Những năm qua, tỉnh luôn xác định ứng dụng công nghệ thông tin là phương thức hữu hiệu để hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Kết quả bước đầu cho thấy đây là hướng đi đúng.
Những năm qua, tỉnh luôn xác định ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là phương thức hữu hiệu để hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử. Kết quả bước đầu cho thấy đây là hướng đi đúng.
Những tín hiệu vui
Chị Võ Thị Hồng Vân, công chức văn phòng - thống kê UBND xã Vĩnh Hiệp (TP. Nha Trang) nhìn nhận, năm 2002, khi chị bắt đầu vào công tác, tỉnh còn sử dụng văn bản giấy, công tác văn thư rất nặng nề. Từ khi đưa vào sử dụng năm 2014, phần mềm E-Office đã tạo rất nhiều tiện ích cho công chức trong xử lý văn bản.
Ông Bùi Vũ Vĩnh - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, từ năm 2016 đến nay, hạ tầng CNTT dùng chung và Trung tâm Dữ liệu tỉnh ngày càng được nâng cấp, đảm bảo hoạt động an toàn, thông suốt. Tỉnh đã đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại hầu hết các ngành trọng điểm. Các cơ sở dữ liệu dùng chung về cung cấp dịch vụ công cũng sẵn sàng kết nối, liên thông với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hệ thống cơ sở dữ liệu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) dùng chung và các cơ sở dữ liệu GIS chuyên ngành cũng được đưa vào khai thác, sử dụng từ năm nay. Hệ thống E-Office được triển khai đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã, tích hợp chức năng nhắc việc, chữ ký số, kết nối với trục liên thông văn bản quốc gia. Phần mềm Nhắc việc đã hạn chế tình trạng chậm trễ, bỏ sót công việc, nhiệm vụ được giao. Đến tháng 9, trong hơn 44.000 công việc, nhiệm vụ được giao trên phần mềm, có hơn 40.000 nhiệm vụ xử lý đúng hạn.
Từ khi hoạt động (năm 2018) đến nay, Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh đã tích hợp, công khai 100% thủ tục hành chính (TTHC), đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia, gồm 331 TTHC mức độ 3, 300 TTHC mức độ 4 và 986 TTHC áp dụng dịch vụ bưu chính công ích, 351 TTHC cho phép thanh toán trực tuyến. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ được công bố tiếp nhận, giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, 4 đạt hơn 50%. Khánh Hòa đã trở thành 1 trong 14 tỉnh, thành phố hoàn thành cung cấp từ 30% dịch vụ công trực tuyến trở lên trong năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đến tháng 9, tỉnh đã hoàn thành triển khai dịch vụ giám sát an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin theo mô hình “4 lớp” và chạy thử nghiệm, đảm bảo kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn thông tin quốc gia. Đồng thời, thí điểm 6 tháng Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, sử dụng phần mềm báo cáo địa phương VNPT VSR do VNPT Khánh Hòa cung cấp, sẵn sàng kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ. Hệ thống đã khởi tạo và cung cấp 8/20 biểu mẫu báo cáo thuộc danh mục báo cáo định kỳ phục vụ mục tiêu quản lý trên địa bàn tỉnh, 12 biểu mẫu còn lại sẽ hoàn thành trước ngày 31-12.
Năm 2019, Khánh Hòa xếp thứ 6/63 về mức độ triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước. Trong kết quả xếp hạng cải cách hành chính năm 2019, tỉnh đạt 88,89% ở lĩnh vực hiện đại hóa nền hành chính; các tiêu chí về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, triển khai dịch vụ bưu chính công ích đều đạt điểm tối đa.
Tiếp tục nỗ lực
Hiện nay, việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số của tỉnh cần đáp ứng lộ trình chuyển đổi số quốc gia và phù hợp với thực tiễn địa phương. Ông Bùi Vũ Vĩnh cho biết, thời gian tới, phòng CNTT sẽ đề xuất lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành một số kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2021 - 2025; triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030…
Trong đó, phấn đấu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hình thành các nền tảng chính quyền điện tử tỉnh dựa trên dữ liệu, hướng đến chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số, nâng cao thứ hạng về chỉ số mức độ sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển CNTT, chỉ số hiện đại hóa nền hành chính trong bộ chỉ số cải cách hành chính tỉnh. Phấn đấu 100% TTHC đủ điều kiện được công bố thực hiện trực tuyến ở mức độ 4, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và được cung cấp trên nhiều phương tiện. Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến đạt 50% trên tổng số hồ sơ giải quyết; 80% hồ sơ TTHC được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng… Tất cả nhằm phấn đấu đưa tỉnh vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu về xây dựng và phát triển chính quyền điện tử.
Trước mắt, từ nay tới cuối năm, tỉnh sẽ di dời, nâng cấp Trung tâm Dữ liệu tỉnh; triển khai hệ thống kỹ thuật theo công nghệ điện toán đám mây cho Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến tỉnh và hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh; nâng cấp các hệ thống phần mềm dùng chung…
Nguyên Vũ