10:07, 29/07/2020

Mặt trận xã Diên Điền: Nhiều cách làm hay, thiết thực

Những năm qua, UBMTTQ Việt Nam xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa đã triển khai nhiều cách làm hay, thiết thực giúp đỡ người nghèo, khuyết tật. Hoạt động này không chỉ giúp cho tình làng nghĩa xóm được gắn kết mà còn góp phần cải thiện đời sống của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

 

Những năm qua, UBMTTQ Việt Nam xã Diên Điền, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa đã triển khai nhiều cách làm hay, thiết thực giúp đỡ người nghèo, khuyết tật. Hoạt động này không chỉ giúp cho tình làng nghĩa xóm được gắn kết mà còn góp phần cải thiện đời sống của nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn.


Hiệu quả hoạt động tổ tình thương


Tổ tình thương thôn Đại Điền Đông 3, xã Diên Điền đi vào hoạt động từ năm 2000. Ban đầu, tổ chỉ có 23 hộ tham gia sinh hoạt, đến nay đã có 170 hộ. Hàng năm, ngoài vận động các mạnh thường quân, mỗi hộ còn đóng góp từ 50.000 đến 100.000 đồng kinh phí hoạt động. Toàn bộ số tiền đó tổ dùng để thăm hỏi các thành viên khi ốm đau; tổ chức tang chế cho những người quá cố; giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; chúc thọ các cụ tròn tuổi từ 70 trở lên và tặng thưởng cho học sinh giỏi, học sinh nghèo hiếu học… Cụ thể, mỗi năm, tổ chức chúc thọ, mừng thọ cho hơn 20 cụ tròn tuổi từ 70 trở lên và phát thưởng cho hơn 50 học sinh, giúp đỡ 1 đến 2 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Ngoài nghề chằm nón lá, có vốn, bà Lữ Thị Xuân còn bán tạp hóa để có thêm thu nhập.

Ngoài nghề chằm nón lá, có vốn, bà Lữ Thị Xuân còn bán tạp hóa để có thêm thu nhập.


Đặc biệt, tổ đã lập một đội âm công, khi trong tổ có tang gia, tổ hỗ trợ lễ nghi nhằm giúp giảm chi phí. Ngoài lễ vật phúng điếu và đội âm công hoạt động theo quy định, tổ còn quyên góp, hỗ trợ các gia đình để lo chu toàn cho người đã khuất. Bên cạnh đó, tổ còn thành lập nhóm tiết kiệm để hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, nhóm có 13 hộ tham gia, mỗi tháng tiết kiệm 1 triệu đồng/hộ, cho vay xoay vòng không lấy lãi; trong đó ưu tiên những hộ gặp khó khăn, có nhu cầu trong sản xuất, kinh doanh.


Bà Lê Thị Lòng - thành viên Ban công tác Mặt trận thôn Đại Điền Đông 3 cho biết: “Khi các thành viên trong tổ có khó khăn, tổ chung tay giúp đỡ từ vật chất đến tinh thần. Nhờ hoạt động của tổ, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn bó mật thiết, các cụ cao tuổi sống vui, các cháu học sinh cố gắng học tập, số học sinh giỏi năm sau luôn nhiều hơn năm trước. Trong tổ hiện nay không còn hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn, kinh tế gia đình ngày càng được nâng cao và ổn định. Thấy vậy, nhiều hộ khác cũng muốn tham gia sinh hoạt”.


Giúp đỡ người khuyết tật

 

Bà Lê Thị Thái Bình - Ủy viên Thường trực UBMTTQ Việt Nam huyện Diên Khánh: Thời gian qua, Mặt trận xã Diên Điền có nhiều cách làm hay, hoạt động thiết thực, hướng mạnh về cơ sở. Đơn vị đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình như: Tuyến đường “sáng, xanh, sạch, đẹp”; “Giúp tìm việc làm tăng thu nhập cho người khuyết tật đang hưởng bảo trợ xã hội nhưng còn có khả năng lao động được”… Ngoài ra, đơn vị còn thực hiện tốt hoạt động của “Tổ tình thương”, xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, kịp thời hỗ trợ đột xuất cho người dân gặp khó khăn. Những hoạt động này của đơn vị không chỉ giúp đỡ được nhiều người khuyết tật có việc làm, vươn lên trong cuộc sống mà tình làng nghĩa xóm được gắn kết.

