Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp. Sau mưa lũ, ngập úng, môi trường chăn nuôi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp. Sau mưa lũ, ngập úng, môi trường chăn nuôi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nguy cơ dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Vì vậy, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hạn chế nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Dịch bệnh phức tạp
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, các dịch bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngoài các dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng, trong tháng 10 đã xuất hiện bệnh mới - bệnh viêm da nổi cục ở trâu bò. Tính đến đầu tháng 12, bệnh này đã xuất hiện ở 8 tỉnh phía bắc với 834 con trâu, bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy 63 con.
Tại Khánh Hòa, trong tháng 10 và 11, bệnh lở mồm long móng trên đàn bò xuất hiện tại 26 hộ, 5 xã của 2 huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh với 91 con bò bị bệnh. Trong tháng 11, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại 1 hộ nuôi heo ở xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh và 1 hộ nuôi tại xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang với tổng số heo chết, buộc phải tiêu hủy là 29 con; cúm gia cầm xuất hiện tại 1 hộ nuôi ở xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, buộc phải tiêu hủy 1.167 con gà của hộ nuôi này.
Theo cơ quan chuyên môn, hiện nay là giai đoạn cao điểm về chăn nuôi. Các hộ nuôi heo, gà đều tăng đàn, tái đàn nhằm chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tổng đàn gia súc, gia cầm đang ở mức cao so với các thời điểm khác trong năm. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 300.000 con heo, khoảng 3 triệu con gia cầm và 75.000 con trâu bò. Trong bối cảnh trên toàn tỉnh vừa trải qua đợt mưa lớn diện rộng, nhiều nơi, đặc biệt là các địa phương: Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh có nhiều khu vực bị ngập sâu trong nước, vấn đề môi trường, bao gồm môi trường chăn nuôi đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Khử trùng môi trường chăn nuôi
Ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi, bắt đầu từ ngày 15-12 và kết thúc sau 1 tháng triển khai. 126 xã, phường có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh sẽ được tiêu độc khử trùng. |
Trước mối nguy dịch bệnh trên gia súc, gia cầm xuất hiện, bùng phát, ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện tháng tổng vệ sinh, tiêu độc môi trường chăn nuôi. Đồng thời, toàn bộ các cơ sở đều thực hiện việc cải thiện vệ sinh chuồng trại, khu vực lân cận, các trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc ấp nở, chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển, buôn bán… trên tinh thần sạch, thoáng.
Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, việc thực hiện tiêu độc, khử trùng bằng vôi bột và hóa chất được thực hiện tại các cơ sở chăn nuôi, ấp nở gia súc, gia cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chợ có buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải động vật. Nguyên tắc thực hiện là những cơ sở chăn nuôi tập trung, hộ chăn nuôi, cơ sở ấp trứng gia cầm, cơ sở giết mổ tự lo vật tư, kinh phí và tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chuyên môn. Nhà nước hỗ trợ hóa chất, công phun đối với khu vực chăn nuôi nông hộ, chợ buôn bán gia súc, gia cầm, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm ở khu vực dân cư có hoạt động chăn nuôi.
“Thực hiện chỉ đạo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tiến hành phân bổ 6.300 lít hóa chất tiêu độc về các địa phương. Số hóa chất này sẽ do các cán bộ chuyên môn tại xã, phường thực hiện phun tiêu độc môi trường chăn nuôi cho các đối tượng, khu vực được hỗ trợ, tuyệt đối không cấp phát cho người dân tự tổ chức phun. Để đạt được hiệu quả cao nhất, các cơ sở thực hiện vệ sinh trước, rồi mới tổ chức tiêu độc, khử trùng”, ông Lê Thắng nhấn mạnh.
Hồng Đăng