Nhờ sự phối hợp tích cực giữa các ngành, năm 2017, hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát đã phát sinh nhiều vấn đề cần được quản lý chặt chẽ hơn...
Nhờ sự phối hợp tích cực giữa các ngành, năm 2017, hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã có hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, kiểm soát đã phát sinh nhiều vấn đề cần được quản lý chặt chẽ hơn...
Không có vụ việc nổi cộm
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, năm 2017, tuy không có vụ việc nổi cộm nhưng tình hình vận chuyển, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả vẫn còn diễn ra, đa dạng về thủ đoạn và phương thức hoạt động. Hàng hóa đưa vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ được chia nhỏ vận chuyển trên các phương tiện: xe khách, xe tải, xe taxi… Trên tuyến biển chủ yếu các đối tượng sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định, mua bán vận chuyển xăng dầu trái phép với tính chất nhỏ lẻ…
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp về vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng lậu, gian lận về hóa đơn, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Mặt hàng thu giữ chủ yếu là: thuốc lá, thực phẩm, bánh kẹo các loại, điện thoại, phụ kiện điện tử… Trong đó, lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện hơn 3.390 lượt kiểm tra, kiểm soát; phát hiện 808 vụ vi phạm chủ yếu về không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; niêm yết giá bằng ngoại tệ, kinh doanh sai địa điểm đăng ký, không niêm yết giá bán… Lực lượng công an tập trung vào kiểm tra một số mặt hàng: thuốc lá lậu; mua bán vận chuyển lâm sản; mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Công an tỉnh đã xử phạt 78 vụ, thu nộp ngân sách hơn gần 3,9 tỷ đồng. Trong lĩnh vực chống thất thu thuế, các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp kiểm tra 1.484 vụ doanh nghiệp (DN) có dấu hiệu chuyển giá, không sử dụng hóa đơn chứng từ mua bán hàng hóa trong kinh doanh, quay vòng hóa đơn, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, mua hóa đơn để khấu trừ thuế…
Sự phối hợp hoạt động giữa các ngành, lực lượng chức năng ngày càng có hiệu quả tích cực trong việc hạn chế buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Đặc biệt là để tránh trùng lắp việc thanh tra, kiểm tra DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các ngành chức năng đã chủ động, phối hợp chặt chẽ trong việc lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra.
Nhiều vấn đề phát sinh
Qua công tác kiểm tra, kiểm soát, lực lượng chức năng đã phát hiện có nhiều vấn đề phát sinh trong lĩnh vực kinh doanh phục vụ khách du lịch. Ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nay, tại một điểm kinh doanh phục vụ khách du lịch có tình trạng thành lập cùng lúc một hộ kinh doanh và công ty. Khi lực lượng chức năng kiểm tra hóa đơn, chứng từ đầu ra đầu vào của hộ kinh doanh rất khó phát hiện vi phạm. Theo quy định, hộ kinh doanh chỉ phải nộp thuế khoán dù doanh thu lớn đến đâu. Vì vậy, tình trạng này rất dễ dẫn đến việc trốn thuế, bởi mặt hàng nào cần hóa đơn thì đưa qua công ty, mặt hàng nào không cần hóa đơn thì đẩy qua hộ kinh doanh. Tại các hộ kinh doanh phục vụ khách du lịch còn thanh toán qua thẻ ở nước ngoài nên doanh thu không đánh thuế được tại Việt Nam.
Tại cuộc họp tổng kết hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh vừa qua, đại diện cơ quan thành viên ban chỉ đạo cũng nêu nhiều hiện tượng bất thường về mua bán hóa đơn. Theo đại diện Sở Du lịch, thời gian qua có hiện tượng DN lữ hành tuy không phát sinh khách nhưng lại có hoạt động xuất hóa đơn cho dịch vụ lưu trú và thuê xe. Điều này rất bất thường và có dấu hiệu trốn thuế của các đơn vị lưu trú, dịch vụ vận tải. Ngoài ra, đại diện Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh cũng thông tin về DN “ma” mua bán hóa đơn trái pháp luật trên địa bàn tỉnh. Các DN này không có hoạt động kinh doanh nhưng vẫn xuất hóa đơn, tập trung ở các huyện: Cam Lâm, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và TP. Cam Ranh, mặt hàng xuất hóa đơn chủ yếu là cát, đá…
Năm 2017, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 2.900 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Trong đó, buôn bán hàng cấm, hàng lậu hơn 810 vụ; gian lận thương mại gần 1.360 vụ… Tổng số tiền thu nộp ngân sách hơn 140 tỷ đồng. |
Bên cạnh đó, thực tế kiểm tra kiểm soát chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả còn phát hiện nhiều vấn đề như: tình trạng vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng mất an toàn trên các tuyến xe khách ngày càng nhiều; game bắn cá biến tướng cờ bạc, việc quản lý chất lượng, nguồn gốc, tiêu chuẩn của hàng hóa phục vụ khách du lịch còn nhiều bất cập…
Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo 389 đã giao Cục Thuế tỉnh phối hợp với Công an tỉnh làm rõ vấn đề DN “ma” có hoạt động mua bán hóa đơn và có giải pháp xử lý, quản lý; Cục Thuế tỉnh và Sở Du lịch phải phối hợp để có giải pháp đối với việc DN lữ hành không phát sinh khách nhưng vẫn xuất hóa đơn. Đồng thời, các ngành cần báo cáo kịp thời những vướng mắc trong quá trình thanh tra, kiểm tra lên cơ quan ngành dọc và ban chỉ đạo tỉnh để có giải pháp cụ thể. Trong năm 2018, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tiếp tục tập trung kiểm tra, kiểm soát các lĩnh vực như: du lịch, nông nghiệp (thuốc thú y, thuốc trừ sâu, phân bón), kinh doanh xăng dầu, vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm… Các địa bàn trọng điểm là: Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, TP. Nha Trang, TP. Cam Ranh, huyện Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa.
MAI HOÀNG