09:04, 27/04/2017

Tham luận của các báo tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung – Tây nguyên lần thứ 7 (vòng IV)

Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, báo Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng, tích cực cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong việc truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch...

Báo Thanh Hóa:  Tuyên truyền có trọng tâm, tạo ấn tượng sâu sắc với bạn đọc

 

Bà Trần Thị Thủy Phó Tổng Biên tập
Bà Trần Thị Thủy - Phó Tổng Biên tập
Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa, báo Thanh Hóa đóng vai trò quan trọng, tích cực cùng với các cấp, các ngành, địa phương trong việc truyền thông nâng cao nhận thức về vai trò của du lịch, gắn với mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, sang phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Có thể khẳng định, du lịch là một nội dung quan trọng, được Báo Thanh Hóa quan tâm từ khâu định hướng tuyên truyền đến xây dựng đề cương và phân công phóng viên phụ trách. Câu hỏi luôn được đặt ra là tuyên truyền cái gì (nội dung) và tuyên truyền như thế nào (hình thức) để các thông tin có sức hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc? Do vậy, bên cạnh tuyên truyền theo sự kiện thời sự một cách kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, tạo ấn tượng sâu sắc, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, cộng đồng và xã hội; Báo Thanh Hóa tập trung tuyên truyền theo chuyên đề, nhằm khoan sâu vào từng vấn đề mới - nóng, hoặc vấn đề nổi cộm, bất cập của lĩnh vực du lịch, nhằm cung cấp cho bạn đọc lượng thông tin phong phú, đa dạng, nhiều chiều, thiết thực. 
 
Du lịch là mảng đề tài được quan tâm và thường xuyên xuất hiện trên cả 3 ấn phẩm Báo Thanh Hóa hàng ngày, Báo Thanh Hóa hàng tháng và Báo Thanh Hóa điện tử. Qua đó, cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin về các chương trình hành động đẩy mạnh phát triển du lịch, kích cầu du lịch tại các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh đến các tổ chức, đơn vị kinh doanh, cộng đồng dân cư. Đặc biệt, thông tin về các trọng điểm phát triển du lịch của Thanh Hóa và các điểm du lịch sinh thái hấp dẫn khắp các vùng, miền trong tỉnh… là những nội dung được tuyên truyền đậm đặc. Đặc biệt, chuyên trang Văn hóa - Du lịch trên Báo Thanh Hóa hàng tháng, Thanh Hóa Chủ nhật, với những bài viết chuyên sâu của các nhà nghiên cứu và phóng viên vững tay nghề, được trình bày đẹp, hình ảnh minh hoạ phong phú, sinh động, đã và đang tạo được sức lan tỏa sâu rộng. Cùng với đó, Báo Thanh Hóa điện tử đang trở thành một kênh mạnh của Báo Thanh Hóa trong tuyên truyền du lịch, với việc chú trọng xây dựng các phóng sự ảnh, video clip nhằm giới thiệu đến công chúng những danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử nổi tiếng. Đồng thời, cập nhật nhanh chóng, kịp thời, chính xác chủ trương của Đảng bộ tỉnh trong việc thực hiện Chương trình phát triển du lịch. 
 
Người ta đã và đang nói nhiều đến vai trò của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội trong việc quảng bá du lịch. Tuy nhiên, đây có thể là con dao hai lưỡi nếu việc vận dụng không phù hợp và quản lý không chặt chẽ. Báo chí truyền thống vẫn là một kênh thông tin quan trọng và đáng tin cậy giữa thời điểm lên ngôi của điện thoại thông minh và mạng xã hội nên “ai cũng có thể trở thành nhà báo”. Đối với du lịch Thanh Hóa, sự tác động của báo chí là điều không thể phủ nhận. Với các yếu tố chính xác, trung thực và khách quan, báo chí nói chung và báo Đảng địa phương nói riêng là một kênh thông tin có tính tham khảo cao dành cho các nhà quản lý du lịch nhờ bởi các thông tin được báo chí phản ánh đa dạng, nhiều chiều.
 
