Hiện nay, hầu hết các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh đều nhận trợ cấp hàng tháng bằng hình thức nhận tiền mặt trực tiếp. Trong thời gian tới, toàn tỉnh sẽ từng bước chuyển đổi sang chi trả trợ cấp xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng chính sách này.
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, vận động, hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện chi trả không dùng tiền mặt. Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng thụ hưởng vẫn chưa thể thực hiện do gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Mai Hữu Xuân - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vạn Ninh, đa số các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đều chưa có số tài khoản ngân hàng. Đồng thời, họ không có điều kiện mua và chưa biết sử dụng điện thoại thông minh khi giao dịch ngân hàng hoặc dùng thẻ để thanh toán không dùng tiền mặt. Đặc biệt, với những người già yếu, khuyết tật… gặp khó khăn trong việc đi lại, rút tiền hoặc thực hiện các thủ tục liên quan. Bên cạnh đó, nhiều người không có người để ủy quyền tài khoản, do đó gặp trở ngại trong việc nhận tiền qua tài khoản ngân hàng. Trong khi đó, hiện nay, trên địa bàn huyện chỉ có 5 trụ ATM của Agribank, chủ yếu đặt ở thị trấn Vạn Giã, còn các ngân hàng thương mại khác thì chưa có; nhiều xã như: Đại Lãnh, Xuân Sơn, Vạn Thạnh, Vạn Thọ, Vạn Phước… chưa có trụ ATM nào để phục vụ nhu cầu rút tiền của người dân.
Chi trả trợ cấp hàng tháng theo hình thức trực tiếp cho người có công với cách mạng tại phường Lộc Thọ (TP. Nha Trang). |
Còn theo ông Lê Đình Phùng - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Khánh Vĩnh, qua khảo sát, toàn huyện chỉ có 3 đối tượng có số tài khoản ngân hàng. Hầu hết các đối tượng đều mong muốn tiếp tục nhận trợ cấp trực tiếp như lâu nay. Bởi đa số các đối tượng đang hưởng trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng đều là người dân tộc thiểu số, nên có những hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin, không đáp ứng được các điều kiện để mở và sử dụng tài khoản, nhớ mật khẩu tài khoản; chưa có và chưa biết sử dụng điện thoại thông minh. Ngoài ra, hệ thống các ngân hàng chưa phát triển rộng khắp trên địa bàn huyện; toàn huyện chỉ có 1 trụ ATM của Agribank đặt tại thị trấn Khánh Vĩnh nên khó khăn cho những đối tượng ở vùng sâu, vùng xa tới rút tiền.
Hầu hết lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố cho biết, đa số các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng với số tiền chỉ vài trăm ngàn đồng/tháng nên họ muốn nhanh chóng nhận tiền trợ cấp để phục vụ chi phí sinh hoạt. Đồng thời, khi mở tài khoản, thẻ ATM thì sẽ tốn phí 150.000 đồng/người/lần, phí quản lý tài khoản, phí thường niên, chuyển khoản, rút tiền… chưa phù hợp so với mức trợ cấp hàng tháng mà đối tượng được nhận. Có nhiều người không muốn mở tài khoản ở ngân hàng do việc đi lại gặp nhiều khó khăn, nhất là người ở các thôn, xã đảo, xã ở xa trụ sở các ngân hàng. Nhiều người dân chưa hiểu biết về công nghệ và không muốn ủy quyền qua số tài khoản của mình cho người khác…
Trước mắt chi trả cho người có tài khoản, có nhu cầu
Theo bà Đỗ Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa, thay đổi phương thức chi trả từ tiền mặt sang phương thức chi trả không dùng tiền mặt là rất cần thiết, tiền hỗ trợ được chuyển đến người nhận rất nhanh, đúng ngày quy định, đảm bảo an toàn, minh bạch, rõ ràng; mọi giao dịch đều được kiểm soát chặt chẽ bằng hệ thống điện tử, công tác kiểm tra, xác minh thực hiện dễ dàng. Điều này rất quan trọng khi đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội thường xuyên biến động, nhất là người cao tuổi, người bị bệnh nặng; tránh được những rủi ro về thất thoát ngân sách của nhà nước, trục lợi chính sách. Đồng thời, đây là chủ trương của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh và phù hợp với công cuộc chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Do vậy, các cơ quan, đơn vị và các địa phương cần tập trung triển khai vấn đề này.
Ông Tạ Hồng Quang - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là cần thiết nhằm giảm tải công việc cho cán bộ làm công tác lao động - thương binh và xã hội, đảm bảo an toàn. Bước đầu triển khai việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt bao giờ cũng gặp khó khăn, vướng mắc, nhất là khi triển khai cho những trường hợp đặc biệt khó khăn trong xã hội. Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào cũng có hướng giải quyết, tháo gỡ. Vì vậy, trước mắt, toàn tỉnh triển khai chi trả cho hơn 11.000 đối tượng đã có số tài khoản và có mong muốn chi trả trợ cấp hàng tháng qua ngân hàng. Đồng thời, các địa phương cần phân loại nhóm đối tượng để có lộ trình vận động, hướng dẫn triển khai, áp dụng. Trong đó, từng bước áp dụng cho những đối tượng còn khả năng đi lại, có am hiểu về sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, ủy quyền tài khoản cho con cháu, người thân; còn với những nhóm đối tượng đặc biệt, như: Mù lòa, không di chuyển được, tâm thần... thì tiếp tục chi trả tiền mặt như lâu nay và nghiên cứu các phương án để chuyển đổi sao cho hợp lý. Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ mở tài khoản miễn phí cho các đối tượng, có chính sách ưu đãi miễn, giảm phí khi đối tượng sử dụng tài khoản; lắp đặt thêm trụ ATM phù hợp ở các địa phương để phục vụ người dân; các ngân hàng tăng cường vận động và hướng dẫn chi tiết thao tác theo hướng cầm tay chỉ việc cho các đối tượng khi sử dụng tài khoản...
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 6.400 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng và hơn 45.000 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng, gồm: Nhóm người khuyết tật, người cao tuổi, trẻ em, người thần kinh tâm thần; hơn 5.500 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội; hơn 480 đối tượng bảo trợ xã hội nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội…
VĂN GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin