Đề tài "Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh BTEC trong canh tác rau trên địa bàn thị xã Ninh Hòa" vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp cơ sở nghiệm thu và đánh giá cao. Kết quả của đề tài góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, giảm thiểu lượng phân bón hóa học, góp phần bảo vệ môi trường.
Đề tài “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh BTEC trong canh tác rau trên địa bàn thị xã Ninh Hòa” vừa được Hội đồng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp cơ sở nghiệm thu và đánh giá cao. Kết quả của đề tài góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng, giảm thiểu lượng phân bón hóa học, góp phần bảo vệ môi trường.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, đến nay, tổng diện tích canh tác rau, đậu toàn thị xã khoảng 1.753ha (chiếm 29,5% so với tổng diện tích canh tác rau toàn tỉnh). Những năm gần đây, mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn tại xã Ninh Đông đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm ổn định cho nông dân, đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng hộ dân tham gia và cam kết áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn theo VietGAP vẫn còn hạn chế. Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Ninh Đông hiện nay mới có 18 thành viên, với diện tích sản xuất khoảng 4ha. Đa số người dân trên địa bàn vẫn canh tác theo kinh nghiệm, việc tuân thủ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều hạn chế, việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, chất kích thích tăng trưởng trong canh tác vẫn còn phổ biến.
Tiếp nhận quy trình sử dụng chế phẩm vi sinh BTEC cho cây rau của Viện Cây ăn quả miền Nam triển khai ứng dụng vào thực tế, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Khánh Hòa đã thực hiện đề tài cấp cơ sở: “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh BTEC trong canh tác rau trên địa bàn thị xã Ninh Hòa”. Quy trình canh tác hướng tới mục tiêu tăng năng suất, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, giảm lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, hướng đến canh tác rau bền vững trên địa bàn. Qua 2 năm triển khai, các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã xây dựng 6 mô hình ứng dụng chế phẩm BTEC trong canh tác rau tại thị xã gồm: 3 mô hình trồng rau cải ngọt tại Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Ninh Đông với tổng diện tích 1.500m2; 3 mô hình trồng dưa leo tại thôn Phú Văn, xã Ninh Trung với tổng diện tích 1.500m2. Đồng thời, sử dụng mô hình đối chứng là ruộng của nông dân cùng chân đất liền kề, cùng chủ ruộng.
Kết quả cho thấy, đối với cây cải ngọt, năng suất của ruộng mô hình dao động từ 13,58 đến 14,06 tấn/ha, tăng 2,5 - 3 tấn/ha so với ruộng đối chứng, lợi nhuận đạt hơn 42 triệu đồng/ha, cao hơn đối chứng 6,1 triệu đồng/ha. Đối với cây dưa leo, kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ đậu hoa và quả của mô hình đều cao hơn ruộng đối chứng. Cụ thể, số quả trên cây của mô hình trung bình 15,1 quả/cây, trong khi ruộng đối chứng 11,3 quả/cây nhưng năng suất thương phẩm của mô hình so với đối chứng chưa có sự chênh lệch nhiều. Hiệu quả đạt được của việc ứng dụng chế phẩm BTEC là lượng phân bón hóa học cho cây giảm từ 20 đến 30%. Ông Bùi Ké (thôn Phú Văn, xã Ninh Trung), hộ tham gia mô hình trồng dưa leo cho biết, qua thời gian thực hiện mô hình ứng dụng chế phẩm BTEC, tuy năng suất cây dưa leo chưa được như mong muốn nhưng giảm sâu bệnh nên hạn chế đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đặc biệt, khi ứng dụng chế phẩm BTEC đã giảm khoảng 20% lượng phân bón hóa học cho cây, vì vậy đã làm tăng lợi nhuận sau thu hoạch.
Hiện nay đã có hơn 100 lượt nông dân trồng rau, cán bộ khuyến nông, Hội Nông dân các xã trên địa bàn thị xã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Khánh Hòa, Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa… tổ chức tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm vi sinh BTEC trong canh tác rau.
Tại buổi nghiệm thu, ông Nguyễn Thanh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa đánh giá: “Đề tài đã xây dựng được các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cải ngọt, dưa leo sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác cây trồng, đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế phù hợp với điều kiện tại địa phương. Đây là phương pháp thâm canh nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn môi trường, hướng đến một nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững trên địa bàn thị xã”.
KHÁNH HÀ