRẦN HÒA NAM - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để cuộc thi thực sự trở thành phong trào học tập, lao động sáng tạo về khoa học - công nghệ ở lứa tuổi học sinh; các nhà trường, cơ sở giáo dục, tổ chức đoàn, hội, đội cần đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo, áp dụng có hiệu quả sáng kiến, giải pháp, khoa học công nghệ vào thực tiễn...
Cuộc thi năm nay có 274 trường tiểu học, 119 trường THCS, 22 trường THPT, 9 trường trung cấp nghề đóng góp 424 sản phẩm dự thi ở các lĩnh vực: Đồ dùng học tập; phần mềm tin học; sản phẩm thân thiện môi trường; dụng cụ gia đình, đồ chơi trẻ em; giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế. Ban tổ chức đã trao 68 giải. Trong đó, có 3 giải nhì, 6 giải ba và 59 giải khuyến khích cho các nhóm có đề tài.
V.L
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin