06:11, 29/11/2022

Cam Lâm: Hiệu quả một chương trình phối hợp

Ngày 1-8-2013, Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Chương trình phối hợp số 09 về "Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới". Ở huyện Cam Lâm, qua gần 10 năm triển khai, chương trình phối hợp đang mang lại hiệu quả tích cực.

Ngày 1-8-2013, Bộ Công an và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ban hành Chương trình phối hợp số 09 về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong tình hình mới”. Ở huyện Cam Lâm, qua gần 10 năm triển khai, chương trình phối hợp đang mang lại hiệu quả tích cực.


Hàng năm, 2 đơn vị xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình phối hợp số 09; đồng thời chỉ đạo 100% công an các xã, thị trấn phối hợp với MTTQ cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện. Nội dung chương trình phối hợp gắn với thực hiện các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác đảm bảo an ninh trật tự (ANTT); phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.

 

Trao giấy khen tại Ngày hội đại đoàn kết dân tộc năm 2022 ở thị trấn Cam Đức.

Trao giấy khen tại Ngày hội đại đoàn kết dân tộc năm 2022 ở thị trấn Cam Đức.

 
Công an và UBMTTQ Việt Nam huyện thường xuyên tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức chủ động phòng ngừa trước âm mưu, thủ đoạn, hoạt động lôi kéo, kích động của các thế lực thù địch; phương thức hoạt động của các loại tội phạm. Gần đây nhất là tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật, không bị lôi kéo, kích động, đảm bảo ANTT trong việc triển khai lấy ý kiến về Đồ án quy hoạch khu đô thị mới Cam Lâm. Bên cạnh đó, 2 đơn vị phối hợp hướng dẫn, tổ chức đăng ký và xét công nhận 55 thôn, 16 tổ dân phố, 2 cơ quan, 9 doanh nghiệp, 49 nhà trường đạt chuẩn “An toàn về ANTT” năm 2022; phối hợp rà soát và tham mưu giải quyết ổn định các vụ mâu thuẫn, tranh chấp, khiếu kiện, đình công, lãn công tại cơ sở, nhất là những vụ việc phức tạp, kéo dài, không để trở thành điểm nóng về ANTT.


Năm 2022, 2 cơ quan đã phối hợp xây dựng mới 5 mô hình tự quản về ANTT. Đó là “Tổ liên gia phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ” tại xã Cam Hải Tây và Cam Hòa; “Camera giám sát, đảm bảo ANTT” tại xã Cam Phước Tây, Suối Tân; “Đội tuần tra nhân dân” tại xã Cam Hải Tây”. Cam Lâm hiện có 28 mô hình với 12 đầu loại mô hình quần chúng tự quản về ANTT. Hai bên cũng đã phối hợp hướng dẫn 55 thôn, 16 tổ dân phố, 13 xã, 1 thị trấn, 9 cơ quan, 2 doanh nghiệp, 16 nhà trường đăng ký đạt tiêu chuẩn “An toàn về ANTT”.  


Ngoài ra, Công an huyện và UBMTTQ Việt Nam huyện đã tổ chức tiếp xúc 515 lượt, tặng 87 suất quà cho chức sắc, người có uy tín trong các tôn giáo; tiếp xúc, vận động cá biệt 286 lượt, tặng 44 suất quà cho người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Thông qua đó tuyên truyền, vận động những người theo tôn giáo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn.


Ông Huỳnh Uy Viễn - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Cam Lâm cho biết: Điểm sáng của huyện Cam Lâm là gắn kết chặt chẽ phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ với thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa để đạt được nhiều kết quả trong thực hiện Chương trình số 09 của Bộ Công an và MTTQ Việt Nam.

 

Năm 2022, 2 đơn vị đã phối hợp vận động nhiều hội viên, đoàn viên, quần chúng nhân dân trên địa bàn tham gia quản lý, giáo dục các đối tượng tại địa bàn cơ sở; vận động 3 đối tượng truy nã ra đầu thú; vận động nhân dân giao nộp 1 lựu đạn, 2 đạn pháo, 2 đạn cối, 6 đạn M79; tổ chức tuyên truyền lưu động các quy định về quản lý và sử dụng pháo…


KIM UYÊN