Vụ nổ đạn pháo khiến 6 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng tại thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn ngày 18-8 cho thấy nhận thức của người dân về hiểm họa từ các loại vũ khí, vật liệu nổ còn rất hạn chế.
Vụ nổ đạn pháo khiến 6 người thiệt mạng và 1 người bị thương nặng tại thôn Tà Lương, thị trấn Tô Hạp, huyện Khánh Sơn ngày 18-8 cho thấy nhận thức của người dân về hiểm họa từ các loại vũ khí, vật liệu nổ còn rất hạn chế. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng huyện Khánh Sơn đang đẩy mạnh công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ.
Trong kháng chiến, Khánh Sơn là căn cứ địa cách mạng của tỉnh nên lượng bom, đạn còn sót lại đến ngày nay rất nhiều. Trong quá trình làm nương rẫy, người dân ở đây cũng thường xuyên phát hiện các loại vũ khí, vật liệu nổ. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, hoặc chỉ vì muốn kiếm thêm chút thu nhập, nhiều người liều lĩnh cất giấu để cưa lấy sắt và thuốc nổ chế tạo công cụ sản xuất hoặc mang đi bán lấy tiền. Đó chính là yếu tố khiến công tác thu hồi vũ khí, vật liệu nổ của lực lượng công an gặp nhiều khó khăn. Trung tá Vũ Thanh Tòng - Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính, Công an huyện Khánh Sơn cho biết: “Trong quá trình đi thu gom, chúng tôi phát hiện có trường hợp người dân mang quả đạn cối 105 ly về nhà cất giữ đã 3 năm nay. Sau khi xảy ra vụ nổ ở thị trấn Tô Hạp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, người dân mới cảnh tỉnh, thông báo cho cơ quan công an đến thu gom”.
Để ngăn chặn và giảm thiểu những vụ tai nạn đáng tiếc tương tự có thể xảy ra, lực lượng công an đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các biện pháp, đẩy mạnh thu gom vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trong đó tuyên truyền, vận động là giải pháp trọng tâm. Với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, những ngày qua, các chiến sĩ Công an huyện Khánh Sơn đã tích cực đến từng địa bàn để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân. “Chúng tôi tuyên truyền về những tác hại của việc tự ý sử dụng vũ khí, những bài học đau lòng từ việc cưa bom, đạn. Đồng thời giải thích cho người dân hiểu những việc làm trên là vi phạm pháp luật, vận động người dân chủ động giao nộp các vũ khí, vật liệu nổ mà mình phát hiện được”, Trung tá Vũ Thanh Tòng cho biết.
Với giải pháp cụ thể, quyết liệt đó, chỉ trong một thời gian ngắn, nhận thức của người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ rệt. Số lượng người dân đến cơ quan chức năng trình báo, giao nộp vũ khí, vật liệu nổ ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng 10 ngày sau vụ nổ, lực lượng công an phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự huyện Khánh Sơn thu hồi được hơn 20 quả đạn các loại cùng nhiều vũ khí khác. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu. Vì số lượng bom đạn còn sót lại trên rừng núi Khánh Sơn còn rất nhiều nên việc tuyên truyền, vận động cần được chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng tiến hành thường xuyên, liên tục để nơi đây không còn những cái chết thương tâm do bom đạn gây ra ngay giữa thời bình.
LAN PHƯƠNG