 
 
_____________________________________________________
 
 
 
Báo Nghệ An:  Quảng bá hình ảnh quê hương Bác Hồ đến với bạn bè trong nước và quốc tế

 

Ông Trần Hữu Nghĩa Phó Tổng Biên tập
Ông Trần Hữu Nghĩa - Phó Tổng Biên tập

Nghệ An là tỉnh có diện tích 16.487km2 (lớn nhất cả nước), dân số hơn 3.000.000 người (thứ 4 cả nước), nằm ở vùng Bắc Trung Bộ. Địa hình Nghệ An đa dạng, có núi đồi, sông suối, thung lũng, biển cả… đặc biệt có hệ thống các điểm di tích lịch sử văn hóa đa dạng, hội tụ phát triển các loại hình du lịch đang trở thành “nguyên liệu” tốt để báo chí đồng hành cùng nhiệm vụ phát triển hiệu quả loại hình kinh tế này...

 
Là “nhạc trưởng” trong công tác thông tin truyền thông, “cầu nối” ý Đảng - lòng dân, cùng với nhiều cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đóng trên địa bàn, thời gian qua, Báo Nghệ An đã tích cực, thường xuyên bám sát tuyên truyền lĩnh vực du lịch tỉnh nhà, tạo hiệu ứng xã hội cao. 
 
Mỗi năm, Báo Nghệ An đăng tải hàng trăm tin, bài, chùm ảnh, video clip…; nhiều chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề dài kỳ, có chất lượng về du lịch các vùng, miền trong tỉnh. Không chỉ ca ngợi điều hay cái đẹp, mà những nhà báo giàu trăn trở còn thẳng thắn nói đúng, chỉ trúng những tồn tại, hạn chế, từ đó đặt ra những kiến giải, luận điểm mang tính xây dựng, với niềm mong mỏi để du lịch tỉnh Nghệ An “cất cánh”.
 
Đặc biệt, từ tháng 9-2015, Báo Nghệ An đưa vào vận hành mô hình Tòa soạn hội tụ, đánh dấu sự đột phá trong cách điều hành, tư duy làm báo thời đại mới. Trên Báo Nghệ An điện tử hiện nay, chất lượng bài viết, ảnh, video clip ngày càng được nâng lên. Phòng kỹ thuật của tòa soạn báo là những kỹ thuật viên, đồ hoạ viên trẻ, năng động, được đào tạo bài bản đã và đang áp dụng nhiều hình thức thể hiện thông tin hiện đại như: Infographics, Photo Gallery, Video flycam… Ngoài ra, cũng từ năm 2015, giao diện Báo Nghệ An điện tử có thêm nhiều tính năng tương tác mới như: Facebook, Google +, Instagram, Twitter… Thực tế cho thấy, những hình thức này rất phù hợp trong công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch, nhận được sự phản hồi tích cực của độc giả, thể hiện qua lượt like, share lên các trang mạng xã hội của mỗi tác phẩm. 
 
Nhờ mô hình tòa soạn hội tụ, sự tương tác giữa ấn phẩm báo in truyền thống và báo điện tử được tăng cao. Vượt thoát khuôn khổ của mô-típ làm báo in truyền thống, ấn phẩm Báo Nghệ An đã có sự linh hoạt, gần gũi, tiếp cận sát hơn với nhu cầu, thị hiếu, mong mỏi về thông tin du lịch của nhân dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu niên. Các xu hướng du lịch được cập nhật, soi chiếu vào tình hình du lịch tỉnh nhà, giúp “bức tranh” quảng bá du lịch có thêm nhiều gam màu tươi sáng, thu hút. Bên cạnh đó, Báo Nghệ An luôn đồng hành với tỉnh nhà trong công tác tuyên truyền các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội nghị liên kết du lịch vùng, các tour, tuyến mới, đường bay mới…
 
 
_____________________________________________________
 
 
 
Báo Hà Tĩnh:  Tăng tính hấp dẫn và hiệu quả quảng bá

 

Ông Nghiêm Sỹ Đống Tổng Biên tập
Ông Nghiêm Sỹ Đống - Tổng Biên tập
Báo Hà Tĩnh với sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây đang thu hút một lượng bạn đọc lớn (báo in phát hành 5.000 tờ/kỳ, báo điện tử trung bình có 8 vạn lượt đọc/ngày), chính là kênh tuyên truyền quảng bá rất hiệu quả du lịch Hà Tĩnh nói riêng và du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên, du lịch cả nước nói chung. 
 
