Tọa lạc trên khu đất rộng 113ha ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), Cơ sở Suối Dầu (thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế) không chỉ cung cấp nguyên liệu để sản xuất các loại huyết thanh thô mà còn nuôi tạo giống các loại động vật thí nghiệm...
Tọa lạc trên khu đất rộng 113ha ở xã Suối Tân, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), Cơ sở Suối Dầu (thuộc Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế) không chỉ cung cấp nguyên liệu để sản xuất các loại huyết thanh thô mà còn nuôi tạo giống các loại động vật thí nghiệm, cung cấp cho sản xuất các loại vắc xin và sinh phẩm y tế phục vụ sức khỏe nhân dân.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng Cơ sở Suối Dầu cho biết, hiện nay, cơ sở nuôi 5 loại động vật gồm: ngựa, thỏ, chuột lang, chuột nhắt và gà. Nhiệm vụ chính của cơ sở là chăn nuôi ngựa, cung cấp nguyên liệu cho việc sản xuất các loại huyết thanh tinh chế: SAT (huyết thanh kháng độc tố uốn ván), SAV (huyết thanh kháng nọc rắn), SAR (huyết thanh kháng dại); nuôi tạo giống và cung cấp động vật thí nghiệm (thỏ, chuột nhắt, chuột lang). Đồng thời, nuôi gà lấy trứng sạch cung cấp cho Phòng Sản xuất vắc xin cúm; sản xuất thức ăn tổng hợp cung cấp cho viện và các đơn vị khác. Do đặc tính chuyên biệt của một cơ sở phục vụ nghiên cứu y khoa nên công tác quản lý rất nghiêm ngặt.
Đưa chúng tôi tham quan những dãy chuồng ngựa bên thảm cỏ xanh mướt, ông Lê Bá Bút - Phó Cơ sở Suối Dầu chia sẻ, đàn ngựa ở đây được chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt của hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015. Chúng được tuyển chọn rất kỹ, phải đủ chuẩn từ 4 đến 6 tuổi, trọng lượng 230kg trở lên và được khám sàng lọc sức khỏe, đảm bảo không bị dị tật bẩm sinh, không mắc bệnh… Những chú ngựa sau khi nuôi phát triển đạt chuẩn sẽ được đưa ra khu nuôi cách ly 6 tháng với đàn ngựa chính trong cơ sở. Các bác sĩ thú y sẽ lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, chỉ định chế độ dinh dưỡng, đóng mã số cập nhật vào hồ sơ để quản lý, khai thác huyết thanh.
Với 400 con ngựa, hàng năm, cơ sở cung cấp từ 15.000 đến 16.000 lít huyết thanh thô các loại, luôn đạt và vượt kế hoạch được giao. Hiện nay, một số sản phẩm huyết thanh chiếm lĩnh tốt thị trường trong nước như: SAT khoảng 90% thị phần, SAV sử dụng trên toàn quốc, SAR cung cấp khoảng 80 - 90% thị phần trong nước.
Tiến sĩ Lê Văn Bé - Viện trưởng Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế: Những năm qua, Cơ sở Suối Dầu luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, trở thành nơi cung cấp hậu cần tin cậy cho Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế. Cơ sở đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc nhiều năm liền, được nhiều cấp khen thưởng như: bằng khen của Bộ Y tế năm 2006, năm 2012 và 2015. Năm 2016, thạc sĩ Nguyễn Văn Minh được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; cơ sở và 13 cá nhân được Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế khen thưởng. |
Đáng chú ý, Cơ sở Suối Dầu còn là nơi cung cấp động vật thí nghiệm lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hàng năm, cơ sở cung cấp cho các cơ sở sản xuất vắc xin, các phòng thí nghiệm trong cả nước khoảng 45.000 - 50.000 con chuột nhắt giống Swiss, 1.500 - 2.000 con thỏ giống Newzealand, 5.500 - 6.000 chuột lang có nguồn gốc từ Pháp. Bên cạnh đó, hiện nay, cơ sở còn nuôi 14.000 con gà đẻ trứng có phôi đạt tiêu chuẩn trứng sạch để sản xuất các loại vắc xin như: cúm nguy cơ đại dịch A/H5N1, A/H1N1, A/H7N9, cúm mùa 3 chủng. Quy trình thử nghiệm, sản xuất vắc xin cúm dùng cho người theo phương pháp nuôi cấy trên trứng gà có phôi với ưu điểm nổi bật, được WHO khuyến cáo áp dụng, chi phí thấp, giá thành rẻ…
Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh chia sẻ, hoạt động của cơ sở là một dây chuyền khép kín từ cánh đồng cỏ, mía, bãi chăn thả đến chuồng trại, nhà chế biến thức ăn cho súc vật và xưởng sản xuất phân hữu cơ vi sinh. Với cánh đồng cỏ rộng hơn 30ha, bình quân mỗi ngày, cơ sở tự cung cấp hơn 5 tấn cỏ. Bên cạnh đó, hàng năm, cơ sở cung cấp khoảng 60 - 70 tấn thức ăn tổng hợp (chế biến thành viên từ lúa, bắp, đậu) cho thỏ, chuột.
Trong số 70 cán bộ, công nhân viên của cơ sở, nhiều người đã có thời gian dài gắn bó với việc chăn nuôi súc vật. Bà Thái Thị Minh Thủy - người có hơn 20 năm làm việc ở khu nuôi chuột nhắt chia sẻ: “Chuột nhắt dễ thương và rất nhạy cảm. Ngày nào không nhìn thấy chúng là tôi thấy nhớ. Vui nhất là khi tách được những con chuột đẹp, khỏe, phục vụ cho các hoạt động nghiên cứu của viện”.
NGUYỄN KIM