Những năm qua, Khánh Hòa đã xây dựng các mô hình phòng, chống mại dâm dựa vào cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Những năm qua, Khánh Hòa đã xây dựng các mô hình phòng, chống mại dâm dựa vào cộng đồng hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Hiệu quả các mô hình
Trên địa bàn tỉnh đã triển khai 4 mô hình phòng, chống mại dâm dựa vào cộng đồng, gồm: trợ giúp vốn vay theo Nghị quyết số 25 ngày 15-12-2009 của HĐND tỉnh; chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng; can thiệp giảm hại và phòng, chống lây nhiễm HIV; can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Các mô hình đã tập trung vào công tác phòng ngừa, can thiệp giảm hại, hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi hành vi cho các đối tượng có nguy cơ cao và đối tượng bán dâm hoàn lương.
Đặc biệt, mô hình “Can thiệp giảm tác hại trong phòng, chống mại dâm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú” mới được Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh triển khai thí điểm năm 2016. Mô hình đã chú trọng đến công tác tư vấn và hỗ trợ các biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng ngừa mại dâm cho nhóm đối tượng là nhân viên nữ làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú.
Một trong những mô hình đang được triển khai có hiệu quả là Câu lạc bộ (CLB) Niềm tin - sản phẩm của mô hình “Chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng”. CLB Niềm tin được Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành lập từ năm 2012, tại 4 địa bàn: phường Phước Long, Vĩnh Hòa (TP. Nha Trang), thị trấn Diên Khánh và xã Diên Toàn (huyện Diên Khánh). Các CLB có nhiệm vụ cập nhật tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn, trao đổi thông tin về các đối tượng có nguy cơ cao, đưa ra giải pháp hỗ trợ đối tượng kịp thời.
Chị Nguyễn Thị Phương Anh - Chủ nhiệm CLB Niềm tin thị trấn Diên Khánh cho biết, thành viên CLB là các chi hội trưởng phụ nữ, tổ trưởng tổ dân phố. Họ thường tiếp cận với các chủ nhà trọ, nhà nghỉ, quán cà phê, karaoke và các đối tượng có nguy cơ cao để tuyên truyền phòng, chống mại dâm, đồng thời hỗ trợ các đối tượng mại dâm hoàn lương được vay vốn để làm ăn, từng bước hòa nhập với cộng đồng.
Chị Lại Thị Như Thơm - tổ dân phố Đông Môn 4, thị trấn Diên Khánh cho biết, CLB Niềm tin chính là điểm tựa tinh thần của chị thời gian qua. Không chỉ được các thành viên CLB chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, chị Thơm còn được hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng để làm ăn. Có vốn, chị Thơm đã mạnh dạn đầu tư sản xuất nem chả tại nhà. Hiện nay, không chỉ có thu nhập ổn định, chị còn tạo việc làm cho 7 lao động khác. “Trung bình, 1 ngày tôi kiếm từ 200.000 - 300.000 đồng từ việc gói nem chả tại nhà. Ngoài ra, tôi còn đi làm thuê được 7 triệu đồng/tháng. Nhờ có nguồn vốn vay đó, bây giờ gia đình tôi đã ổn định hơn so với trước”, chị Thơm chia sẻ.
Sẽ nhân rộng các mô hình
Ông Trần Quốc Thông - Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết: Sau một thời gian triển khai, các mô hình đã hỗ trợ kinh phí học nghề, chuyển đổi công việc cho 20 người bán dâm và người có nguy cơ với số tiền 23 triệu đồng; hỗ trợ khám sức khỏe các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho hơn 20 người. Bên cạnh đó, vận động tư vấn cho 50 người có hành vi bán dâm tham gia khám, chữa bệnh; tổ chức tuyên truyền và kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, can thiệp giảm hại cho hơn 200 lượt nữ nhân viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Đặc biệt, các mô hình đã hỗ trợ cho 22 người hoàn lương vay vốn với tổng số tiền là 406 triệu đồng. Những mô hình này bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực trong việc ngăn ngừa tái sa ngã trong nhóm người bán dâm, hỗ trợ chuyển đổi công việc, giúp họ tái hòa nhập cộng đồng bền vững.
Tuy nhiên, theo ông Thông, do mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm. Vì vậy, trong thời gian tới, cần phát huy hơn nữa hiệu quả của các mô hình thông qua việc nhân rộng ở các địa bàn phức tạp, các địa bàn có nguy cơ cao để giúp cho công tác phòng, chống mại dâm dựa vào cộng đồng đạt kết quả cao hơn.
“Mục tiêu công tác phòng, chống mại dâm trong thời gian tới sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền phòng ngừa, tăng cường các biện pháp can thiệp giảm hại, hỗ trợ sinh kế cho người bán dâm thay đổi hành vi. Vì thế, việc duy trì và phát triển những mô hình phòng, chống mại dâm dựa vào cộng động chính là giải pháp phù hợp. Không chỉ phát huy vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành, các mô hình còn góp phần giảm thiểu tác hại của mại dâm đối với cộng đồng, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội tại các địa phương trên địa bàn tỉnh”, ông Thông nói.
Lan Phương