Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng phá rừng căm xe trên địa bàn xã Ninh Tây.
Thời gian qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt nhằm hạn chế, tiến tới ngăn chặn tình trạng phá rừng căm xe trên địa bàn xã Ninh Tây.
Đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ rừng
Từ tháng 8 đến tháng 10-2020, Công an xã Ninh Tây đã triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát rừng căm xe. Không chỉ tuần tra, kiểm soát tại cánh rừng, lực lượng chức năng còn tổ chức kiểm tra tại một số khu vực cất giữ, tàng trữ gỗ căm xe và gỗ rừng không có nguồn gốc hợp pháp tại các thôn: Sông Búng, Buôn Tương, Buôn Đung, Suối Mít, Xóm Mới…; kiểm tra các tụ điểm mua bán, cơ sở mộc, cưa xẻ, chế biến lâm sản và cơ sở nung đốt than củi trên địa bàn. Kết quả đợt cao điểm này, Công an xã Ninh Tây đã phát hiện, lập biên bản, tịch thu tang vật và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 đối tượng tại thôn Xóm Mới và thôn Buôn Tương, thu giữ 4 lóng gỗ căm xe, khối lượng 0,165m3, xử phạt 2 đối tượng 5 triệu đồng; tịch thu tang vật vô chủ và đang điều tra làm rõ gồm 3 xe máy, 3 khúc gỗ căm xe lóng tròn và 1,5m3 gỗ củi căm xe đã phân thành nhiều kích thước.
Mới đây nhất, ngày 1-10, UBND xã Ninh Tây phối hợp với Hạt Kiểm lâm thị xã kiểm tra các lò than. Qua kiểm tra phát hiện 1 lò than có thu mua 6,5m3 củi căm xe để làm than. Toàn bộ các tang vật này đã được thu giữ, xử lý theo quy định. Trước đó, từ tháng 11-2019 đến tháng 6-2020, cơ quan chức năng đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành truy quét chống phá rừng căm xe, chưa kể các đợt kiểm tra đột xuất do thị xã và đơn vị quản lý rừng thực hiện.
Cùng với việc tăng cường kiểm soát, cuối tháng 3-2020, Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa (đơn vị được giao quản lý, bảo vệ rừng căm xe Ninh Tây) đã cho máy múc vào múc chặn các đoạn đầu của tất cả các con đường đi vào khu vực rừng căm xe. Toàn bộ người dân có nương rẫy trong khu vực này mỗi khi ra vào rừng đều phải có giấy xác nhận canh tác nương rẫy do UBND xã Ninh Tây cấp. Tất cả các phương tiện và người dân đi vào khu vực rừng phòng hộ căm xe đều bị cấm, trường hợp cần thiết phải có xác nhận của UBND xã Ninh Tây.
Không chỉ quyết liệt trong tuần tra, kiểm soát và xử lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng căm xe, những tập thể, cá nhân chưa làm tròn trách nhiệm, để xảy ra tình trạng phá rừng căm xe cũng bị xử lý. Cụ thể, tháng 3-2020, Hạt Kiểm lâm Ninh Hòa đã họp và đề xuất Chi cục Kiểm lâm xử lý trách nhiệm đối với 1 cá nhân và 1 tập thể trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ để xảy ra vi phạm trên khu vực rừng căm xe Ninh Tây; UBND xã Ninh Tây tổ chức kiểm điểm 4 cá nhân là những cán bộ có vai trò, trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng căm xe. Tháng 5-2020, UBND thị xã Ninh Hòa tổ chức kiểm điểm tập thể UBND xã Ninh Tây và 2 cá nhân liên quan, yêu cầu UBND xã Ninh Tây và 2 cán bộ liên quan gồm 1 phó chủ tịch xã, 1 công chức địa chính, nông nghiệp, xây dựng và môi trường nhận trách nhiệm và nghiêm túc kiểm điểm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Vẫn còn khó khăn
Theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa, thống kê đến cuối năm 2019, tổng diện tích tự nhiên khu vực có rừng căm xe ở Ninh Tây là 702ha, trong đó có 424ha rừng căm xe và hơn 278ha đất trống, nương rẫy của người dân. Khu rừng đặc hữu độc nhất ở Việt Nam này có địa hình bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, có Quốc lộ 26 đi qua. Xung quanh rừng là khu vực dân cư sinh sống, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn, sinh kế chưa đa dạng. Trong rừng có nhiều đường sá rộng rãi, đi lại thuận tiện. Tất cả những yếu tố này khiến cho nhiệm vụ giữ rừng trở nên cực kỳ khó khăn.
Nhiều năm nay, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng, đưa rừng cho nhân dân bảo vệ đã được xúc tiến, triển khai. Tuy nhiên, các hộ nơi đây không nhận giao khoán với lý do số tiền Nhà nước chi trả quá thấp. Theo quy định, hạn mức giao khoán tối đa mỗi hộ dân là 30ha. Đơn giá khoán bảo vệ rừng 400.000 đồng/ha/năm. Trong trường hợp 1 hộ được giao khoán tối đa 30ha rừng, mỗi năm chỉ nhận được 12 triệu đồng, tương ứng mỗi tháng chỉ được chi trả 1 triệu đồng để bảo vệ 30ha rừng, con số này quá thấp. Chưa kể thời hạn giao khoán không quá 1 năm theo quy định là chưa hợp lý. Vì vậy, việc giao khoán rừng cho nhân dân bảo vệ không thực hiện được.
Trong năm 2019, chủ trương giao rừng cho các tổ chức, cá nhân để khai thác các tiềm năng dưới tán rừng đã được triển khai. Có 1 hộ được thuê rừng kèm với bảo vệ rừng để chăn nuôi dê. Tuy nhiên, dự án này bất thành do việc đầu tư xây dựng chuồng trại dưới tán rừng gặp nhiều trở ngại về thủ tục đầu tư.
Cuối tháng 8 vừa qua, UBND tỉnh Khánh Hòa đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu lập phương án thí điểm giao khoán, bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp đối với rừng căm xe tại Ninh Tây, giai đoạn 2020 - 2025 của Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Khánh Hòa. Hy vọng, đây sẽ là phương cách khả thi nhằm giữ được diện tích rừng căm xe vốn còn rất ít ỏi.
Hồng Đăng