07:06, 29/06/2017

Người có "duyên" với hội phụ huynh

Đó là ông Trương Phú ở thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Ông đã tham gia Hội Cha mẹ học sinh nhiều năm liền, được các thầy cô giáo, phụ huynh và nhiều thế hệ học sinh yêu mến.

 

Đó là ông Trương Phú ở thôn Phước Tuy, xã Diên Phước, huyện Diên Khánh (Khánh Hòa). Ông đã tham gia Hội Cha mẹ học sinh nhiều năm liền, được các thầy cô giáo, phụ huynh và nhiều thế hệ học sinh yêu mến.


Ông Phú năm nay đã 75 tuổi, nhưng vẫn xông xáo, nhiệt huyết, gần gũi và sôi nổi. Thời trẻ, ông làm công tác phong trào, tham gia nhiệt tình vào các hoạt động của địa phương; sáng tác, đàn hát, dàn dựng tiết mục chương trình văn nghệ cho thanh niên, học sinh các trường học… nên ông có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều thầy cô giáo của các trường học trên địa bàn huyện Diên Khánh. Vì thế, ngay từ khi con ông học mẫu giáo, mọi người liền tín nhiệm mời ông tham gia Hội Cha mẹ học sinh. Suốt các năm con học phổ thông, ông cứ “mặc nhiên” được bầu làm công việc này; từ Hội Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Diên Phước, Trường THCS Nguyễn Huệ, rồi đến Trường THPT Nguyễn Thái Học của huyện Diên Khánh. Ông lăn lộn với công việc bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm và sự công tâm nên khi các con ông đi học đại học, rồi tốt nghiệp, ông vẫn cứ được mọi người tín nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Cha mẹ học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học.

 

Ông Trương Phú bên công trình Hội Cha mẹ học sinh  tặng Trường THPT Nguyễn Thái Học

Ông Trương Phú bên công trình Hội Cha mẹ học sinh tặng Trường THPT Nguyễn Thái Học


Mọi người bảo ông có “duyên” với công việc này. Ông cười nói: “Lúc đầu, tôi làm vì chuyện học hành của con cái, nhưng sau thấy thương các thầy cô giáo vất vả nên muốn chia sẻ. Mình phải là cầu nối giữa nhà trường với gia đình để hỗ trợ giáo dục các cháu”. Ông kể, khi ông tham gia Hội Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Diên Phước, có trường hợp một học sinh lớp 5 có mẹ qua đời vì bệnh. Cậu bé bỏ học, trốn nhà đi bởi bố cứ uống rượu là đánh. Sắp thi hết cấp, nhà trường nhờ ông tìm cậu bé về thi. Ông hỏi thăm, lặn lội vào tận căn chòi lưng núi Sạn, xã Diên Lộc, nơi cậu bé đang chăn trâu thuê. Ông thuyết phục, rồi bảo lãnh, dẫn cậu bé về nhà chăm sóc ít ngày cho học ôn thi. Cậu bé đó bây giờ đã có nghề trung cấp cơ khí, cuộc sống ổn định. Còn rất nhiều trường hợp như thế đều được ông nhiệt tình giải quyết. Trong mỗi trường hợp, ông đều tìm hiểu kỹ càng, đề xuất cách giải quyết phù hợp, nhân văn nên luôn đạt hiệu quả cao.


Năm 2006, ông được trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Hiếm có ai “ngoại đạo” ở vùng quê này lại có vinh dự như thế. Ông nói, tôi làm không phải muốn khen thưởng, nhưng tôi vui vì được mọi người yêu mến. Niềm tin của nhà trường, các vị phụ huynh và học trò dành cho ông là bởi cứ có gì khó khăn là lại nhờ đến “bác Ba”. Ông thấy làm được mới hứa, đã hứa là giải quyết nhanh gọn, hiệu quả, có lý có tình.


Ông Phan Lèo - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Học cho biết: “Bác Ba Phú là một trong những cán bộ hội đã gắn bó mật thiết với chúng tôi và hỗ trợ cho nhà trường rất nhiều việc bằng sự nhiệt tình, trách nhiệm và công tâm. Những người làm hội phụ huynh như vậy không nhiều”.


V.X.Q