Thời gian qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông giúp người dân nâng cao nhận thức về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh.
Thời gian qua, Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông giúp người dân nâng cao nhận thức về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Nhờ vậy, đến nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm.
Năm 2016, ở Diên Khánh, cứ 1.000 bé gái được sinh ra thì tương ứng có 1.136 bé trai được sinh ra. Ông Đỗ Trọng Cư - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện cho biết, trước thực trạng đó, trung tâm đã nỗ lực triển khai đồng bộ các hoạt động truyền thông về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện. Trung tâm đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến các vùng đông dân cư, các xã có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao như: Diên Hòa, Diên Sơn, Diên Đồng…. Đồng thời phối hợp với Hội Phụ nữ, Trung tâm học tập cộng đồng, Đoàn Thanh niên tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, hội viên, các bậc phụ huynh. Nhờ đó, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở các xã có tỷ lệ cao hiện nay đã có chiều hướng giảm.
Điển hình là xã Diên Hòa. Năm 2015, tổng số trẻ sinh ra trên địa bàn xã là 49 trẻ, trong đó có 26 bé trai, 23 bé gái. Năm 2016, con số này là 29 bé trai/20 bé gái. Ban dân số xã đã báo cáo thực trạng này tại các cuộc họp giao ban và thực hiện phân loại đối tượng, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể để truyền thông, chủ động đến thăm hộ gia đình để trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đặc biệt là các gia đình sinh con một bề gái và gia đình khá giả đã đủ 2 con nhưng có ý định sinh tiếp. Bên cạnh đó, ban còn tham mưu chính quyền xã đưa các chỉ tiêu dân số lồng ghép vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng thôn tổ văn hóa, gia đình văn hóa. Ngoài ra, xã còn tập trung đẩy mạnh truyền thông trực quang bằng việc xây dựng panô, áp phích tuyên truyền, phát tờ rơi đến tận tay người dân...
Chị Nguyễn Thị Nguyệt Thu - Trưởng Trạm Y tế xã Diên Hòa cho biết, trạm đã phối hợp với Ban dân số xã thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông cho người dân vào các buổi tiêm ngừa định kỳ cho trẻ; tư vấn trực tiếp vào dịp khám phụ khoa, khám bệnh, khám thai về việc nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh, truyền tải thông điệp sinh đủ 2 con là đủ để nuôi dạy cho tốt... Từ đó, người dân đã nhận thức được về vai trò của trẻ em gái, thay đổi hành vi. 6 tháng đầu năm 2017, số bé trai và bé gái sinh ra gần bằng nhau với 12 bé trai/11 bé gái…
Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở cơ sở nên đến nay, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh toàn huyện có chiều hướng giảm, 6 tháng đầu năm 2017 giảm còn 106%. Đây là dấu hiệu tích cực bước đầu. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Trọng Cư, mức giảm này vẫn chưa ổn định. Qua tuyên truyền, hầu hết người dân đều hiểu rõ những hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, song để hoàn toàn thay đổi quan niệm phải có con trai để nối dõi của một bộ phận người dân là không dễ dàng. Trong khi đó, việc kiểm soát can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh gặp rất nhiều khó khăn, chưa có chế tài xử lý tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Vì vậy, thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục duy trì, mở rộng các biện pháp, hoạt động đã triển khai; đồng thời tiếp tục đề nghị các cấp chính quyền phối hợp với ban, ngành, đoàn thể chung tay vào cuộc, có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em gái và các gia đình sinh con một bề gái dừng sinh ở 2 con để duy trì ổn định tỷ lệ giới tính khi sinh một cách bền vững. Bên cạnh đó, triển khai các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số như: sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… để từ đó nâng cao chất lượng sống cho người dân, nâng cao chất lượng dân số.
M.T