Sau 3 năm thực hiện Đề án "Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030", trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và từng bước giảm thiểu được tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Sau 3 năm thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay và hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng và từng bước giảm thiểu được tình trạng bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Nhiều mô hình, hoạt động
Bà Nguyễn Đình Hồng Loan - Phó Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) cho biết, từ năm 2017 đến nay, thông qua nguồn kinh phí được cấp từ Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020 do trung ương hỗ trợ, sở đã triển khai mô hình “Trung tâm Công tác xã hội cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới” và thí điểm mô hình “Nhà tạm lánh - Địa chỉ tin cậy” tại Trung tâm Bảo trợ xã hội và công tác xã hội thị xã Ninh Hòa. Thông qua các mô hình, nạn nhân bị bạo lực sẽ được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ và điều trị về tâm lý, y tế cũng như được trợ giúp pháp lý khác liên quan đến bình đẳng giới.
Chị Lê Thị Phương Thiết (thị xã Ninh Hòa) từng là nạn nhân bị bạo lực gia đình. Chị kể: “Chồng tôi bình thường khá hiền, nhưng cứ mỗi khi uống rượu say lại đánh đập vợ con. Sau hai lần tôi đến “Nhà tạm lánh” và được hòa giải, kết hợp với sự khuyên răn của cán bộ địa phương, chồng tôi đã thay đổi nhiều. Từ khi biết đến mô hình này, tôi cùng nhiều chị em ở đây thường tìm đến để tránh xung đột mỗi khi gia đình có chuyện”.
Bên cạnh đó, sở đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh thành lập và duy trì hoạt động 549 câu lạc bộ (CLB), tổ, nhóm như: CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình 5 không, 3 sạch”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Trợ giúp pháp lý”, nhóm “Phụ nữ can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình”… Qua các buổi sinh hoạt mô hình, CLB giúp cho người có nguy cơ bị bạo lực và nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời nhằm ngăn ngừa bạo lực xảy ra. Đồng thời, họ còn có cơ hội cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường sống và làm việc.
Hướng đến bình đẳng giới toàn diện
Trong 3 năm qua, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức 6 lớp tập huấn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh với 600 lượt người tham dự; tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực công tác bình đẳng giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 220 cán bộ, công chức đến từ các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, cán bộ ngành Tòa án, Công an và Viện Kiểm sát. Sở cũng đã tổ chức 4 lớp tập huấn tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ, vận động tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ cho 500 lượt cán bộ, công chức, người lao động có con dưới 16 tuổi; tổ chức 3 lớp tập huấn lồng ghép vấn đề phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho hơn 300 lượt là cán bộ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng… Đồng thời, lồng ghép các nội dung phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thông qua các lớp tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ hàng năm.
Tuy nhiên, theo ông Võ Bình Tân - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, khó khăn lớn nhất hiện nay khi triển triển khai luật, các chính sách về giới và bình đẳng giới là đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới còn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn; công tác giáo dục, tuyên truyền chưa được triển khai sâu rộng. Mặt khác, việc nhận thức đúng đắn về Luật Bình đẳng giới trong nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và cán bộ, công chức, nhân dân còn hạn chế; nguồn lực tài chính để thực hiện trên diện rộng các hoạt động hỗ trợ phụ nữ thực hiện mục tiêu bình đẳng giới chưa đáp ứng nhu cầu thực tế…
Trong thời gian tới, sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong các hoạt động về bình đẳng giới và tích cực lồng ghép Luật Bình đẳng giới vào các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển của từng đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo thực hiện quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
THANH TRÚC