Những năm qua, Báo Hà Tĩnh đã rất quan tâm đến việc quảng bá, tuyên truyền về phát triển du lịch trên mặt báo. Ngoài các tin bài thời sự thường xuyên về lĩnh vực du lịch, mỗi năm Báo Hà Tĩnh xây dựng trên 20 chuyên đề, phóng sự về du lịch trên báo in và báo điện tử. Báo Hà Tĩnh đã nắm bắt và triển khai bài bản, có chất lượng việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển du lịch tỉnh… Thông qua đó, đẩy mạnh quảng bá với du khách về chiến lược phát triển du lịch của địa phương và mời gọi các nhà doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư vào lĩnh vực kinh doanh du lịch.  
 
Các loại hình du lịch ở Hà Tĩnh được tuyên truyền, quảng bá thường xuyên với nhiều góc nhìn phong phú, đa dạng. Ở mảng đề tài du lịch danh thắng, du lịch danh nhân, Báo đã có nhiều bài viết về các điểm đến hấp dẫn của Hà Tĩnh như: khu lưu niệm đại thi hào Nguyễn Du, khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú, khu mộ cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập, khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc… Đối với du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, Báo tập trung các bài viết về các lễ hội đầu năm ở các chùa, đền lớn như: chùa Hương Tích, đền Chế Thắng Phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu; lễ giỗ, lễ hội báo ân các nhân thần, lễ hội cầu ngư vùng biển… Những năm gần đây, Hà Tĩnh phát triển khá mạnh các hình thức du lịch trải nghiệm. Báo Đảng địa phương đã phát hiện, khai thác, quảng bá các hướng đi, kết quả và những điểm hấp dẫn của loại hình mới này. Đặc biệt, Báo đã xây dựng nhiều chuyên đề có chiều sâu, dày dặn về 2 loại hình du lịch mà tỉnh có tiềm năng, thế mạnh với giá trị thu nhập hàng năm khá lớn là du lịch biển và du lịch rừng. Trong tuyên truyền về các hoạt động thời sự về du lịch, Báo luôn ưu tiên thời lượng thông tin phản ánh kịp thời công tác quản lý của ngành chuyên môn, hoạt động của các doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh du lịch, các tour, tuyến du lịch và diễn biến đời sống du lịch ở các vùng miền.
 
Miền Trung - Tây Nguyên có vị trí quan trọng với việc phát triển du lịch của đất nước, nằm trong hành trình “Con đường di sản miền Trung”, chính vì vậy Báo Hà Tĩnh coi trọng việc phối kết hợp giữa các báo Đảng Miền Trung - Tây Nguyên trong việc tuyền truyền phát triển du lịch. Thời gian qua, trên báo Hà Tĩnh điện tử đã thường xuyên cập nhật, giới thiệu nhiều địa chỉ du lịch nổi tiếng, những nét đẹp đặc trưng của các địa phương ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đăng tải thông tin về kết nối tour, tuyến khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đăng tải các sự kiện du lịch, văn hoá, lễ hội lớn của các tỉnh.
 
Trong xu thế phát triển mới của báo chí, trước yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc đòi hỏi Báo Hà Tĩnh phải khắc phục những hạn chế, tiếp tục có cách làm mới trong hoạt động quảng bá du lịch. Trước hết, tuyên truyền quảng bá về du lịch giai đoạn mới sẽ bám sát với tinh thần Nghị quyết 08 về phát triển du lịch, các mục tiêu, giải pháp phát triển du lịch của Hà Tĩnh và đề án khôi phục và phát triển du lịch Hà Tĩnh sau sự cố môi trường đến năm 2018. Định hướng chuyên môn của Báo Hà Tĩnh về tuyên truyền quảng bá du lịch sẽ triển khai song song các lát cắt thời sự du lịch và các vệt bài chuyên sâu, nhất là loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch lữ hành. Đẩy mạnh tuyên truyền về các nhân tố mới trong ngành Du lịch, các tour du lịch Hà Tĩnh - Lào - Thái; tăng cường kết nối du lịch miền Trung - Tây Nguyên. 
 
Đa dạng hóa các hình thức chuyển tải, quảng bá để tăng tính hấp dẫn, hiệu quả tuyên truyền. Trong đó sẽ chú trọng thực hiện những chùm ảnh, phóng sự ảnh, video clip về vẻ đẹp các điểm du lịch, các hoạt động du lịch sôi động trên địa bàn, các sản phẩm du lịch độc đáo của Hà Tĩnh. Tiếp tục xây dựng các chuyên trang, chuyên mục để quảng bá du lịch trên cả báo in và báo điện tử.
 
