Dịch Covid-19 và việc áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ngành Thuế tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để bù đắp các khoản giảm thu.
Dịch Covid-19 và việc áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Ngành Thuế tỉnh đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để bù đắp các khoản giảm thu.
Những yếu tố tác động giảm thu
Hiện tại, Cục Thuế tỉnh chưa có số liệu chính xác về số giảm thu ngân sách do ảnh hưởng từ Nghị định 100/2019 của Chính phủ, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và dịch bệnh Covid-19 vì chưa đến hạn nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng và tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) theo quý. Tuy nhiên, qua nắm bắt tình hình kinh doanh của các DN, hộ, cá nhân trên địa bàn tỉnh, số thu ngân sách bị ảnh hưởng đáng kể.
Theo ông Nguyễn Văn Trang - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế Cục Thuế tỉnh, việc áp dụng Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã tác động đến số thu ngân sách ngành dịch vụ ăn uống và các ngành liên quan. Trong tháng 1, các cơ sở kinh doanh ăn uống có doanh thu giảm khoảng 40 - 50% so với trước. Nhiều cơ sở lĩnh vực thương mại, dịch vụ vận tải... của hộ gia đình, cá nhân khai báo doanh thu giảm hơn 50%; dự kiến số nộp ngân sách trong quý I giảm gần 20 tỷ đồng. Nhiều đại lý rượu bia, cơ sở mua bán hải sản, dịch vụ karaoke… khai báo doanh thu giảm hơn 50%. Đáng chú ý, ước tính quý I, số nộp ngân sách của Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Khánh Hòa giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ bia trên thị trường giảm. Riêng Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn Nam Trung Bộ có doanh thu tháng 1 chỉ bằng 36,7% so với cùng kỳ nên số nộp ngân sách giảm mạnh...
Đáng nói, dịch Covid-19 đã khiến tình hình kinh doanh của hầu hết ngành nghề đều giảm. Theo khảo sát của cơ quan thuế, tháng 2, lượng khách mua sắm tại siêu thị, chợ giảm khoảng 40 - 50%. Đặc biệt, nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú, khách sạn, ăn uống khai lượng khách giảm hơn 70%. Dịch vụ vui chơi giải trí, công viên... cũng giảm đột biến. Về lĩnh vực lưu trú, công suất phòng và doanh thu của các đơn vị giảm khoảng 70% so với cùng kỳ. Do đó, quý I, số thu thuế giá trị gia tăng lĩnh vực này giảm khoảng 70%.
Cùng với đó, doanh thu vận tải hành khách, kinh doanh xăng dầu... cũng giảm theo. Điển hình như, sản lượng xăng dầu bán ra của Công ty Xăng dầu Phú Khánh, Công ty Xăng dầu Quân đội khu vực 3, Chi nhánh Công ty Nhiên liệu hàng không... ước giảm 30 - 50%. Do đó, số thu thuế giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường quý I và II ước giảm 30 - 50%…
Triển khai nhiều giải pháp
Theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, để bù đắp các khoản giảm thu, thời gian tới, ngành Thuế tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác đôn đốc, xử lý nợ thuế theo Chỉ thị của Bộ Tài chính, UBND tỉnh. Cơ quan thuế tiếp tục giao chỉ tiêu thu nợ thuế năm 2019 chuyển sang cho từng đội thuế, công chức, hạn chế thấp nhất nợ mới phát sinh. Ngành sẽ tập trung khai thác các nguồn thu phát sinh mới; tăng cường quản lý các ngành nghề, lĩnh vực ít chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ra. Đồng thời, chú trọng kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế, phát hiện các rủi ro trong việc kê khai thuế, sử dụng hóa đơn của DN, kịp thời chống thất thu thuế, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác giám sát kê khai thuế của người nộp thuế; quản lý chặt chẽ DN thành lập mới, tạm ngừng hoạt động; thực hiện miễn, giảm, gia hạn nợ thuế, hoàn thuế kịp thời, đúng quy định nhằm tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế; hướng dẫn, đôn đốc DN kê khai thuế qua mạng, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử...
Song song đó, cơ quan thuế sẽ tăng cường rà soát hộ kinh doanh; đôn đốc thu thuế xây dựng tư nhân, tránh trường hợp tồn nhiều tháng chưa thu; giám sát doanh thu của hộ kinh doanh có biến động để kịp thời điều chỉnh mức thuế phù hợp thực tế. Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ DN, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19…
N.K
Để gia hạn nộp thuế và miễn tiền chậm nộp thuế, người bị thiệt hại phải có các hồ sơ theo quy định. Trong đó, có hai loại hồ sơ quan trọng: Một là, biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị thiệt hại (đối với gia hạn thuế) hoặc biên bản xác định mức độ, giá trị thiệt hại về tài sản của cơ quan có thẩm quyền như hội đồng định giá do Sở Tài chính thành lập hoặc các công ty định giá chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ định giá theo hợp đồng hoặc trung tâm định giá của Sở Tài chính (đối với miễn tiền chậm nộp). Hai là, văn bản xác nhận người nộp thuế có thiệt hại tại nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ và thời gian xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ của một trong các cơ quan, tổ chức sau: Cơ quan công an; UBND cấp xã; ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế nơi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc tổ chức cứu hộ, cứu nạn (đối với gia hạn và miễn tiền chậm nộp).