Với sự nhiệt tình, mẫn cán trong công việc, chị Cao Thị Kim Dung (sinh năm 1978, người dân tộc Raglai) - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Sông Cạn Trung, xã Cam Thịnh Tây (thành phố Cam Ranh) đã trở thành một trong những cán bộ phụ nữ giỏi, nhất là về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Với sự nhiệt tình, mẫn cán trong công việc, chị Cao Thị Kim Dung (sinh năm 1978, người dân tộc Raglai) - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Sông Cạn Trung, xã Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) đã trở thành một trong những cán bộ phụ nữ giỏi, nhất là về tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.
Xây dựng tổ phụ nữ phòng ngừa tảo hôn
Ngay từ lúc chưa lập gia đình, chị Dung đã tham gia sinh hoạt hội và trở thành hội viên phụ nữ tiêu biểu. Năm 1998, sau khi xây dựng gia đình và có 2 con, chị được giao nhiệm vụ làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Sông Cạn Trung.
Với cương vị mới, hàng năm, chị đã tích cực đề xuất với Hội Phụ nữ xã đổi mới nhiều nội dung, hoạt động hội dành cho cộng đồng người Raglai. Qua đó đã có nhiều chương trình, hoạt động được thực hiện hiệu quả như: nâng cao nhận thức, phát triển sản xuất cho phụ nữ Raglai, trong đó nổi bật nhất là phòng ngừa giảm thiểu tảo hôn. Theo thống kê, cuối năm 2014, xã Cam Thịnh Tây có 47 trường hợp tảo hôn ở độ tuổi 17, 16, thậm chí 15, 14 tuổi. Trước thực trạng đó, chị Dung đã đề xuất với tổ chức hội phụ nữ xây dựng mô hình Tổ phụ nữ phòng ngừa tảo hôn với 20 thành viên tham gia do chị làm tổ trưởng. Các thành viên của tổ là hội viên nòng cốt của 4 thôn: Sông Cạn Đông, Sông Cạn Trung, Thịnh Sơn, Suối Rua. Chị đã xây dựng kế hoạch, quy chế hoạt động và phân thành 4 nhóm, mỗi nhóm phụ trách 1 thôn để nắm bắt thông tin về tình hình con em của các hộ gia đình, nhất là các em trong độ tuổi đi học từ lớp 6 trở lên. Nếu phát hiện các em bỏ học, yêu đương sớm, các thành viên của tổ phụ trách địa bàn có trách nhiệm đến gặp gỡ, vận động cha mẹ, người thân quan tâm hơn đến con cái, từ bỏ các tập tục lạc hậu về hôn nhân gia đình, hiểu rõ tác hại của việc kết hôn sớm...
Bên cạnh đó, định kỳ mỗi quý 1 lần, tổ còn sinh hoạt chuyên đề về tảo hôn nhằm phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân gia đình, bảo vệ chăm sóc trẻ em, phòng, chống bạo lực gia đình, tác hại của tảo hôn. Thành phần tham dự là những bà mẹ có con vị thành niên, trẻ em gái vị thành niên. Đặc biệt, trong các buổi sinh hoạt, các chị đã mời chính những người từng tảo hôn để nói về cuộc sống khó khăn hiện tại của họ. Điều đó như một lời cảnh tỉnh cho những người có ý định tảo hôn. Cán bộ hội còn động viên tinh thần các chị từng tảo hôn vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, vận động người thân, con em, hàng xóm tích cực phòng, chống tảo hôn.
Nhờ quản lý tổ hoạt động hiệu quả, từ năm 2015 đến nay, toàn xã chưa phát hiện thêm trường hợp tảo hôn nào xảy ra.
Giỏi việc hội, giỏi làm kinh tế
Không những làm tốt công tác phòng ngừa tảo hôn, chị Dung còn làm tốt vai trò Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn. Chị đã tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ vay vốn và áp dụng kỹ thuật mới vào chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, đồng thời thực hành tiết kiệm để trả tốt nguồn vốn vay. Những chị em nào chưa thực hiện được, chị đến tận nhà hướng dẫn họ cách thức trồng trọt, chăn nuôi, cách tiết kiệm. Cứ như vậy, hàng năm, có từ 1 đến 2 hộ nghèo người Raglai được chị giúp thoát nghèo. Bên cạnh đó, thông qua các buổi sinh hoạt, chị còn lồng ghép tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ chị em thực hiện tốt chính sách dân số, giới thiệu các tấm gương về kết hôn đúng độ tuổi, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.
Bản thân chị Dung cũng phát triển tốt kinh tế gia đình. Năm 2016, chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền 30 triệu đồng để mua 1 con bò giống sinh sản. Nhờ chịu khó, siêng năng, với 6 sào đất của gia đình, chị đã trồng mía, bắp và cỏ voi để nuôi bò. Nhờ chị biết cách áp dụng kiến thức tập huấn từ các lớp khuyến nông nên mía, bắp đạt năng suất cao, đàn bò khỏe mạnh, sinh sản liên tục, mỗi năm mang về cho chị thu nhập từ 30 đến 40 triệu đồng. Hiện nay, gia đình chị đã xây được nhà khang trang, con cái chăm ngoan, học giỏi.
Chị Dung chia sẻ, mặc dù tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã nay đã giảm, nhưng chị vẫn phải kiên trì theo dõi, tạo điều kiện cho các gia đình thế hệ trẻ tham gia các hoạt động của hội phụ nữ, chăm lo việc giảm nghèo cho chị em dân tộc thiểu số của thôn.
Bà Nguyễn Thị Minh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Cam Ranh đánh giá, chị Dung là một cán bộ hội giỏi, giúp đỡ rất nhiều phụ nữ trong thôn. Chị em nào gặp khó khăn, chị đến tận nhà giúp đỡ tận tình. Đặc biệt, chị đã có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền giảm thiểu tảo hôn tại địa phương.
LƯU KHÁNH