Hiện nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín các thôn, xóm ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa). Tuy nhiên, do nguồn điện chưa đảm bảo để phục vụ sản xuất nên người dân kiến nghị ngành Điện sớm cải tạo lưới điện, nâng công suất đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Hiện nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín các thôn, xóm ở xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa). Tuy nhiên, do nguồn điện chưa đảm bảo để phục vụ sản xuất nên người dân kiến nghị ngành Điện sớm cải tạo lưới điện, nâng công suất đáp ứng nhu cầu sản xuất.
Tại buổi tiếp xúc giữa đại biểu HĐND tỉnh với cử tri mới đây, ông Nguyễn Thành Tân - người dân thôn Apa 1 (xã Thành Sơn) phản ánh: “Những năm gần đây, nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong thôn đã được người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây công nghiệp. Cụ thể, thôn Apa 1 hiện có 22ha cà phê, 1ha tiêu, 142ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: sầu riêng, bưởi, mít, chôm chôm, quýt… Khó khăn nhất trong sản xuất nông nghiệp của người dân là vào mùa khô các hộ phải gánh nước hoặc thuê máy phát điện để bơm, tưới cho cây trồng”.
Bà Nguyễn Thị Chiến (thôn Tà Giang 2) cho biết: “Gia đình tôi đã chuyển đổi được hơn 2ha sang trồng bưởi da xanh từ 3 năm nay. Cứ vào mùa khô, tôi lại phải thuê người, máy móc về bơm nước từ dưới suối lên; chi phí cho mỗi lần thuê hơn 500.000 đồng, 1 tháng phải tưới 4 - 5 lần; những hộ xa nguồn nước chi phí còn cao hơn. Chúng tôi mong muốn ngành Điện sớm cải tạo hệ thống điện về thôn Tà Giang 2 để nâng công suất cấp điện, phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân”.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, những năm qua, xã Thành Sơn đã phát triển được 1,5ha mía tím, 61ha cà phê, 3,7ha hồ tiêu, 577ha cây ăn quả. Ngoài ra, trên địa bàn còn có nhiều hộ phát triển chăn nuôi, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp… rất cần nguồn điện ổn định để sản xuất. Ông Lê Ánh Sáng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết, hiện nay, điện lưới quốc gia đã phủ kín 4 thôn của xã Thành Sơn; hơn 750 hộ dân địa phương đã được sử dụng nguồn điện này. Tuy nhiên, nguồn điện chủ yếu phục vụ sinh hoạt chứ chưa thể áp dụng vào sản xuất do công suất thấp, thậm chí ngay trụ sở UBND xã Thành Sơn cũng liên tục mất điện do quá tải.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thời gian qua, ngoài việc chuyển đổi cây trồng theo kế hoạch của UBND huyện, người dân nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Khánh Sơn như: Sơn Lâm, Sơn Bình, Sơn Trung… cũng chuyển đổi tự phát nhiều diện tích, trong đó có nhiều diện tích xa đường điện, vì vậy, việc bơm tưới cho cây trồng chủ yếu sử dụng máy nổ, nước tự chảy là chính. Nhiều hộ mong muốn ngành Điện mở rộng cung cấp điện về các thôn, xóm, về gần hơn với nhà vườn để phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Ông Phan Thanh Sơn - Đội trưởng Đội Quản lý - Vận hành lưới điện Khánh Sơn (Điện lực Cam Ranh - Khánh Sơn) cho biết: “Từ trước đến nay, khi nắm bắt được nhu cầu tưới tiêu, sản xuất ở các khu vực trên địa bàn huyện Khánh Sơn, đội đều kiểm tra nhu cầu thực tế, tiến hành cải tạo, nâng cấp trạm biến áp để bảo đảm công suất điện phục vụ nhu cầu của người dân. Riêng đối với địa bàn xã Thành Sơn, chúng tôi chưa nhận được thông tin phản ánh nào về nhu cầu này. Chúng tôi mong muốn UBND xã Thành Sơn và các địa phương khác trong huyện rà soát các khu vực sản xuất, khu dân cư có nhu cầu điện sản xuất gửi đến Đội Quản lý - Vận hành lưới điện Khánh Sơn để đơn vị tiến hành kiểm tra, có kế hoạch nâng cấp nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu điện sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn huyện”.
BÍCH LA