Nhà đầu tư công trình đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã nỗ lực vượt qua đại dịch Covid-19, bão giá, khan hiếm vật liệu… để thi công tuyến đường kiểu mẫu dài gần 50km chỉ trong 21 tháng. Không những thế, doanh nghiệp đã tiên phong áp dụng những công nghệ hiện đại nhất trong quá trình thi công dự án, với cam kết bảo hành 10 năm.
Nỗ lực vượt khó
Nút giao cuối tuyến dự án. |
Trung tuần tháng 6, tôi cùng kỹ sư Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) trải nghiệm trên chính con đường anh và cộng sự vừa hoàn thành. Có được thành quả như ngày hôm nay là một sự nỗ lực miệt mài của hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân viên công ty. Đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tập đoàn Sơn Hải, đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt trong những thời điểm khác nhau để đáp ứng tiến độ, chất lượng công trình.
Anh Huy nhớ lại: “Tháng 9-2021, Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang - Cam Lâm chính thức được khởi công, cũng là lúc cả nước đang bước vào đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Đó là một thách thức không nhỏ với lãnh đạo tập đoàn và doanh nghiệp (DN) dự án. Thế nhưng, với quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ đã đề ra, DN đã thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch với phương châm “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 tại chỗ”… Chúng tôi lên kế hoạch chi tiết cho từng hạng mục, chia ca kíp với số lượng công nhân phù hợp để đảm bảo giãn cách, tránh tập trung đông nhưng cũng mang lại hiệu quả cao trong công việc. Nhờ đó, mọi khó khăn về dịch bệnh cũng qua đi, tiến độ dự án được đảm bảo”. Giai đoạn này cũng là thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến dự án đối mặt với nguy cơ đội vốn. Công tác nhập khẩu, vận chuyển vật liệu, vật tư thiết bị cũng gặp trở ngại bởi các nhà cung cấp gặp khó trong logistics, giá cước vận tải tăng. Không chỉ vậy, thời gian đầu triển khai thi công, nhu cầu đất đắp rất khan hiếm, các mỏ chưa được cấp phép, nhiều thời điểm tưởng chừng như dự án phải “đứng bánh”. Thế nhưng, nhờ sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, sự vào cuộc rốt ráo của tỉnh, bài toán 5,34 triệu m3 đất đắp đã được giải.
Có mặt trong suốt chiều dài dự án, kỹ sư Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc điều hành dự án chia sẻ, để vượt qua những khó khăn, DN dự án đã chủ động rút ngắn các thủ tục về lựa chọn nhà thầu. Đặc biệt là việc phân chia gói thầu có sản lượng lớn, tổ chức thi công có trọng tâm, trọng điểm, mạnh dạn đầu tư các dây chuyền thiết bị hiện đại nhất, nhập khẩu từ châu Âu thi công theo dây chuyền hiện đại hóa. Nhiều thời điểm, trên công trường có đến hơn 4.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân tham gia triển khai thi công dự án. Từ đó giúp đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả về kinh tế và cho sản phẩm chất lượng cao, đồng đều.
Ông Nguyễn Thanh Hiến - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải khẳng định, nhờ sự nhiệt huyết, quyết tâm xây dựng một tuyến cao tốc kiểu mẫu của nhà đầu tư mà dự án đã bứt tốc về tiến độ, đảm bảo về chất lượng, về đích sớm hơn 3 tháng. DN cũng đã bỏ thêm kinh phí để mở rộng phần lề đường so với thiết kế, giúp an toàn hơn. Tuy nhiên, tổng mức đầu tư dự án không thay đổi. Không những thế, DN cam kết bảo hành 10 năm, đây là bảo chứng về niềm tin và trách nhiệm của chủ đầu tư với công trình. Dự án cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư vốn DN ngoài nhà nước theo hình thức đối tác công - tư (PPP).
Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa: Lãnh đạo tỉnh đánh giá rất cao sự đồng thuận của người dân trong vùng dự án, đặc biệt là nỗ lực quyết tâm cao của Tập đoàn Sơn Hải đã vượt tiến độ 3 tháng, bảo đảm chất lượng công trình, bảo hành 10 năm. Đây cũng là dự án thí điểm về công nghệ mới, hiện đại nhất được áp dụng trong quá trình thi công. Khi tuyến đường được đưa vào khai thác sẽ thúc đẩy rất mạnh kinh tế du lịch của tỉnh, là điều kiện để phát triển các khu du lịch hiện đại, tiên tiến; các vùng Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh khi kết nối với tuyến đường hứa hẹn mở ra nhiều khu, cụm công nghiệp, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế
Công trình cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có chiều dài 49,1km, với tổng kinh phí đầu tư xây dựng hơn 7.600 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức PPP, hợp đồng BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Giai đoạn 1, dự án được thiết kế mặt cắt ngang 4 làn xe, 2 làn mỗi chiều. Điểm đầu tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh (km5 + 783), điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh (km52 + 892). Công trình được thông xe vào ngày 19-5. Việc đưa dự án vào khai thác không chỉ rút ngắn thời gian lưu thông giữa các địa phương mà còn kết nối trực tiếp vào trục dọc cao tốc phía nam, như: Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây. Đặc biệt sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm như một dải lụa vắt qua những vùng đất xanh mướt của huyện Cam Lâm. |
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc rút ngắn thời gian lưu thông từ TP. Hồ Chí Minh đi Nha Trang mang lại rất nhiều lợi ích. Trong đó, nổi bật là tạo động lực phát triển du lịch biển, vốn là thế mạnh của Khánh Hòa. Đồng thời, các nút giao của tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh cũng kết nối trực tiếp với các đô thị như: Diên Khánh, Cam Lâm đi Đà Lạt (Lâm Đồng) qua Quốc lộ 27C hay với Ninh Thuận qua Quốc lộ 27B. Từ đó mở ra nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp (Trảng É, Sông Cầu, Suối Dầu…), cảng biển Cam Ranh phát triển các chuỗi dịch vụ logistics, Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh…
Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hải: Mặc dù gặp không ít khó khăn trong quá trình triển khai thi công, nhưng nhà đầu tư, DN dự án với uy tín của mình, giữ đúng lời hứa với Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, rút ngắn tiến độ hơn 3 tháng. Việc rút ngắn thời gian thi công mang lại lợi ích cho người dân, bởi được lưu thông miễn phí. Chúng tôi chỉ có một mong mỏi và khát khao duy nhất là cống hiến cho đất nước và nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Dần - Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, ở phía đông, ngoài cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đã được thông xe, trên địa bàn tỉnh đang triển khai thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang. Còn ở phía tây, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột cũng đang được triển khai và dự kiến khởi công vào ngày 18-6. Theo kế hoạch đến năm 2026, các tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ cơ bản hoàn chỉnh cả phía đông và phía tây. Cùng với đó, Quốc hội cũng đang bàn thảo để thông qua tuyến đường kết nối Ninh Thuận - Khánh Hòa - Lâm Đồng. Khi các tuyến đường này đưa vào khai thác sẽ là đòn bẩy để khai thác hết tiềm năng thế mạnh của các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các cảng biển và khu, cụm công nghiệp như: Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh…
MẠNH HÙNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin