11:06, 21/06/2021

Khánh Vĩnh: Chủ động phương án ứng phó với thiên tai

Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, để chủ động phòng, chống  và ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra...

Mục tiêu đảm bảo an toàn người dân


Ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Phụ trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện cho biết, để chủ động phòng, chống  và ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất do mưa lớn gây ra, UBND huyện, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nhiều giải pháp như: Chú trọng quy hoạch khu dân cư, cụm công nghiệp, khu du lịch; quy hoạch, xây dựng công trình phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, hạ tầng giao thông, bảo đảm tiêu thoát lũ. Khi có mưa lũ xảy ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động thực hiện sơ tán người dân những vùng trũng thấp, ngập lụt, gần bờ sông có nguy cơ sạt lở...; chuẩn bị cứu nạn người dân ở vùng có nguy cơ chia cắt giao thông, ngập lụt sâu. Đồng thời, dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhu yếu phẩm khác; chỉ đạo người dân thu hoạch sớm lúa, hoa màu và các cây trồng khác. Bên cạnh đó, cấm người dân vớt củi trên sông; cắm biển báo, bố trí lực lượng ứng trực cấm người, phương tiện qua lại những đoạn bị ngập và có dòng chảy xiết; thực hiện phương án đối phó theo phương châm 4 tại chỗ...

 

Cầu tràn Thác Ngựa từ thị trấn Khánh Vĩnh đi xã Khánh Nam.

Cầu tràn Thác Ngựa từ thị trấn Khánh Vĩnh đi xã Khánh Nam.


Khi có mưa lũ lớn, dự kiến, toàn huyện sẽ tập trung sơ tán 1.844 hộ/8.109 khẩu tại các vùng có nguy cơ ngập lụt, trũng thấp, có nguy cơ sạt lở đất, lũ, lũ quét, khu vực nhà có nguy cơ tốc mái. Các khu vực nguy hiểm gồm: Có nhà ở không kiên cố (tất cả các xã, nhất là Giang Ly, Liên Sang, Khánh Hiệp); có nguy cơ ảnh hưởng lũ lụt, khu vực ven sông suối, khu vực trũng thường xuyên xảy ra ngập lụt (các xã: Sơn Thái, Liên Sang, Khánh Thượng, Cầu Bà...); có nguy cơ sạt lở đất (các xã: Sơn Thái, Liên Sang, Khánh Thượng...).


Xây dựng nhiều phương án


Theo ông Trường, huyện đã xây dựng các phương án ứng phó trong trường hợp có áp thấp nhiệt đới, bão, bão mạnh, siêu bão. Địa phương có 2 hồ thủy lợi, 2 hồ thủy điện, 16 đập dâng, 3 hệ thống cấp nước thủy lợi. Hàng năm, đơn vị quản lý hồ thủy điện trên địa bàn đã lập phương án đảm bảo an toàn đập trong mùa lũ trình UBND tỉnh phê duyệt. Khi có mưa, lũ lớn, các đơn vị trực ban 24/24 giờ để theo dõi, kiểm tra; thực hiện xả lũ, tích nước hợp lý, hạn chế ngập lụt hạ du; ứng phó khi có sự cố mất an toàn đập.


Hệ thống giao thông của huyện đã được quy hoạch, sửa chữa, nâng cấp. Các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 27C, Tỉnh lộ 2, Tỉnh lộ 8, Tỉnh lộ 8B, các trục đường liên huyện, liên xã... đã được nhựa hóa. Tại vị trí các cầu tràn qua sông, suối lớn đã được đầu tư nâng cấp. Các cầu treo kiên cố được làm mới để phục vụ người dân. Tuy nhiên, một số đoạn đường thường xuyên bị ngập, chia cắt khi mưa lũ như: Khu vực cống Bà Nháp, thôn Nam, xã Sông Cầu; khu vực Suối Sâu, xã Khánh Đông; Tỉnh lộ 8B đoạn Đội 2, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam; đường khu vực đèo Sãi Me, xã Sông Cầu... Địa phương đã thống kê cụ thể để triển khai các phương án.


Khi xảy ra thiên tai, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện sẽ điều động xe tuyên truyền thông tin chính xác, kịp thời, cảnh báo về thời tiết, tình hình thiên tai... Về thông tin liên lạc, khi có bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lũ xảy ra, tổ kỹ thuật Viễn thông Khánh Vĩnh đảm bảo 100% node mạng chính đối với mạng chuyển mạch, mạng truyền dẫn; đối với mạng di động sẽ đảm bảo 80 - 90% khi có bão mạnh, bão rất mạnh, siêu bão; điều xe thông tin chuyên dụng và nhân lực trực sẵn sàng 24/24 giờ đáp ứng phục vụ thông tin chỉ đạo điều hành các cấp khi có lệnh điều động.


V.THÀNH