Nhóm nghiên cứu của Viện Pasteur Nha Trang vừa bảo vệ thành công đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh về đánh giá tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Đề tài do Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thái Hùng - Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang làm chủ nhiệm. Qua đó, đề xuất khắc phục những hạn chế trong công tác tiêm chủng.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thái Hùng, từ sau năm 2000, bệnh bạch hầu có xu hướng gia tăng trở lại tại nhiều nước. Năm 2019, gần 23.000 trường hợp trên thế giới được ghi nhận mắc bệnh. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện trở lại từ năm 2013 tại khu vực Tây Nguyên, tại miền Trung vào năm 2015. Năm 2020, dịch bệnh bạch hầu tiếp tục bùng phát tại 4 tỉnh Tây Nguyên, bao gồm: Đắk Nông, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk. Từ năm 2015 đến nay, 93,2% trường hợp bệnh được ghi nhận trong nhóm tuổi từ 5 đến 40; đồng thời, các ca bệnh xuất hiện ở cả những trẻ đã được tiêm chủng từ 3 đến 4 mũi vắc xin chứa thành phần giải độc tố bạch hầu trước đó. Khi bệnh bạch hầu bùng phát, công tác đáp ứng phòng, chống dịch được thực hiện thông qua các chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, các địa phương thường gặp khó khăn lớn do phải cùng lúc huy động nguồn lực lớn về nhân lực, vắc xin, vật tư tiêu hao...
Lấy mẫu xét nghiệm người tình nguyện tham gia nghiên cứu. |
Khánh Hòa thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, do đó luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, đặc biệt từ những tỉnh giáp ranh đang lưu hành bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên. Xuất phát từ thực tế này, Viện Pasteur đã triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Đánh giá thực trạng tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu ở độ tuổi từ 5 đến 40 trong cộng đồng dân cư tỉnh Khánh Hòa”. Đề tài được thực hiện từ tháng 9-2021 đến tháng 2-2023. Nhóm nghiên cứu đã chọn đối tượng là người dân đang sinh sống tại Khánh Hòa, độ tuổi từ 5 đến 40. Họ được xét nghiệm nồng độ kháng thể kháng độc tố bạch hầu. Kết quả cho thấy, mặc dù kết quả tiêm chủng 20 năm qua trên địa bàn tỉnh luôn đạt hơn 94% nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể không có miễn dịch hoặc chỉ có miễn dịch một phần với bệnh bạch hầu. Nồng độ kháng thể kháng độc tố bạch hầu ở đối tượng nghiên cứu đa số ở ngưỡng bảo vệ một phần chiếm 73,23%; tỷ lệ đối tượng ở ngưỡng bảo vệ đầy đủ chiếm 24,1%; tỷ lệ đối tượng có nồng độ kháng thể ở mức bảo vệ lâu dài chiếm 2,59%; 0,08% không có kháng thể bảo vệ. Tỷ lệ có kháng thể kháng độc tố bạch hầu ở ngưỡng đầy đủ và lâu dài cao nhất ở nhóm tuổi 5 - 10 (52,38%), sau đó giảm xuống lần lượt là 16,3%; 19,29% và 27,96% ở các nhóm tuổi 11 - 20; 21 - 30 và 31 - 40...
Nhóm nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp phòng, chống như: Duy trì tỷ lệ cao tiêm chủng vắc xin chứa thành phần bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng; khuyến khích tiêm nhắc vắc xin có chứa thành phần bạch hầu cho người lớn sau mỗi 10 năm để duy trì nồng độ miễn dịch kháng độc tố bạch hầu; tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung cho nhóm tuổi nguy cơ, địa bàn nguy cơ... Nhóm nghiên cứu còn đề xuất cần có những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tiêm chủng trên địa bàn quản lý; đồng thời, cần tăng cường công tác truyền thông phòng bệnh, tăng cường hệ thống giám sát dịch bạch hầu, tránh lây lan cộng đồng...
Tiến sĩ, bác sĩ LÊ TẤN PHÙNG - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu: Đề tài được đầu tư nghiên cứu công phu và có chất lượng cao. Ngoài việc làm rõ sự tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu ở độ tuổi từ 5 đến 40, đề tài cũng đã mô tả một số yếu tố liên quan đến sự tồn lưu kháng thể kháng độc tố bạch hầu và đề xuất các giải pháp để phòng, chống bệnh bạch hầu tại Khánh Hòa. Kết quả đề tài sẽ là cơ sở quan trọng để các ngành chức năng hoạch định kế hoạch nâng cao khả năng miễn nhiễm với bệnh bạch hầu của dân cư trên địa bàn tỉnh...
V.L
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin