11:11, 02/11/2017

Các tuyến quốc lộ: Còn nhiều điểm có nguy cơ sạt lở

Tuy đã vào mùa mưa nhưng hiện nay trên các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở chưa thể khắc phục triệt để.

 

Tuy đã vào mùa mưa nhưng hiện nay trên các tuyến quốc lộ (QL) qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn còn hàng chục điểm có nguy cơ sạt lở chưa thể khắc phục triệt để.


Chậm khắc phục


Ông Tạ Thanh Tình - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.3 cho biết, mùa mưa năm trước diễn biến phức tạp, các tuyến QL do đơn vị quản lý xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng; tập trung trên QL1 và QL27C (đường Nha Trang - Đà Lạt). Sau gần 1 năm triển khai khắc phục, đến thời điểm này, nhiều điểm sạt lở đã cơ bản được giải quyết, bảo đảm giao thông cho các phương tiện lưu thông an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm chưa thể xử lý triệt để vì những lý do khác nhau.

 

Theo thống kê, mùa mưa lũ năm 2016 đã gây ra 27 điểm bị sụt trượt, làm ách tắc giao thông trên các tuyến QL. Trong đó, riêng tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt xuất hiện 21 điểm sụt trượt, trong đó có 10 điểm đặc biệt nghiêm trọng, số còn lại khối lượng sạt lở không lớn; QL1 có 5 điểm (2 điểm trên đèo Cả và đèo Cổ Mã) và 1 điểm trên tuyến QL26B.


Hơn 1 tháng nay, trên tuyến QL1, đơn vị thi công bắt đầu triển khai khắc phục những điểm sạt lở, sụt lún do mưa lũ năm 2016 gây ra. Theo ghi nhận của chúng tôi, trên tuyến này còn khá nhiều điểm hư hỏng đang được nhà thầu triển khai thi công, khối lượng đã làm chỉ khoảng hơn 40%. Đại diện Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, phải đến cuối năm nay việc khắc phục sửa chữa các điểm hư hỏng mới hoàn tất.


Lý giải nguyên nhân chậm trễ trong việc khắc phục, ông Nguyễn Văn Hưởng - Phó Giám đốc điều hành dự án QL1 qua địa bàn tỉnh cho biết, những điểm hư hỏng trên tuyến là do mưa lũ gây ra, không thuộc gói bảo dưỡng bảo trì nên kinh phí phê duyệt phải do Chính phủ quyết định. Sau khi có chủ trương của cấp trên, Ban Quản lý dự án 7 mới lập dự án và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, hồ sơ thiết kế bản vẽ. Vì vậy, việc khắc phục sửa chữa có phần chậm trễ.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến đầu tháng 10, đơn vị này mới phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công để các nhà thầu triển khai. Ngoài ra, do tính cấp bách, bảo đảm giao thông thông suốt, Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý đầu tư kiên cố mái taluy chống sụt trượt tại 11 vị trí trên tuyến đường Nha Trang - Đà Lạt. Đến nay, đơn vị thi công mới chỉ làm được 3 điểm, số còn lại do vướng mặt bằng. Đối với các điểm ngoài dự án được phê duyệt trên tuyến đường này do phát sinh khối lượng không lớn nên Chi cục Quản lý đường bộ III.3 đã yêu cầu các đơn vị bảo trì theo dõi thường xuyên để khắc phục khi có tình huống xảy ra.


Như vậy, trong tổng số 27 điểm sụt trượt trên các tuyến QL, các đơn vị thi công mới khắc phục dứt điểm được 15 điểm.

 

Điểm sụt trượt đất đá tràn ra Quốc lộ 1 đoạn qua xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) năm 2016

Điểm sụt trượt đất đá tràn ra Quốc lộ 1 đoạn qua xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang) năm 2016

 

Còn nhiều điểm nguy cơ sụt trượt


Hiện nay, trên tuyến Nha Trang - Đà Lạt, Cục Quản lý đường bộ III đang phối hợp tích cực với địa phương và các bên liên quan để thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để triển khai làm 8 điểm còn lại đã được phê duyệt. Bên cạnh đó, ngoài những điểm các nhà thầu đang thi công, hiện có 2 khu vực trên QL1 khó có thể giải quyết tình trạng sụt trượt đất đá. Cụ thể, trên tuyến QL1 đi qua địa bàn xã Vĩnh Phương (TP. Nha Trang), tại vị trí thôn Đắc Lộc 1 và 2, nhiều năm nay vào mùa mưa lũ đều xảy ra tình trạng sụt lún, đất đá chảy tràn ra đường, gây ách tắc. Cứ sau mỗi trận mưa, đất đá theo luồng nước chảy thẳng ra QL1 gây mất an toàn giao thông. “Thực tế tại khu vực này trước đây dân cư thưa thớt, nước từ núi chảy xuống đường có rãnh dọc hở phân về các khu vực lân cận nên không bị ách tắc. Tuy nhiên, sau này, nhà dân xây dựng nhiều, nước chảy thành một luồng dội từ cao xuống với khối lượng lớn mang theo đất đá chảy tràn ra đường. QL1 được nâng cấp dù có thiết kế rãnh dọc hở nhưng cũng không thể tránh được tình trạng này. Đã có các đoàn của Bộ Giao thông vận tải, Tổng Cục đường bộ, Cục Quản lý đường bộ III đến khảo sát để tính toán khắc phục nhưng do vướng đất đai của người dân, giải tỏa khối lượng lớn nên đến nay tại khu vực này chưa khắc phục được triệt để. Hiện tại, chi cục chỉ có thể cắm biển cảnh báo khu vực thường xuyên sụt trượt”, ông Tình nói.


Bên cạnh đó, cũng tại xã Vĩnh Phương, đoạn từ km49 đến km52 cũng xảy ra tình trạng tương tự. Hiện tại các điểm này cũng chưa có hướng khắc phục triệt để, mùa mưa các đơn vị thi công phải túc trực để hốt dọn đất đá tràn ra đường, bảo đảm giao thông.


Theo ông Tình, khó khăn lớn nhất trong quá trình khắc phục là kinh phí còn eo hẹp, trong khi công tác phối hợp giữa các nhà thầu bảo trì với địa phương chưa thực sự chặt chẽ. Bước vào mùa mưa lũ, với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước tại các tuyến QL, chi cục đang nỗ lực đốc thúc các đơn vị thi công sớm hoàn thành những khối lượng sửa chữa còn lại; đồng thời, lên phương án sẵn sàng nhân lực và máy móc giải quyết các tình huống xảy ra, với quyết tâm cao nhất là bảo đảm giao thông thông suốt.


MẠNH HÙNG