Vào giờ cao điểm sáng và chiều, khu vực Thành cổ Diên Khánh, đặc biệt tại cửa Đông thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Huyện Diên Khánh đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Vào giờ cao điểm sáng và chiều, khu vực Thành cổ Diên Khánh, đặc biệt tại cửa Đông thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ. Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) đã đưa ra nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Ùn tắc giờ cao điểm
Trong khu vực Thành cổ Diên Khánh tập trung nhiều trường học (Mầm non Hoa Phượng, Tiểu học Thị trấn Diên Khánh 1, THCS Phan Chu Trinh) và các cơ quan hành chính của huyện. Do đó, vào giờ cao điểm buổi sáng và cuối buổi chiều thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ, trong đó cửa Đông là điểm nóng. Bà Đặng Thị Mai (người dân thị trấn Diên Khánh) cho biết, bà thường đưa con đi học tại Trường THCS Phan Chu Trinh nên hay bị kẹt xe ở cửa Đông. “Tuy đã có đèn giao thông nhưng bên nào cũng muốn đi, không chịu chấp hành đèn tín hiệu, trong khi cửa hẹp, đường nhỏ nên thường xuyên bị kẹt xe. Đặc biệt, khi có một vài xe ô tô đi qua khu vực này thì kẹt xe còn trầm trọng hơn. Có vài lần con tôi bị muộn học cũng vì kẹt xe”, bà Mai nói.
Theo các hộ sống ở gần cửa Đông, khi có lực lượng cảnh sát giao thông hoặc đoàn thanh niên đứng chốt chặn thì tình trạng ùn tắc giao thông có giảm. Tuy nhiên, khi không có lực lượng này thì người tham gia giao thông hai bên cứ mạnh ai nấy đi dẫn đến ùn tắc. “Tuy có cửa Tiền và cửa Tây đều vào ra khu vực Thành cổ, nhưng người dân ít đi các cửa này vì đường vòng xa và cũng do thói quen”, ông Ngô Văn Lực (người dân sống gần cửa Đông) cho biết.
Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực Thành cổ, UBND huyện Diên Khánh đã đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trong khu vực tan học lệch giờ vào buổi chiều. Tuy nhiên, dù giờ tan học giữa các trường được điều chỉnh nhưng tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm vẫn không có chuyển biến đáng kể. Ngoài ra, trước cửa Tiền giao với Tỉnh lộ 2 còn có một điểm chợ tự phát cũng tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông.
Phân luồng giao thông
Ông Phan Văn Tùng - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Diên Khánh cho biết, đối với chợ tự phát, vừa qua, phòng phối hợp với UBND thị trấn Diên Khánh, cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông giải quyết dứt điểm, không cho buôn bán nên không còn ách tắc giao thông ở khu vực cửa Tiền. Phòng cũng đã tham mưu UBND huyện kế hoạch phân luồng giao thông từ xa để chống ùn tắc trong khu vực Thành cổ và tại cửa Đông.
Cụ thể, đối với hướng giao thông từ cánh tây vào Thành cổ sẽ phân luồng bằng biển báo để những người không cần thiết vào Thành cổ sẽ đi theo hướng Tỉnh lộ 2 ra đường Nguyễn Trãi dẫn ra Quốc lộ 1; đối với người dân đưa con đi học vào trong khu vực Thành cổ thì sẽ đi hướng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm qua cửa Tiền ra trước UBND xã Diên Thạnh. Cán bộ, công nhân viên chức của các cơ quan hành chính trong khu vực Thành cổ sẽ đi theo hướng đường Hai Bà Trưng (trước Tòa án nhân dân huyện), qua cửa Tiền về đường Lý Thánh Tôn. Trên cơ sở phương án phân luồng như trên, huyện sẽ tiến hành cắm biển báo cấm ô tô đi vào Thành cổ theo giờ từ đoạn giao nhau đường Nguyễn Trãi và Tỉnh lộ 2; tại đường Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng cắm biển báo cấm ô tô, xe máy đi về hướng cửa Đông trong các khung giờ nhất định. Đối với phương tiện giao thông từ hướng Đông vào Thành cổ sẽ phân luồng đi theo đường Trần Quý Cáp ra Quốc lộ 1 về Tỉnh lộ 2, phụ huynh đón con trong khu vực Thành cổ sẽ đi đường Nguyễn Bỉnh Khiêm qua cửa Tiền, không được quay lại cửa Đông để tránh ách tắc. Luồng giao thông tại cửa Đông sẽ ưu tiên cho xe máy và người đưa đón học sinh và cấm tất cả xe ô tô trong giờ cao điểm.
Về chế độ đèn giao thông tại cửa Đông, trong thời gian cấm lưu thông theo chiều từ hướng tây qua, đèn sẽ bật chế độ đèn cảnh báo thay vì để chế độ đèn xanh, đỏ như hiện nay. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông và đoàn thanh niên sẽ đứng chốt hướng dẫn người dân trong 2 tháng đầu triển khai phương án phân luồng giao thông. Bên cạnh đó, huyện sẽ đầu tư mở rộng các tuyến đường: Hai Bà Trưng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lý Thánh Tôn để đáp ứng lượng phương tiện giao thông đông hơn khi phân luồng giao thông. Các tuyến đường sẽ được mở rộng thành 5,5m, mặt đường bê tông nhựa, xử lý các điểm kết cấu hạ tầng gây mất an toàn giao thông. Tổng kinh phí đầu tư mở rộng các tuyến đường này khoảng 2 tỷ đồng.
“Phương án phân luồng giao thông đã được UBND huyện thống nhất. Ban đầu, huyện có kế hoạch triển khai phân luồng giao thông trước năm học mới. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng giao thông trong khu vực Thành cổ chưa đáp ứng được yêu cầu nên từ nay đến tháng 10, phòng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan làm công tác chuẩn bị như: cắm biển báo, làm đèn tín hiệu, sửa và nâng cấp đường… Đầu tháng 11 sẽ bắt đầu triển khai phương án phân luồng giao thông để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trong khu vực Thành cổ”, ông Tùng cho biết.
MAI HOÀNG