Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh Khánh Hòa có số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ở mức cao, nợ kéo dài và có hiện tượng chây ì. Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh đang triển khai hàng loạt biện pháp, kiên quyết thu hồi nợ đọng, xử lý các DN vi phạm.
Thời gian qua, nhiều đơn vị, doanh nghiệp (DN) trong tỉnh Khánh Hòa có số nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ở mức cao, nợ kéo dài và có hiện tượng chây ì. Trước thực trạng đó, BHXH tỉnh đang triển khai hàng loạt biện pháp, kiên quyết thu hồi nợ đọng, xử lý các DN vi phạm.
Nhiều đơn vị nợ kéo dài
Tính đến đầu tháng 10, BHXH tỉnh đã thu gần 2.033,7 tỷ đồng, đạt 75,30% kế hoạch. Song, toàn tỉnh vẫn còn hơn 1.000 đơn vị nợ bảo hiểm với tổng số tiền hơn 164 tỷ đồng. Nếu như tháng 6-2015, nợ bảo hiểm chỉ khoảng 80 tỷ đồng thì đến các năm 2016, 2017 số nợ đã tăng gấp đôi. Trong số đó, số DN nợ kéo dài với số tiền lớn tiếp tục tăng.
Ông Lê Hùng Chính - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: “Một số đơn vị có số nợ lớn, tiếp tục nợ, thiếu phối hợp với cơ quan BHXH để trả nợ. BHXH đã làm công văn nhắc nhở nhưng họ không trả lời. Trong số những đơn vị nợ nhiều và thiếu hợp tác phải kể đến như: Công ty Cổ phần Vinalines Nha Trang, Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 505, Công ty Cổ phần Sông Đà Nha Trang, Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Nha Trang, Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh…”.
Theo ông Chính, khi đôn đốc các đơn vị trả nợ, họ đều đưa ra lý do là suy thoái kinh tế, nguồn đầu tư sụt giảm, sản xuất đình trệ… để giải thích cho việc nợ bảo hiểm kéo dài. Vậy nhưng, thực tế không hẳn như vậy, nhiều DN ăn nên làm ra, có điều kiện thanh toán BHXH nhưng họ vẫn cố tình chây ì. Thậm chí còn có tình trạng đơn vị sử dụng lao động lập 2 bảng lương, một bảng lương có hệ số lương cao để trả lương thực tế, một bảng lương có hệ số lương thấp để làm cơ sở đóng BHXH, mục đích để giảm số tiền BHXH phải đóng. “Rất nhiều đơn vị chấp nhận chịu xử phạt hơn là phải nộp BHXH. Khi cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra, DN nợ BHXH đối phó bằng cách trả nợ nhỏ giọt rồi lại tiếp tục nợ. Bên cạnh đó, do mức lãi suất chậm đóng thấp, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe”, ông Chính cho biết.
Áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi nợ
Để thu hồi nợ đọng, thời gian qua, BHXH tỉnh vừa tuyên truyền vận động, đồng thời có biện pháp xử lý các đơn vị chây ì như: lập biên bản, đối thoại, đôn đốc, nhắc nhở, tính lãi suất tiền chậm nộp; phối hợp liên ngành trong hoạt động thanh, kiểm tra, đăng công khai danh sách các đơn vị nợ đọng BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với đơn vị sử dụng lao động nợ BHXH từ 6 tháng trở lên, đề nghị lực lượng thanh tra thực hiện thanh, kiểm tra chuyên ngành. Hàng tháng, đơn vị báo cáo tình hình nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), lập danh sách các đơn vị nợ, đề nghị tỉnh chỉ đạo đôn đốc các đơn vị trực thuộc nộp bảo hiểm.
Ông Dương Văn Hào - Giám đốc BHXH tỉnh cho hay, thời gian qua, BHXH tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị đối thoại DN với hơn 750 đơn vị sử dụng lao động tham gia; 1 hội nghị tuyên truyền đối thoại với hơn 400 đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT. Đồng thời, BHXH tỉnh cũng phối hợp với công đoàn các khu công nghiệp tổ chức đối thoại với 150 DN nhằm tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT cũng như thông tin về những thủ tục hành chính được cải cách, tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động, người lao động khi tham gia BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh phân loại các đơn vị nợ bảo hiểm, lập danh sách gửi và đề nghị các sở, ngành, các ban đảng, đảng ủy khối, huyện ủy và UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo, đôn đốc các DN thực hiện nộp bảo hiểm.
Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến cuối tháng 9-2017, chỉ tính riêng những đơn vị nợ bảo hiểm từ 6 tháng trở lên đã có 272 đơn vị, với số nợ hơn 67 tỷ đồng. Đáng lưu ý, khối cơ quan hành chính - sự nghiệp cũng có đến 56 đơn vị nợ bảo hiểm với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 4 DN nhà nước nợ 6,6 tỷ đồng. |
Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có nhiều hoạt động để giải quyết tình trạng nợ bảo hiểm. Sở đã chủ trì thực hiện thanh tra đột xuất thu hồi nợ ở 50 đơn vị và mời các đơn vị nợ bảo hiểm lên làm việc. Mới đây, UBND tỉnh cũng có công văn chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện một số giải pháp nhằm khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH kéo dài trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các đơn vị chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất việc thực hiện thu nợ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp tại các DN từ nay đến cuối năm 2017. Đồng thời, kiên quyết lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định và tham mưu người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nợ đọng bảo hiểm; Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quy định buộc trích nộp tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền bảo hiểm chưa đóng, chậm đóng và lãi phát sinh. Trong trường hợp DN cố tình không thực hiện, kể từ ngày 1-1-2018, cơ quan BHXH lập hồ sơ nợ đọng kéo dài, chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định. Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án tỉnh trong phạm vi lĩnh vực phụ trách có trách nhiệm tiếp nhận và thụ lý hồ sơ thủ tục do BHXH tỉnh chuyển tới cơ quan điều tra theo quy định.
Ông Lê Hùng Chính cho biết: “Ngành BHXH tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác thu nợ; trực tiếp đến các đơn vị nợ từ 1 tháng trở lên để đôn đốc thu; tổ chức thực hiện tốt những nội dung đã ký kết giữa BHXH tỉnh và Cục Thuế tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Bộ đội Biên phòng, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, nhằm tăng cường hiệu quả công tác thu, thu nợ. Đồng thời, BHXH cũng phối hợp với các ngân hàng thực hiện việc trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để đóng số tiền nợ bảo hiểm theo hợp đồng ký kết giữa BHXH và các ngân hàng”.
Đình Lâm