Qua 2 giai đoạn thực hiện, Đề án thí điểm trao giấy báo tử, trích lục khai tử tại gia đình của công dân chết trên địa bàn thành phố Nha Trang đã mang lại thuận lợi cho người dân. Sắp tới, Phòng Tư pháp thành phố Nha Trang sẽ đề xuất nhân rộng ra toàn thành phố.
Qua 2 giai đoạn thực hiện, Đề án thí điểm trao giấy báo tử, trích lục khai tử tại gia đình của công dân chết trên địa bàn TP. Nha Trang đã mang lại thuận lợi cho người dân. Sắp tới, Phòng Tư pháp TP. Nha Trang sẽ đề xuất nhân rộng ra toàn thành phố.
Người dân hài lòng
Thực hiện đề án trên, UBND các xã, phường chỉ đạo, khi thôn, tổ dân phố báo có công dân chết trên địa bàn, công chức tư pháp - hộ tịch đến tận nhà chia sẻ, hướng dẫn gia đình thực hiện thủ tục đăng ký khai tử (đối với công dân đã chết có đăng ký thường trú) hoặc ghi nhận sự kiện chết để cấp giấy báo tử (đối với công dân đã chết có đăng ký tạm trú hoặc đang sinh sống tại địa phương); sau đó thu thập thông tin, lập tờ khai, thu nhận giấy tờ liên quan, thực hiện thủ tục đăng ký khai tử hoặc cấp giấy báo tử. Sau khi UBND xã, phường cấp trích lục khai tử hoặc giấy báo tử, công chức tư pháp - hộ tịch và đại diện tổ dân phố sẽ đến trao tận nhà.
Ông Lê Văn Đến (tổ 6, thôn Phú Thạnh 2, xã Vĩnh Thạnh) cho biết: “Năm 2019 và 2020, nhà tôi có 2 người thân qua đời. Trong lúc tang gia bối rối, gia đình đã được cán bộ tới tận nhà làm thủ tục khai tử và trao kết quả, gia đình không phải tới UBND xã. Việc làm này thuận lợi cho người dân, cần được duy trì”. Trong thời gian triển khai đề án (từ ngày 1-9-2019 đến 31-8-2020), xã Vĩnh Thạnh đã trao 22 giấy báo tử, trích lục khai tử tại gia đình có công dân chết; xã Vĩnh Hiệp đã trao trích lục khai tử tại nhà cho 8 trường hợp khai tử có nhu cầu; các trường hợp đến đăng ký khai tử còn lại đều được trả kết quả ngay trong vòng 30 phút…
Đề xuất nhân rộng
Có thể thấy, đề án trên có tính nhân văn, thể hiện được sự quan tâm của chính quyền địa phương với gia đình có người thân vừa qua đời, giúp gia đình bớt được thời gian đi lại, việc giải quyết cũng thuận tiện hơn. Đề án cũng giúp cơ quan đăng ký hộ tịch thống kê kịp thời số lượng người chết trên địa bàn, chủ động cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử quốc gia, hạn chế tình trạng đăng ký khai tử quá hạn.
Đề án thí điểm trao giấy báo tử, trích lục khai tử tại gia đình của công dân chết trên địa bàn TP. Nha Trang chia làm 2 giai đoạn: Từ tháng 7-2018 đến tháng 3-2019, triển khai tại 3 xã, phường: Lộc Thọ, Vĩnh Thọ, Vĩnh Phương; từ tháng 9-2019 đến tháng 8-2020, tại 3 xã: Vĩnh Thái, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Hiệp. Qua 2 giai đoạn, thành phố đã trao 130 giấy báo tử, trích lục khai tử tại nhà. |
Tuy nhiên, thực tế, khi công chức tư pháp - hộ tịch nhận được tin báo có người chết trên địa bàn, họ phải sắp xếp thời gian đến nhà đăng ký khai tử, trao giấy báo tử, trích lục khai tử. Thời gian thăm viếng, trao giấy mất ít nhất 1,5 giờ, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết công việc khác. Chưa kể, nếu nhận được tin báo vào cuối ngày làm việc, ngày nghỉ, lễ, Tết, công chức vẫn phải đi đăng ký khai tử và trao giấy báo tử, trích lục khai tử tại nhà mà không được tính vào thời gian làm ngoài giờ. Mức chi bồi dưỡng 50.000 đồng/trường hợp như hiện tại là quá thấp vì được chia cho 2 người (trưởng thôn, công chức chuyên môn), công chức phải đi lại 2 lần (1 lần lấy hồ sơ kê khai tử, 1 lần trao giấy). Ngoài ra, theo phong tục của dân tộc, việc chia buồn thường đi kèm phúng viếng. Hầu hết trường hợp cán bộ, công chức tự chi tiền cá nhân để phúng viếng.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Trưởng phòng Tư pháp Nha Trang cho biết, trong quý II, khi thành phố tổng kết đề án trên, phòng sẽ đề nghị UBND thành phố thực hiện trao giấy báo tử, trích lục khai tử tại nhà của công dân chết trên địa bàn cả 27 xã, phường. Đồng thời, đề nghị nâng mức chi hỗ trợ cho người thực hiện lên 200.000 đồng/trường hợp và bổ sung kinh phí phúng viếng theo phong tục với mức 100.000 đồng/trường hợp. Thời gian cán bộ, công chức đến trao giấy báo tử, trích lục khai tử tại nhà đề nghị được tính vào thời gian làm việc ngoài giờ nếu vụ việc phát sinh ngoài giờ hành chính.
NGUYỄN VŨ