Bà Lữ Thị Xuân (51 tuổi, thôn Đại Điền Đông 3) bị liệt 2 chân, chỉ ngồi và làm việc bằng 2 tay. Ngoài tiền trợ cấp của Nhà nước hàng tháng, bà Xuân được Mặt trận và các hội, đoàn thể hỗ trợ tín chấp ngân hàng cho vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ số tiền đó, bà mở quán bán tạp hóa tại nhà và mua chiếc xe máy 3 bánh vận chuyển hàng hóa, vật liệu chằm nón lá. Hàng tháng, thu nhập bình quân của bà hơn 3 triệu đồng. Bà Xuân chia sẻ: “Bị liệt từ nhỏ, đến năm 20 tuổi tôi bắt đầu học cách chằm nón lá bán, mỗi tháng thu nhập gần 1 triệu đồng trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, sức khỏe ngày càng yếu, không ngồi được lâu nên thu nhập từ việc chằm nón ít hơn. Năm 2018, từ sự giúp đỡ của Mặt trận và đoàn thể, tôi có được số vốn, mở rộng quán tạp hóa, có phương tiện đi lại, thu nhập ổn định hơn. Sự quan tâm, hỗ trợ của địa phương không chỉ giúp tôi ổn định kinh tế mà còn là nguồn động viên giúp tôi vượt lên số phận”.


Trường hợp anh Lê Thảo, thôn Trung 3 bị mất một chân, Mặt trận đã vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn xã hỗ trợ anh mua một chiếc máy may công nghiệp. Hiện nay, thu nhập hàng tháng của anh khoảng 3 triệu đồng…


Mô hình “Giúp đỡ và tìm việc làm tăng thu nhập cho người khuyết tật đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội nhưng còn khả năng lao động” là đề tài sáng kiến kinh nghiệm của ông Mai Tấn Hiệp - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Diên Điền, được UBND huyện Diên Khánh công nhận từ năm 2018. Ban đầu, mô hình chỉ làm thí điểm tại thôn Đại Điền Đông 3 với 8 người khuyết tật được giúp đỡ. Qua 2 năm, đến nay, mô hình đã giúp đỡ và hỗ trợ việc làm cho 28 người khuyết tật ở 6 thôn trên địa bàn xã. Bên cạnh hỗ trợ về vốn, phương tiện đi lại, sản xuất, Mặt trận còn liên hệ với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhận dạy nghề và tạo việc làm cho những người khiếm thính.


Theo ông Hiệp, xã Diên Điền hiện có khoảng 200 người khuyết tật. Để giúp họ hòa nhập cộng đồng, xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai Luật Người khuyết tật gắn với việc thực hiện các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội tại địa phương. Các hoạt động hỗ trợ, chăm lo đời sống, giải quyết vốn vay, hỗ trợ việc làm đã động viên, tiếp thêm nghị lực, khích lệ người khuyết tật sống vui, sống có ích cho xã hội. Cùng với đó, các hoạt động trợ giúp khác như: Khám chữa bệnh, tặng quà, tặng xe lăn… cũng được địa phương tích cực triển khai.


“Chúng tôi luôn xác định việc hỗ trợ tăng thu nhập cho người nghèo, người khuyết tật sẽ góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã để thực hiện chương trình nông thôn mới nâng cao. Do đó, việc triển khai thực hiện tốt các mô hình hoạt động trên đã nhận được sự quan tâm, nhiệt tình hưởng ứng của người dân và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, góp phần tăng cường củng cố niềm tin vào giảm nghèo bền vững của địa phương”, ông Hiệp chia sẻ.


KHÁNH HÀ