10:05, 10/05/2019

Vụ hè thu: Khó khăn về nước tưới

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, các giải pháp ứng phó trong sản xuất vụ hè thu đang được cơ quan chuyên môn khuyến cáo.

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, các giải pháp ứng phó trong sản xuất vụ hè thu đang được cơ quan chuyên môn khuyến cáo.


Gieo sạ nhanh


Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn tất thu hoạch lúa đông xuân. Với hơn 20.000ha, vụ lúa này cho năng suất bình quân khoảng 63 tạ/ha, nâng sản lượng lúa đông xuân lên gần 127.000 tấn; năng suất này có nhỉnh hơn so với năm trước. Đây cũng là năm giá lúa ổn định quanh mức 5.500 đồng/kg, giúp nông dân có lãi bình quân gần 20 triệu đồng mỗi héc-ta lúa.

 

Nông dân huyện Diên Khánh tích cực vệ sinh đồng ruộng, triển khai mùa vụ mới.

Nông dân huyện Diên Khánh tích cực vệ sinh đồng ruộng, triển khai mùa vụ mới.


Ngay khi kết thúc việc thu hoạch, các hệ thống thủy lợi đã nhanh chóng đưa nước về chân ruộng; các công đoạn làm đất, xuống giống lập tức được triển khai. Theo lãnh đạo huyện Diên Khánh, trước tình hình nắng hạn, lịch mở nước phục vụ làm đất bắt đầu từ ngày 10-5 và chỉ kéo dài trong khoảng 10 ngày. Huyện đã khuyến cáo nông dân cày ải dứt điểm sớm, hoạt động gieo sạ phải tập trung, nhanh gọn, bố trí gieo sạ trong khoảng 1 tháng, bắt đầu từ ngày 20-5. Ngoài ra, các giống lúa ngắn ngày (dưới 100 ngày) cũng được áp dụng triệt để nhằm hạn chế nguy cơ gặp mưa gió vào cuối vụ.


Tương tự, tại huyện Vạn Ninh, hiện một số địa phương đã nhanh chóng tổ chức xuống giống. Giải pháp rút ngắn thời gian gieo sạ, phổ biến chỉ gieo trong 2 đợt thay vì 3 đợt như các năm trước được áp dụng. Tổng thời gian của các đợt gieo sạ cũng rút xuống trong hơn 1 tháng. Đơn cử như xã Vạn Bình, nông dân đã tập trung gieo sạ lúa hè thu từ ngày 10-3 đến 4-4 và là địa phương gieo sạ sớm nhất trong huyện. Hay như xã Vạn Phước, gần 300ha lúa hè thu của địa phương này được khuyến cáo gieo sạ từ ngày 5-5 và kết thúc vào ngày 26-5.


Theo bà Lương Kim Ngân - Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện toàn tỉnh đã gieo sạ được khoảng 1.000ha lúa hè thu. Cơ cấu giống phổ biến là: OM4900, ML 202, ML214, ML48… Trước tình hình nước tưới khó khăn, đồng thời để tránh được thời tiết cực đoan vào cuối vụ, hoạt động gieo sạ lúa hè thu dự kiến sẽ hoàn tất trong tháng 6, sớm hơn so với trung bình nhiều năm.


Tạm ngừng sản xuất vì thiếu nước


Vụ lúa hè thu năm nay, toàn tỉnh ước gieo sạ gần 1.600ha. Tuy nhiên, diện tích này sẽ khó có thể đạt được do nắng hạn, dẫn tới thiếu nước. Trong đó, các huyện phía bắc tỉnh đang chịu ảnh hưởng nặng nề hơn và giảm dần theo trục bắc nam. Ông Nguyễn Ngọc Ý - Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh cho biết, do lượng mưa thiếu hụt, mực nước tại các hồ chứa thấp hơn khá nhiều so với trung bình nhiều năm nên mặc dù kế hoạch sản xuất lúa hè thu năm nay của huyện là 2.900ha, nhưng hiện nay chỉ có thể sản xuất được 2.787ha. Trong đó, có gần 770ha nhiều khả năng sẽ phải tổ chức bơm tưới, 112ha phải chờ mưa mới có thể gieo sạ, gần 100ha phải chuyển sang cây trồng khác.


Theo UBND huyện Diên Khánh, với tình hình này, nhiều khả năng 200ha sản xuất lúa hè thu của huyện phải tạm ngưng sản xuất. Hàng trăm héc-ta cũng là con số mà Ninh Hòa đang phải tính toán để cân đối, có nguy cơ phải ngừng sản xuất vụ lúa sắp tới.


Bà Lương Kim Ngân cho biết, bên cạnh việc tăng cường sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu hạn tốt để rút ngắn thời vụ, nhất là ở những chân ruộng sản xuất 3 vụ/năm, hoạt động gieo sạ đang được tập trung theo từng khu vực, từng cánh đồng để rút ngắn thời gian gieo sạ và tiết kiệm lượng nước tưới. Đối với chân ruộng cao, quá khó khăn về nước tưới, các địa phương đã chủ động chuyển đổi sang các cây trồng cạn sử dụng ít nước tưới.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, lượng mưa thiếu hụt từ 10 - 35%. Mực nước đo được vào ngày 4-5 trên sông Cái Nha Trang tại trạm Đồng Trăng là 2,51m, thấp hơn trung bình cùng kỳ 1,55m, nguy cơ xảy ra hạn hán, thiếu nước, nhất là ở các khu vực nằm xa các công trình thủy lợi đang ngày một lớn hơn. Tại các hồ chứa, lượng nước cũng đang giảm đi nhanh chóng, một phần do thời tiết quá khô nóng. Theo báo cáo ngày 18-4, các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên toàn tỉnh đang có 190 triệu m3 nước, nhưng đến ngày 1-5 chỉ còn khoảng 170 triệu m3. Sở cũng đã đưa ra thứ tự ưu tiên sử dụng nước, trong đó nước sinh hoạt được ưu tiên hàng đầu, tiếp đó mới đến phục vụ công nghiệp, chăn nuôi gia súc, cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao rồi mới đến cây lúa. Hiện các địa phương, đơn vị quản lý hồ chứa đều đã xây dựng kế hoạch chống hạn. Trong đó, các giải pháp về công trình nhằm hạn chế thất thoát nước, tăng hiệu quả sử dụng nước như: nạo vét kênh mương, gia cố những điểm bị rò rỉ nước trên hệ thống kênh tránh lãng phí nước đã được triển khai. Công tác tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng đang được đẩy mạnh.


Hồng Đăng