Tuyến đường Dốc Sạn - Ấp Bà Hùng (xã Cam Phước Đông), mặt đường vừa được san lấp, lu lèn, vá ổ gà, ổ voi do quá trình lưu thông của xe tải chở đá từ các mỏ đá trong khu vực gây ra.
Tuyến đường Dốc Sạn - Ấp Bà Hùng (xã Cam Phước Đông), mặt đường vừa được san lấp, lu lèn, vá ổ gà, ổ voi do quá trình lưu thông của xe tải chở đá từ các mỏ đá trong khu vực gây ra. Ông Phạm Nguyễn Mạnh Quân sống ven tuyến đường này cho biết, chủ các mỏ đá đã khắc phục sự xuống cấp của con đường cách đây hơn 3 tháng.. Tuy nhiên, hiện nay, xe chở đá vẫn chạy liên tục, cường độ cao nên hiện tượng bụi chưa thể khắc phục.
Thời gian qua, tuyến đường Cây Me (thôn Thành Sơn, xã Cam Thịnh Tây), mặt đường xuống cấp nặng do nước lũ. Đơn vị quản lý đã khắc phục cách đây 1 tháng. Tuy nhiên, hiện nay, 1 đơn vị thi công khác đào cáp ngầm vào đường bê tông gây khó khăn cho việc đi lại.
Theo lãnh đạo Phòng Quản lý đô thị Cam Ranh, hiện nay, thành phố còn nhiều tuyến đường xuống cấp nhưng đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nên chưa thể khắc phục. Thành phố đang xem xét nâng cấp, mở rộng tuyến đường Phan Bội Châu vì tuyến này hầu hết là đường đất, chỉ mới nâng cấp được một đoạn qua phường Cam Thuận. Tuy nhiên, tuyến đường này đang vướng khâu giải tỏa. Mới đây, thành phố có văn bản yêu cầu tạm dừng đầu tư, xem xét chuyển vốn sang công trình khác cấp bách hơn vì số hộ chưa đồng thuận mở đường Phan Bội Châu còn nhiều.
Hiện nay, TP. Cam Ranh đang gặp khó khăn trong việc nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến quan trọng, huyết mạch, đi qua nhiều địa phương như: đường Lê Duẩn dài hơn 9km, đi qua 6 xã, phường, lộ giới 27 - 30m; đường Phạm Văn Đồng dài 3,6km, đi qua 4 phường, lộ giới 20m; đường Nguyễn Văn Cừ dài 6,7km, qua 4 xã, phường, lộ giới 40m. Nếu các tuyến này hoàn chỉnh sẽ đem lại vẻ đẹp cho đô thị Cam Ranh, đồng thời giải phóng bớt lưu lượng xe trên Quốc lộ 1. Bên cạnh đó, các tuyến giao thông do Sở Giao thông vận tải quản lý như: đường Mỹ Ca - Cam An Nam (Nguyễn Công Trứ), Tỉnh lộ 9 xuống cấp khá nặng, một phần do tình trạng xe tải lưu thông gây hỏng đường, phần khác do các tuyến này hầu hết chưa có hệ thống thoát nước nên qua các mùa lũ tình trạng xuống cấp càng trầm trọng hơn. “Nhu cầu kinh phí sửa chữa, duy tu đường của thành phố mỗi năm khoảng 4 tỷ đồng, nhưng thành phố chỉ bố trí được khoảng 2,5 tỷ đồng nên chỉ làm 1 - 2 con đường là hết vốn, không còn vốn để sửa chữa khi các tuyến đường xuống cấp”, ông Nguyễn Bình Nam - Trưởng phòng Quản lý đô thị Cam Ranh chia sẻ.
Theo lộ trình ghi vốn 2 năm 2019 - 2020, TP. Cam Ranh sẽ thực hiện 5 tuyến đường, tổng mức đầu tư 87,5 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí vốn được 18 tỷ đồng. |
Ông Trần Quốc Vinh - Trưởng phòng Tài chính và Kế hoạch Cam Ranh cho hay, thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020, thành phố đã ban hành nghị quyết bổ sung danh mục công trình. Căn cứ vào đó, các ngành triển khai theo lộ trình hàng năm. Tuy nhiên, trong thực tế có nhiều công trình phát sinh, nhất là hư hỏng sau mùa mưa lũ. Năm 2018, mưa lũ đã làm thiệt hại gần 30 tỷ đồng các công trình giao thông, thành phố đã sửa chữa, khắc phục với kinh phí gần 10 tỷ đồng (9/10 công trình). Riêng cầu Bình Lập (xã Cam Lập) chỉ mới khắc phục tạm cho xe lưu thông trong khi nhu cầu vốn kiên cố cầu gần 20 tỷ đồng. Mặt khác, các tuyến đường: Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Cừ là những tuyến lớn, dài, quan trọng, đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, ngoài tầm ngân sách địa phương (Phạm Văn Đồng 200 tỷ đồng, Nguyễn Văn Cừ 100 tỷ đồng)...
Ông Vinh cho biết sẽ tham mưu thành phố tìm giải pháp khắc phục. Đối với những công trình có vốn lớn sẽ trình tỉnh, Trung ương xin kinh phí và đưa vào kế hoạch trung hạn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2026, thành phố sẽ dành vốn đối ứng với Trung ương, tỉnh để đẩy nhanh tiến độ. Những tuyến cần vốn trung bình sẽ xem xét thực hiện theo lộ trình ghi vốn hàng năm trên cơ sở ưu tiên. Các công trình do tỉnh quản lý sẽ đề xuất tỉnh đầu tư nâng cấp như: tuyến Nguyễn Công Trứ, Tỉnh lộ 9. Bên cạnh đó, thành phố sẽ lồng ghép với các chương trình khác để huy động nguồn vốn thực hiện.
V.LẠC