Sinh vật ngoại lai đang làm mất cân bằng sinh thái, tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe của con người. Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường xác định, năm 2017 cần đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để mọi người có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường chung và đa dạng sinh học.
Sinh vật ngoại lai đang làm mất cân bằng sinh thái, tác động tiêu cực tới môi trường và sức khỏe của con người. Chính vì vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) xác định, năm 2017 cần đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này để mọi người có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường chung và đa dạng sinh học.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện khoảng 14 loài sinh vật ngoại lai. Trong đó, có 10 loài thuộc nhóm thực vật và 4 loài thuộc nhóm động vật. So với cả nước, đây chưa phải là số lượng lớn, song với tốc độ tăng trưởng nhanh của các sinh vật ngoại lai, nguy cơ về mất cân bằng sinh thái và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sẽ xảy ra trong thời gian không xa. Sinh vật ngoại lai được nhập vào địa bàn tỉnh bằng nhiều con đường, để phục vụ cho các mục đích khác nhau như: làm sinh vật cảnh, hoa cảnh, hay mục đích kinh tế (ốc bươu vàng, rùa tai đỏ…). Cũng có loài không ai nhập nhưng tự theo con đường nước, gió cuốn đến (cây mai dương, lục bình...). Các loài sinh vật ngoại lai thường có sức sống mạnh, phát tán rộng, phát triển nhanh và luôn cạnh tranh dinh dưỡng, ánh sáng, lấn át cây trồng, thực vật bản địa có ích. Điển hình như cây mai dương, mặc dù là cây du nhập, nhưng thời gian gần đây nó xuất hiện nhiều nơi, địa bàn phân bố rộng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Nguy hiểm hơn, khi mai dương phát triển thành bụi rậm, không có loài cây cỏ nào có thể mọc chen vào được. Loài sinh vật ngoại lai này cực kỳ khó tiêu diệt, lông, gai lại có độc gây ngứa, đau nhức, có tốc độ phát tán, lây lan rất nhanh.
Còn đối với các loài chim, cá, động vật ngoại lai cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xâm hại, lấn át các loài bản địa có ích. Trong số đó, không ít loài sinh vật ngoại lai đã gây hại lớn cho sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái. Ốc bươu vàng là một ví dụ điển hình. Được nhập khẩu vào nước ta khoảng 10 năm trước, loài ốc này đã nhanh chóng lan từ miền Nam ra miền Bắc, phá hại nghiêm trọng sản xuất của các địa phương. Ốc bươu vàng đã làm thay đổi lưới thức ăn trong hệ sinh thái và có nguy cơ lai giống với nhiều loài ốc bản địa, dẫn đến suy giảm nguồn gen và đe dọa đến an ninh lương thực quốc gia. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã từng bị ốc bươu vàng phá lúa và hoa màu.
Đa dạng các loại hình truyền thông
Trước nguy cơ sinh vật ngoại lai gây ảnh hưởng cho môi trường, Sở TN-MT vừa trình UBND tỉnh kế hoạch truyền thông, tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về tác hại của các loài ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại. Sở TN-MT xác định, mỗi loại hình truyền thông đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, vì vậy hoạt động truyền thông cần sử dụng phối hợp nhiều loại hình khác nhau, chú trọng phương pháp truyền thông trực tiếp tại cộng đồng theo các nhóm đối tượng. Trong đó, trực tiếp tư vấn, vận động và hỗ trợ người dân thay đổi các hành vi liên quan đến du nhập các loài sinh vật ngoại lai vào địa bàn tỉnh; biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa sự phát triển của các loài ngoại lai xâm hại là trong những loại hình được ưu tiên. Đối với truyền thông đại chúng, tập trung vào phổ biến chính sách, nâng cao nhận thức, củng cố các thông điệp được chuyển tải qua hình thức truyền thông trực tiếp; giới thiệu các mô hình điểm, các tổ chức và cá nhân thực hiện tốt công tác ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại.
Ngoài ra, các cơ quan thuộc sở chú trọng truyền thông bằng tài liệu in ấn, nhằm nâng cao nhận thức một cách rộng rãi; tổ chức các hình thức truyền thông đại chúng như: lễ mít tinh, lễ phát động, lễ ra quân… nhằm tạo điểm nhấn và huy động sự tham gia của các ban, ngành, các lực lượng khác nhau và đông đảo cộng đồng.
Bà Đỗ Thị Hoàng Dung - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT cho biết: “Từ nay đến năm 2020, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức và ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại cho các cán bộ quản lý, cộng đồng dân cư sinh sống trong khu vực có mật độ phân bố sinh vật ngoại lai xâm hại và có nguy cơ xâm hại tương đối cao. Bên cạnh đó, tổ chức các mô hình tiêu diệt sinh vật ngoại lai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, với sự tham gia của các địa phương và nhiều ngành liên quan”.
Hạ Linh