Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) có 4 khu, nhưng hiện nay chỉ có 2 khu hoạt động, 2 khu còn lại (khu C, D) đã xuống cấp trầm trọng, không thể tiếp nhận thêm học viên.
Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) có 4 khu, nhưng hiện nay chỉ có 2 khu hoạt động, 2 khu còn lại (khu C, D) đã xuống cấp trầm trọng, không thể tiếp nhận thêm học viên.
Cơ sở xuống cấp
Chúng tôi được ông Nguyễn Thế Lưu - Phó Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đưa đi tham quan cơ sở.
Khi mục sở thị các khu cai nghiện C, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì cảnh tượng hoang tàn. Những dãy nhà không còn mái, trơ trọi, những bức tường chỉ chực chờ đổ xuống như những thân cây khô dài ngày. Dưới nền nhà là gạch vỡ, la phông, bàn gỗ… và nhiều đồ dùng ngổn ngang. Ngoài sân khu C, cỏ cùng cây dại mọc um tùm, cao quá đầu gối. Tại khu D cũng hoang tàn không kém. Tường rào đã rỉ sét, cánh cửa được đóng lại bằng một chiếc khóa lớn cũng đã hoen gỉ. “Đây là những gì còn lại sau cơn bão số 12 năm 2017. Thời điểm đó, học viên ít nên dù 2 khu cai nghiện này bị tốc mái, không thể sử dụng thì vẫn còn khu A và B”, ông Lưu cho biết. Nhưng trong 2 năm qua, những người nghiện được đưa đến đây cai ma túy ngày một tăng thêm, trong khi khu C và D đã bị đóng cửa. Điều này đồng nghĩa, công năng của cơ sở cai nghiện bắt buộc duy nhất của tỉnh đã giảm đi phân nửa trong việc tiếp nhận người nghiện đến chữa trị.
Quá tải, thiếu nhân lực
“Cơ sở đang chữa bệnh cho 231 người theo diện bắt buộc, 23 người cai nghiện tự nguyện. Hiện tại, cơ sở chúng tôi đã quá tải từ tháng 7-2019”, ông Lưu nói. Việc người nghiện từ các địa phương được đưa đến đây chữa bệnh ngày một đông đã khiến những cán bộ luôn trong tình trạng căng thẳng vì áp lực. Những người nghiện đến đây chữa bệnh còn mắc một số bệnh lây nhiễm như HIV, lao, đó là chưa kể số lượng lớn người nghiện khi được đưa đến lúc ban đầu còn bị ảo giác do ma túy có thể gây nguy hiểm cho các cán bộ trực tiếp quản lý. “Thường thì một phòng dành cho học viên có sức chứa 15 người, nhưng nay phải tăng thêm số người trong mỗi phòng. Do quá chật chội, các học viên dễ xảy ra mâu thuẫn và có thể dẫn đến ẩu đả. Các vụ việc ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước xảy ra trong thời gian gần đây một phần cũng do nguyên nhân này”, một cán bộ cho chúng tôi biết.
Hiện tại, khu A và B của cơ sở đã quá tải. Tại khu A - khu dành cho người cai nghiện bắt buộc, mỗi phòng, không gian sinh hoạt cho học viên rất chật chội khiến việc giáo dục cũng khá khó khăn. “Điều này không chỉ áp lực cho các học viên mà còn áp lực đối với cán bộ chúng tôi. Từ đầu năm đến nay, đã có 2 cán bộ xin nghỉ việc vì áp lực công việc cao. Hiện tại, cơ sở đang thiếu 11 cán bộ; thiếu người đồng nghĩa với việc chúng tôi phải tăng giờ làm, tăng cường độ quản lý các học viên”, ông Lưu cho biết. Toàn bộ cơ sở hiện nay chỉ có 38 người bao gồm cả lãnh đạo và cán bộ. Tuy cơ sở đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng, nhưng vẫn phải tiếp nhận người nghiện đến chữa trị.
Với tình hình trên, việc khắc phục 2 khu vực bị bão tàn phá tại cơ sở này là hết sức cấp thiết. Theo ông Phạm Đức Tân - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, hiện tại, cơ quan chủ quản là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có đề án sửa chữa, nâng cấp 2 khu nhà C và D. “Sở đã lấy ý kiến của các cơ quan liên quan. Dự kiến, kinh phí sửa chữa khoảng 60 tỷ đồng nên phải được tỉnh phê duyệt. Kể cả nếu được tỉnh phê duyệt, thì phải vài năm nữa mới có thể xây dựng, nâng cấp xong 2 khu C, D của cơ sở”, ông Tân cho biết.
Thành Long - Thế Anh