Theo báo cáo của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, tính đến ngày 31-5, tổng nợ thuế toàn tỉnh hơn 1.762 tỷ đồng (không bao gồm tiền thuế nợ đã khoanh), tăng hơn 429,6 tỷ đồng (tăng 32,24%) so với thời điểm ngày 31-12-2022. Trong đó, nợ có khả năng thu hơn 1.381 tỷ đồng, nợ khó thu hơn 298,6 tỷ đồng… 5 tháng đầu năm, ngành Thuế tỉnh thu nợ năm 2022 chuyển sang được hơn 222 tỷ đồng, đạt 16,68%; thu nợ phát sinh năm 2023 được hơn 634 tỷ đồng, đạt 49,31%.
Nguyên nhân nợ thuế tăng cao do các doanh nghiệp (DN) có vướng mắc về các khoản thu về đất chưa được cấp có thẩm quyền giải quyết; DN và hộ kinh doanh vẫn bị ảnh hưởng lớn sau đại dịch Covid-19; giá xăng dầu tăng tác động tiêu cực đến kinh doanh; một số DN nợ thuế sau khi khởi kiện đã được giải quyết lại tiếp tục khởi kiện lên cấp cao hơn… Mặt khác, vẫn còn nhiều DN nợ thuế lớn từ những năm trước chuyển qua. Đến nay, toàn tỉnh có 37 người nộp thuế còn nợ từ 5 tỷ đồng đến hơn 10 tỷ đồng trở lên.
Cán bộ Cục Thuế tỉnh hướng dẫn thủ tục hành chính cho người dân. |
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đôn đốc thu hồi nợ thuế, Cục Thuế tỉnh đã gửi văn bản tham mưu, đề xuất UBND tỉnh tổ chức đối thoại với 20 DN, trong đó 17 DN nợ thuế trên 10 tỷ đồng và 3 DN nợ từ 5 đến 10 tỷ đồng có vướng mắc liên quan đến các sở, ngành; Cục Thuế đã mời các DN còn lại làm việc, đôn đốc nộp nợ thuế. Đồng thời, chỉ đạo các phòng liên quan, các chi cục thuế duy trì việc công khai thông tin người nộp thuế có nợ thuế trên phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống chung để các sở, ngành tra cứu khi giải quyết thủ tục hành chính; phối hợp, cung cấp thông tin các trường hợp nợ dây dưa tiền thuế và nghĩa vụ tài chính về đất cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, Sở Công Thương để phối hợp thu hồi nợ thuế… Ngành Thuế tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế đến ngày 31-12 xuống dưới 8% trên tổng thu; thu tối thiểu 80% nợ năm 2022 chuyển sang trong năm 2023.
K. HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin