Những năm qua, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình nhằm cải thiện tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng ở các địa bàn miền núi. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng khu vực này vẫn còn cao, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực cải thiện.
Những năm qua, các ngành chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình nhằm cải thiện tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) ở các địa bàn miền núi. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế còn khó khăn, tỷ lệ trẻ em SDD khu vực này vẫn còn cao, đòi hỏi các địa phương phải nỗ lực cải thiện.
Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng còn cao
Gia đình anh Cao Hải và chị Cao Thị Hạnh (huyện Khánh Sơn) có 9 người con, nhỏ nhất là Cao Thuyện (5 tuổi) đang học tại Trường Mầm non Anh Đào (thôn A Pa 2, xã Thành Sơn). Trước đây, Thuyện được chẩn đoán bị SDD từ trong bào thai do chị Hạnh không ăn uống đủ chất dinh dưỡng trong quá trình mang thai. “Vợ chồng tôi làm nương rẫy, đến cái ăn qua ngày còn nhiều thiếu thốn thì lấy đâu ra sữa để uống. Nhưng vì hiểu rõ sữa tốt cho con, nên tôi vẫn cố gắng chắt bóp chi tiêu, thi thoảng mua được vài hộp sữa cho bọn trẻ. Dẫu vậy, mấy đứa nhỏ nhà tôi đứa nào dưới 5 tuổi cũng bị SDD”, chị Hạnh nói.
Ông Mấu Anh Tuyên - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết, hiện nay, toàn xã có 1.294 trẻ, hơn 60% trẻ là người dân tộc thiểu số, trong đó có gần 40% trẻ dưới 5 tuổi bị SDD. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tỷ lệ hộ nghèo của xã còn cao, nhiều gia đình cuộc sống gặp khó khăn nên trẻ em bị thiếu chất ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ. Khi trẻ sinh ra lại không được ăn uống đầy đủ chất nên hay ốm đau, suy nhược cơ thể, dẫn tới còi cọc, chậm lớn. Thêm vào đó, những ông bố, bà mẹ trẻ ở vùng cao thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc con nên trẻ bị SDD nặng hơn.
Nhìn người mẹ trẻ Mấu Thị Hằng (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh) đang bế con gái Mấu Thị Chúc, tôi cứ ngỡ bé chỉ mới vài tháng tuổi. Trò chuyện mới hay bé đã 3 tuổi. Chị Hằng cho biết, lúc mang thai bé, gia cảnh quá khó khăn nên chị không có điều kiện ăn uống đầy đủ. Con gái chị SDD từ trong bào thai nên dù đã 3 tuổi nhưng cân nặng chỉ 4,8kg. “Trong quá trình tuyên truyền cho người dân về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhất là đối với các cặp vợ chồng trẻ, kết hôn sớm, chúng tôi đã tăng cường lồng ghép, hướng dẫn các gia đình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ để phòng SDD. Tuy nhiên, việc này gặp khó khăn do phụ thuộc nhiều về điều kiện kinh tế của từng gia đình”, bà Bùi Thị Phấn - chuyên trách dân số xã Sơn Thái bày tỏ.
Cần nỗ lực cải thiện
Theo báo cáo từ Sở Giáo dục - Đào tạo, cuối năm học 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh có 63.867 trẻ đang theo học tại các trường mầm non. Sau khi kiểm tra sức khỏe cho 100% trẻ, có 1.056 trẻ SDD nhẹ cân, tập trung chủ yếu ở Khánh Sơn (326 trẻ) và Khánh Vĩnh (244 trẻ); 1.437 trẻ SDD thấp còi, trong đó Khánh Sơn 417 trẻ, Khánh Vĩnh 403 trẻ.
Ông Nguyễn Văn Nhuận - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết, hiện nay, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em ở nhà trường đang gặp không ít khó khăn như: Thiếu cán bộ y tế chuyên khoa sản - nhi tuyến huyện; thiếu trang - thiết bị, dụng cụ chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh; tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Mặt khác, vẫn còn những tập quán lạc hậu ảnh hưởng đến việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và vệ sinh môi trường; tỷ lệ sinh đẻ tại nhà cao, không nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu; chưa cho trẻ ăn bổ sung đúng cách…
Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn, nhằm giảm số trẻ bị SDD ở huyện, ngay từ những tháng đầu năm 2020, huyện đã tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày Vi chất dinh dưỡng, bổ sung viên Vitamin A đợt I nên tỷ lệ trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi được uống Vitamin A đạt 100%; tỷ lệ bà mẹ sinh con trong 6 tháng qua được uống Vitamin A đạt 88,8%. “Trẻ SDD không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học hành và khả năng lao động, mà còn là nguyên nhân gây nên một số bệnh mãn tính khi bước vào tuổi trưởng thành. Để cải thiện tình trạng này, không chỉ riêng ngành Y tế mà đòi hỏi sự nỗ lực của toàn xã hội”, ông Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn nói.
Bà Ca Tông Thị Mến - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, thời gian tới, huyện sẽ nỗ lực tuyên truyền, lồng ghép, tổ chức nhiều hoạt động, triển khai các đề án góp phần cải thiện tình trạng SDD ở trẻ em như: Phát sữa, bổ sung vi chất cho bà mẹ, trẻ em, tổ chức lớp học bán trú... Ngoài ra, huyện tiếp tục phát huy vai trò của nhân viên y tế ở các thôn, xã, hướng dẫn bà mẹ cách nấu cháo dinh dưỡng, chăm sóc trẻ và phát hiện trẻ bị SDD…
Thanh Trúc