10:05, 07/05/2019

Dự án kè Đại Lãnh: Đề xuất bổ sung vốn cho giai đoạn 2

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tham mưu UBND tỉnh sớm đồng ý bổ sung kế hoạch vốn kịp triển khai giai đoạn 2 dự án kè Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa sớm đồng ý bổ sung kế hoạch vốn kịp triển khai giai đoạn 2 dự án kè Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh).


khó khăn khi triển khai


Dự án kè Đại Lãnh được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đầu tư năm 2014. Đến tháng 1-2019, UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện dự án. Theo đó, kè Đại Lãnh có tổng chiều dài 1.065m, cao trình kè 2,7m, có tổng mức đầu tư gần 135 tỷ đồng.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau khi được phê duyệt, dự án được phân làm 2 giai đoạn để thi công theo kế hoạch bố trí vốn. Giai đoạn 1 (đoạn xung yếu nhất của dự án) có chiều dài 495m, đã hoàn thành năm 2018 với tổng kinh phí 62 tỷ đồng. Giai đoạn 2 dài 570m, hiện đã hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế và đang thẩm tra, thẩm định trước khi phê duyệt; dự kiến sẽ thi công trong năm 2019.


Quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn. Cụ thể, theo Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh ngày 5-12-2018, kế hoạch vốn bố trí cho dự án có thay đổi, chỉ còn lại 119,6 tỷ đồng (vốn Trung ương giảm 15,3 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư dự án được duyệt), do đó kế hoạch vốn bố trí để thực hiện giai đoạn 2 chỉ còn lại gần 58 tỷ đồng. Mặt khác, do thời gian tính từ lúc phê duyệt dự án từ năm 2014 đến nay (tháng 2-2019) đã 5 năm nên có các yếu tố trượt giá xảy ra, ảnh hưởng đến giai đoạn 2 dự án. Không chỉ vậy, do ảnh hưởng của các cơn bão gần đây (đặc biệt là bão số 12-2017), khu vực đoạn còn lại chưa được gia cố nên bị xói lở nặng nề hơn, nhiều vị trí mặt đất đã xói sâu hơn lúc lập dự án từ 1 đến 2m. Từ thực tế trên, đơn vị tư vấn đã tính toán các phương án so sánh để lựa chọn phương án tối ưu nhất bảo đảm mục tiêu quy mô dự án không thay đổi.

 

Giai đoạn 1 dự án kè Đại Lãnh đã hoàn thành, phát huy hiệu quả.
Giai đoạn 1 dự án kè Đại Lãnh đã hoàn thành, phát huy hiệu quả.



2 phương án điều chỉnh


Cụ thể, đơn vị tư vấn đưa ra 2 phương án điều chỉnh dự án. Phương án 1, đầu tư xây dựng đủ chiều dài đoạn kè còn lại theo quy mô đã được duyệt ban đầu. Đối với phương án này, sau khi rà soát, cắt giảm một số hạng mục không thật sự cần thiết và cập nhật lại đơn giá, thì chi phí đầu tư gần 73 tỷ đồng. Việc giữ nguyên chiều dài toàn tuyến sẽ bảo đảm chống xói lở bờ biển bảo vệ tài sản, an toàn cho người dân trong khu vực. Tuy tổng mức đầu tư không thay đổi nhưng sẽ vượt kế hoạch bố trí vốn cho dự án theo Nghị quyết số 28 của HĐND tỉnh. Phương án 2, điều chỉnh cắt giảm chiều dài kè đoạn 2 còn lại 360m so với quy mô ban đầu (giảm 210m) để phù hợp với kế hoạch vốn. Với phương án này, sẽ không phải điều chỉnh kế hoạch vốn nhưng quy mô dự án thay đổi phải điều chỉnh dự án đầu tư, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Đồng thời, việc giảm chiều dài tuyến sẽ có nguy cơ xói lở cao khi mùa mưa bão tới và mất ổn định cho đoạn kè xây mới cũng như cơ sở hạ tầng, an toàn cho người dân trong khu vực.


Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua tính toán, sở thống nhất đề nghị của tư vấn chọn phương án 1 để đảm bảo chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư dự án. Do tính chất quan trọng của dự án, sở đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét tổng hợp và tham mưu UBND tỉnh sớm đồng ý bổ sung kế hoạch vốn ngân sách tỉnh là 15,3 tỷ đồng (tương ứng với phần cắt giảm của Trung ương) để kịp triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án. Được biết, sau khi nhận văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cùng các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra thực tế dự án kè Đại Lãnh. Qua kiểm tra, các đơn vị đã thống nhất với đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo UBND tỉnh, đồng thời dự thảo tờ trình của UBND tỉnh gửi HDND tỉnh về việc bổ sung ngân sách tỉnh cho dự án.


THÀNH NAM