Cơn bão số 12 càn qua Khánh Hòa đã để lại hậu quả nặng nề đối với lĩnh vực lâm nghiệp. Trên rừng, cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhất là rừng trồng chịu thiệt hại nặng.
Cơn bão số 12 càn qua Khánh Hòa đã để lại hậu quả nặng nề đối với lĩnh vực lâm nghiệp. Trên rừng, cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhất là rừng trồng chịu thiệt hại nặng.
Thiệt hại hàng ngàn héc-ta rừng
Vừa trở về sau khi đi kiểm tra diện tích rừng phòng hộ trong lâm phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Vạn Ninh, ông Đặng Quang Thành - Giám đốc Ban quản lý thông tin: “Bão đổ bộ khiến nhiều cánh rừng ở Vạn Ninh tơi tả. Toàn bộ diện tích rừng trồng trong lâm phận của đơn vị với diện tích 1.200ha (độ tuổi từ 1 đến 15 năm) đã bị thiệt hại nặng, trong đó có 1.000ha rừng trồng phòng hộ. Bão đã bẻ sạch ngọn, làm bật gốc hơn 90% số cây trồng trên diện tích này”.
Trong khi đó, thông tin từ Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa, toàn bộ 1.900ha rừng sản xuất của đơn vị bị thiệt hại từ 50% trở lên, trong đó phần lớn diện tích bị thiệt hại là rừng trên 2 năm tuổi. Đối với diện tích rừng tự nhiên, 10% trong tổng số 420ha rừng căm xe Ninh Tây đã bị gãy đổ. “Hiện nay, chúng tôi đang chờ thời tiết nắng lên để tiến hành kiểm tra, tận thu những diện tích rừng từ 3 tuổi trở lên; đối với diện tích rừng bị thiệt hại dưới 3 tuổi sẽ tiến hành phát dọn để trồng lại rừng”, ông Nguyễn Công Hà - Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Hòa cho biết.
Đến huyện miền núi Khánh Vĩnh, nơi có diện tích rừng trồng lớn nhất tỉnh, chúng tôi ghi nhận cảnh cây cối gãy đổ, bật gốc… nằm la liệt. Dọc 2 bên các tuyến đường: Nha Trang - Đà Lạt, thị trấn Khánh Vĩnh - xã Khánh Bình…, những rừng keo bạt ngàn của người dân đổ ngổn ngang. Ông Trần Thân - người dân ở xã Khánh Trung cho biết: “5ha keo đã được 3 năm tuổi của gia đình tôi bị gãy, đổ hơn 4ha. Tôi đang chạy đôn, chạy đáo khắp nơi, tìm nhân công cắt dọn diện tích này nhằm vớt vát một phần kinh phí, nhưng chưa kiếm được người vì ai cũng lo dọn dẹp, khắc phục nhà cửa bị hư hại do bão. Không riêng gì gia đình tôi, các hộ trồng keo khác ở các xã: Khánh Trung, Khánh Nam, Khánh Bình, Khánh Hiệp… cũng lâm vào cảnh tương tự”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Nguyễn Nhật Trường - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Qua thống kê sơ bộ, diện tích rừng trồng của các hộ trên địa bàn huyện hơn 3.000ha. Sau bão, gần 100% diện tích bị thiệt hại từ 30 đến 50%. Trong đó, có 1.000ha đang trong độ tuổi khai thác, người dân có thể tận thu được, còn lại khoảng 2.000ha độ tuổi từ 1 đến dưới 3 năm tuổi, người dân tận thu thì chưa đủ tiền nhân công”.
Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm sản Khánh Hòa cho biết: “Toàn bộ khoảng 3.000ha rừng trồng, trong đó có 1.800ha rừng phòng hộ và 1.200ha rừng sản xuất của đơn vị bị thiệt hại từ 60% trở lên. Ngoài diện tích rừng trồng, diện tích rừng tự nhiên trong lâm phận của công ty cũng chịu ảnh hưởng nặng. Qua kiểm tra sơ bộ, nhiều diện tích rừng tự nhiên ven đường, dọc theo luồng di chuyển của bão đã bị gãy ngọn, ngã đổ… Không riêng công ty chúng tôi mà diện tích rừng của các chủ rừng nhà nước khác cũng lâm vào cảnh tương tự”.
Tỷ lệ độ che phủ rừng giảm
Thông tin về tình hình rừng sản xuất tại Khánh Sơn, ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho hay: “Trên địa bàn có 480ha trong tổng số khoảng 3.000ha rừng trồng của người dân bị gãy đổ hơn 70%. Hiện nay, người dân địa phương đang tập trung tận thu gỗ rừng trồng đối với những diện tích đã đến tuổi khai thác, những diện tích rừng 1 - 2 năm tuổi đành cắt bỏ để kịp trồng lại trong mùa trồng rừng năm nay, bởi nếu chậm thì phải đợi đến năm sau mới có thể tổ chức trồng”. Trong khi đó, tại Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, sau khi bão đi qua, 150ha rừng sao, dầu, keo trong phân khu phục hồi sinh thái của khu bảo tồn đã bị quật ngã. Ngoài ra, một số diện tích rừng tự nhiên trong khu bảo tồn cũng bị bão bẻ gãy ngọn.
Được biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là thời tiết bắt đầu mưa trở lại, nhân công khan hiếm, các doanh nghiệp thu mua keo không thể thu mua kịp… “Người dân trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh mong muốn các đơn vị thu mua gỗ rừng trồng, chế biến dăm gỗ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh sớm khắc phục hậu quả do cơn bão số 12 để tăng công suất, triển khai nhanh việc thu mua gỗ rừng sản xuất cho người dân”, ông Lương Nguyễn Nhật Trường nói.
Theo ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, hiện nay, toàn tỉnh có 240.235,67ha đất có rừng, trong đó có hơn 647ha rừng trồng đặc dụng, hơn 11.580ha rừng trồng phòng hộ, hơn 26.616ha rừng trồng sản xuất; ngoài ra còn có hơn 33.089ha rừng trồng ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Cơn bão số 12 đã để lại hậu quả nặng nề đối với diện tích rừng trên địa bàn, đặc biệt là rừng trồng. Các địa phương có diện tích rừng bị thiệt hại nặng sau bão là: Vạn Ninh, Ninh Hòa, Khánh Vĩnh, Cam Lâm… Thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng chủ rừng nhà nước là các ban quản lý rừng phòng hộ, Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà và 2 công ty lâm sản trên địa bàn tỉnh đã có hơn 11.627ha rừng trồng (phòng hộ, sản xuất) bị thiệt hại từ 50% trở lên. Riêng rừng trồng của chủ rừng cấp xã, của các tổ chức, cá nhân hiện chưa thống kê được nhưng khả năng diện tích thiệt hại rất lớn.
“Cơn bão số 12 đi qua đã để lại hậu quả nặng nề đối với diện tích rừng trên địa bàn tỉnh. Sau bão, tỷ lệ độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh suy giảm nghiêm trọng, chất lượng rừng bị ảnh hưởng nặng nề. Có lẽ phải mất một thời gian dài diện tích rừng Khánh Hòa mới có thể phục hồi được”, ông Khương nói.
BÍCH LA