10:05, 29/05/2017

Năm 2017 và 2018: Sửa chữa hơn 60 công trình bị hư hỏng do mưa lũ

Đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã gây sạt lở, hư hỏng hơn 200 công trình giao thông, thủy lợi… trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang cân đối nguồn ngân sách nhằm đầu tư sửa chữa các hạng mục này.

 

Đợt mưa lũ cuối năm 2016 đã gây sạt lở, hư hỏng hơn 200 công trình giao thông, thủy lợi… trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang cân đối nguồn ngân sách nhằm đầu tư sửa chữa các hạng mục này.


Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, ngay từ đầu năm 2017, sở đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương rà soát, kiểm tra thực tế các công trình giao thông, thủy lợi và một số công trình phục vụ dân sinh khác trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát, toàn tỉnh có hơn 200 công trình giao thông, thủy lợi và một số công trình dân sinh khác bị hư hỏng, xuống cấp do mưa lũ. Tổng số vốn đầu tư sửa chữa, khắc phục các công trình này hơn 586 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ hơn 373 tỷ đồng, ngân sách cấp tỉnh 99 tỷ đồng và cấp huyện 114 tỷ đồng.

 

Theo đó, nguồn ngân sách tỉnh ưu tiên bố trí các công trình cần sửa chữa, khắc phục do mưa lũ gây ra như: sạt lở bờ sông, bờ suối, sạt lở, hư hỏng đường giao thông trọng yếu… ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, nhà ở, đất sản xuất của người dân. Cụ thể, TP. Cam Ranh có nhu cầu tổng cộng 15,3 tỷ đồng thực hiện một số hạng mục như: kênh tiêu thoát lũ và chống ngập úng khu dân cư thôn Hòa Diêm, Hòa Sơn (xã Cam Thịnh Đông); sửa chữa mương thoát lũ tổ dân phố Hòa Phước (phường Cam Nghĩa) và hàng chục công trình kè cản lũ, kè đường giao thông, cầu cống… bị hư hỏng, xói lở do mưa lũ. Tại huyện Cam Lâm, với 14,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh sẽ dùng vào việc sửa chữa một số hạng mục như: kênh mương các xã Cam Tân, Suối Tân; mương thoát lũ cầu Trắng, thôn Văn Thủy 1 (xã Cam Phước Tây); một số đập dâng ở xã Cam Hòa; sạt lở mái taluy bờ kè khu chế biến mì tập trung ở xã Cam An Bắc…


Ở huyện Diên Khánh, ngoài các hạng mục được đưa vào diện cấp bách, chủ yếu là những công trình nhằm khắc phục sạt lở bờ sông, suối sử dụng nguồn ngân sách Trung ương và huyện, địa phương cũng đang cần hỗ trợ từ ngân sách tỉnh 17,6 tỷ đồng nhằm xây dựng kè mái chống sạt lở bờ sông Cái bảo vệ chân cầu Phú Cốc ở xã Diên Lâm; khắc phục sạt lở bờ sông Cái đoạn qua xã Diên Phú; kè mái chống sạt lở bờ sông Suối Dầu đoạn qua xã Diên Bình và Diên Lạc… Tổng cộng, huyện cần khắc phục tới 84 công trình, hạng mục bị thiệt hại với tổng nhu cầu vốn gần 140 tỷ đồng.


Riêng huyện miền núi Khánh Sơn đang cần được hỗ trợ vốn để thực hiện công trình đập và kè bờ suối Tà Lương đã bị sạt lở nghiêm trọng sau các đợt mưa lớn gây lũ quét, chưa kể một số cầu tràn, đường giao thông cũng bị hư hỏng nặng, cần được đầu tư sửa chữa.

 

Người dân xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh) tháo các ván chắn đập dâng Hải Triều trên sông Tô Giang để khơi thông dòng chảy trong đợt mưa lũ cuối năm 2016

Người dân xã Vạn Long (huyện Vạn Ninh) tháo các ván chắn đập dâng Hải Triều trên sông Tô Giang để khơi thông dòng chảy trong đợt mưa lũ cuối năm 2016

 

Mới đây, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp bàn về vấn đề này với các địa phương và sở, ngành liên quan. Tại cuộc họp, theo các cơ quan chức năng, nguồn vốn Trung ương và nguồn ngân sách cấp huyện có thể cân đối được. Riêng 99 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến khả năng đáp ứng. 


Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư, 99 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh được cân đối từ nhiều nguồn, trong đó nguồn kinh phí dự phòng cân đối ngân sách cấp tỉnh 5 năm 2016 - 2020 là 61,85 tỷ đồng. Trên cơ sở đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến, kiến nghị của các sở, ngành, địa phương, đồng chí Đào Công Thiên kết luận: “Hạng mục các công trình đầu tư khắc phục lũ lụt là hết sức cần thiết. Nguồn ngân sách tỉnh 99 tỷ đồng không phải là con số quá lớn, tuy nhiên, việc sử dụng ngân sách từ các nguồn cụ thể cần phải được tính toán lại”.


Sau cuộc họp này, UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất chủ trương, danh mục và nguồn vốn ngân sách tỉnh đầu tư khắc phục lụt bão. Theo đó, có hơn 60 trong số hơn 200 công trình giao thông, thủy lợi sử dụng nguồn ngân sách tỉnh sẽ được phân bổ đầu tư trong 2 năm 2017 và 2018.


C.Đ