Đầu tư trang thiết bị, con người để thực hiện các chương trình quảng bá du lịch dài hơi theo hướng khai thác nguồn thu từ các doanh nghiệp tham gia quảng cáo trên báo.
 
 
_____________________________________________________
 
 
Báo Quảng Bình:  Một số giải pháp nâng cao chất lượng tuyên truyền về du lịch

 

Ông Hoàng Hữu Thái Tổng Biên tập
Ông Hoàng Hữu Thái Tổng Biên tập
Quảng Bình là tỉnh có tiềm năng lớn về phát triển du lịch với Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha Kẻ Bàng, hệ thống hang động, thác, suối nguyên sơ, hùng vĩ, trong đó Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, một thương hiệu của du lịch Quảng Bình và của cả Việt Nam. Quảng Bình xác định “ngành công nghiệp không khói” là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó TP. Đồng Hới sẽ là thành phố du lịch. Tuy nhiên, sự cố môi trường biển vào tháng 4-2016 của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã khiến ngành du lịch Quảng Bình đứng trước muôn vàn thử thách. Tổng lượt khách du lịch năm 2016 giảm tới 29,35% so với năm 2015 và giảm tới 43% so với kế hoạch đề ra của năm 2016. 
 
Đứng trước khó khăn đó, Báo Quảng Bình một mặt nỗ lực bám sát các định hướng, chiến lược phát triển du lịch của địa phương, mặt khác, luôn tìm tòi, sáng tạo, mạnh dạn thử nghiệm những cách thức tuyên truyền mới, góp phần giúp sức cho du lịch Quảng Bình trở lại thời khởi sắc. Trong suốt gần 1 năm tuyên truyền về du lịch sau sự cố môi trường biển, nhận thấy những ưu và nhược điểm trong quá trình này, Báo Quảng Bình đề xuất một số nhóm giải pháp để nâng cao nâng cao vai trò tuyên truyền du lịch của báo Đảng địa phương.
 
Trước hết, cần tăng cường hơn nữa tính liên kết giữa các báo Đảng địa phương trong tuyên truyền về du lịch. Thực tế sau sự cố môi trường cho thấy không ít báo Đảng địa phương mới chỉ quan tâm đến du lịch của địa phương mình, chưa có thông tin, phản ánh về hoạt động du lịch của các tỉnh bạn, trong khi đây là thời điểm rất cần sự chung tay, góp sức. Sự liên kết này được thể hiện không chỉ ở các thông tin thời sự cập nhật mà còn ở các bài viết giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của du lịch tỉnh bạn. Có như vậy, du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên mới có thể tăng cường sự kết nối, cùng nhau phát triển.
 
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy mặc dù tờ báo địa phương nào cũng có báo mạng điện tử nhưng để phát huy vai trò của nó lại chưa được triển khai hiệu quả, đặc biệt trong việc liên kết tuyên truyền về du lịch. Đây là điều rất lãng phí trong bối cảnh “đời sống mạng” đang trỗi dậy mạnh mẽ như hiện nay. Chính vì vậy, cần có những giải pháp hiệu quả để tăng cường sức mạnh của báo mạng điện tử trong quảng bá du lịch.
 
Đội ngũ những người chuyên viết về mảng du lịch trong hệ thống báo Đảng địa phương rất ít có cơ hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, kỹ năng. Vì vậy, các lớp tập huấn nghiệp vụ hay các cuộc thi viết về du lịch miền Trung - Tây Nguyên là điều rất cần thiết. Đặc biệt, các khóa học về xử lý khủng hoảng truyền thông trong bối cảnh hiện nay, như sau sự cố môi trường biển là việc cần làm ngay.
 
Cần tăng cường tính phổ cập của báo địa phương trong đội ngũ những người làm du lịch, không dừng lại ở các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, doanh nghiệp Nhà nước... Có như vậy, những bài viết hay về du lịch mới đến được với những “địa chỉ” cần đến.
 
 
 
 
  ___________________________________________________
 
 
Báo Quảng Trị:  Cầu nối thông tin du lịch hữu ích

 

Ông Trương Đức Minh Tứ - Tổng Biên tập
Ông Trương Đức Minh Tứ - Tổng Biên tập
Lịch sử đã chọn Quảng Trị là tâm điểm của hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để lại trên mảnh đất này nhiều di tích mang tầm vóc thời đại, biểu hiện cho khát vọng hòa bình của nhân loại và ý chí, tinh thần chiến đấu anh dũng, hi sinh vì độc lập, thống nhất Tổ quốc. Trong số 518 di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh được kiểm kê đánh giá, có đến 469 di tích chiến tranh, 4 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt và nhiều di tích được xếp hạng quốc gia. Trong đó, có nhiều di tích có giá trị lịch sử đặc biệt như: Thành Cổ Quảng Trị, Hàng rào điện tử MC.Namara, Đường 9 - Khe Sanh, sân bay Tà Cơn, Đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cầu Hiền Lương - Đôi bờ sông Bến Hải, Địa đạo Vịnh Mốc, các nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Trường Sơn, Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam… đang là những điểm thu hút khách tham quan, thăm viếng, tri ân lớn nhất của địa phương và cả nước. 
 
Quảng Trị còn là vùng đất có nhiều dân tộc và tôn giáo với những nét văn hóa, tâm linh mang sắc thái riêng, độc đáo. Trong đó, có nhà thờ La Vang, một trung tâm hành hương quan trọng của đồng bào công giáo toàn quốc với Đại hội hành hương La Vang, một lễ hội tôn giáo có truyền thống hơn 100 năm được Giáo hội Công giáo Việt Nam tổ chức định kỳ 3 năm một lần. Chính vì vậy, hơn 2/3 lượt khách du lịch đến Quảng Trị đều lựa chọn tham quan các di tích lịch sử cách mạng và tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh. 
 
Trên cơ sở đó, Báo Quảng Trị đã làm tốt việc cung cấp cho nhân dân địa phương, du khách trong và ngoài nước về những địa chỉ, nét đẹp văn hóa, lịch sử và danh thắng của địa phương; các loại hình, tour du lịch đang phát triển trên địa bàn; các lễ hội trở thành thương hiệu, dấu ấn riêng của tỉnh. Bên cạnh đó, phản ánh và đề xuất nhiều vấn đề về công tác quản lý, đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa theo hướng kết hợp hiệu quả giữa mục tiêu bảo tồn, tôn tạo với đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ du lịch… Đặc biệt, trong thời gian gần đây, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những ý tưởng phát triển du lịch Quảng Trị của các học giả, chuyên gia kinh tế, Báo Quảng Trị tập trung tuyên truyền về sự cần thiết phải tạo ra bước đột phá mới trong phát triển du lịch, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Trên cơ sở này, Báo Quảng Trị đặt ra vấn đề là nếu để tiềm năng, lợi thế về du lịch “ngủ yên”, thiếu sự liên kết và chưa có bước đi, cách làm phù hợp, táo bạo thì đừng đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của kinh tế du lịch. Muốn tạo bước đột phá cho du lịch phải cấp thiết xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển một cách bài bản, lâu dài dựa trên lợi thế của địa phương. Từ đó, đề xuất du lịch Quảng Trị phải tìm hướng đi cho riêng mình, tạo ra dấu ấn, sự khác biệt với sản phẩm du lịch của các tỉnh, thành phố lân cận, lấy mất mát, đau thương của chiến tranh cùng những giá trị văn hóa tâm linh để đưa Quảng Trị trở thành điểm đến hấp dẫn, không thể thiếu đối với du khách trong và ngoài nước khi lựa chọn sản phẩm du lịch tham quan di tích lịch sử cách mạng và văn hóa tâm linh…
 
Sự phong phú và đa dạng trong cách thức thông tin, tuyên truyền cũng như đề xuất hướng phát triển du lịch địa phương của Báo Quảng Trị đã nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về du lịch và phát triển du lịch; làm cầu nối thông tin giữa du khách và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy quá trình quảng bá và xúc tiến du lịch. Để tiếp tục đồng hành với du lịch địa phương, thời gian tới, Báo Quảng Trị chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền mang tính chiến lược, có sự phân bổ hợp lý về thời lượng tuyên truyền; xây dựng đội ngũ nhà báo có năng lực, tư duy tốt trong tuyên truyền, quảng bá du lịch của địa phương; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về phát triển du lịch có chất lượng cao; tiếp tục đổi mới cách trình bày, hình thức thể hiện, kết cấu và chất lượng in ấn của các sản phẩm báo chí để tăng sức hấp dẫn đối với công chúng bạn đọc…
 
 
 
  ___________________________________________________
 
 
Báo Thừa Thiên Huế:   Góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Cố đô

 

Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Tổng Biên Tập
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Tổng Biên Tập
Quảng bá du lịch hiện nay có nhiều hình thức, nhất là sự bùng nổ thông tin, du khách chỉ cần click chuột, vài phút lướt Internet là sẽ có những thông tin về điểm đến, sản phẩm du lịch. Tuy nhiên, qua quá trình khảo sát ý kiến của nhiều du khách khi đến với Huế, sự tin cậy, chính xác của thông tin luôn được họ ưu tiên để tìm kiếm. So với các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, du khách có xu hướng vào xem những trang thông tin chính thống, dưới sự tổ chức và quản lý của cơ quan Nhà nước, đặc biệt là các trang báo điện tử. Bởi vì, du khách rất tin tưởng vào những đánh giá, cảm nhận, chia sẻ có tính khách quan của tờ báo. 
 
Thực tế là, nội dung cũng như hình thức quảng bá du lịch trên Báo Thừa Thiên Huế thời gian qua đã thay đổi theo hướng nhanh, kịp thời và luôn chú ý đến nhu cầu tìm hiểu của độc giả, đặc biệt là những du khách đến Huế và có khát khao được đến Cố đô. Trên các ấn phẩm của Báo Thừa Thiên Huế, bao gồm báo in và báo điện tử, các tác phẩm báo chí (tin, bài, phóng sự, ký sự, phóng sự ảnh...) về du lịch được đăng tải với mật độ khá dày, phản ánh đa chiều, nhiều khía cạnh của ngành. 
 
Báo Thừa Thiên Huế dành một tỷ lệ thích đáng trên các ấn phẩm để giới thiệu các sản phẩm du lịch hấp dẫn, mới lạ, độc đáo đã và đang thu hút đông đảo du khách. Các sản phẩm văn hóa - di sản, thế mạnh của du lịch Huế đã được Báo Thừa Thiên Huế đăng tải suốt nhiều năm qua và vẫn liên tục được cập nhật. Nhiều chủ trương, kế hoạch thu hút đầu tư, thu hút du khách, môi trường du lịch được đảm bảo, nhân lực đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch của Huế… liên tục được triển khai trên báo. Bên cạnh đó, những vấn đề nổi bật, tồn tại nổi cộm của du lịch Huế được Báo Thừa Thiên Huế tập trung tuyên truyền. Qua những bài báo đó, ngành Du lịch đã tăng cường thanh kiểm tra, nhắc nhở và xử phạt một số trường hợp vi phạm, làm sạch hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn.  
 
Đã có đóng góp không nhỏ vào tiến trình phát triển kinh tế từ ngành công nghiệp không khói của địa phương, nhưng công tác tuyên truyền về phát triển du lịch trên Báo Thừa Thiên Huế vẫn còn không ít điều đáng nói, cả ở kết cấu nội dung, hình thức thể hiện và tính hiệu quả trong thông tin. Xin được nêu lên ở đây 3 vấn đề lớn:
 
Một là, các bài viết về du lịch còn thiếu tính tổng kết, phân tích, thiếu tính phát hiện, đề xuất phương hướng giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc trong phát triển du lịch nên hiệu quả chưa cao. Chưa coi trọng đúng mức việc tuyên truyền biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, kinh nghiệm hay trong hoạt động du lịch…
 
Hai là, tuy đã có những đề cương tuyên truyền theo hướng chuyên đề nhưng nhìn chung báo vẫn chưa xây dựng được một kế hoạch truyền thông tổng thể, mang tính chiến lược, lâu dài. Công tác tuyên truyền còn mang tính “thời vụ”, dẫn đến việc tuyên truyền thiếu tập trung, chạy theo số lượng, chất lượng và hiệu quả thông tin thiếu tính bền vững. Hiện tượng trùng lắp về nội dung thông tin còn phổ biến. Mặt khác, lượng thông tin về phát triển du lịch tuy có tần số xuất hiện khá lớn, nhưng phân bố không đều giữa các địa phương trong tỉnh, chủ yếu chỉ tập trung ở khu vực thành phố, thị xã, còn những địa phương khác thì xem như bị lãng quên.
 
Ba là, công tác tuyên truyền và quảng bá du lịch chỉ mới dừng lại ở mức độ phản ánh, chưa kiến giải được những nguyên nhân thành công và hạn chế, chưa đề ra giải pháp khắc phục và đưa ra những bài học kinh nghiệm. Nội dung của một số chuyên trang hay các bài viết cụ thể chưa thật sự hấp dẫn và lôi cuốn công chúng bạn đọc. Kiến thức về lĩnh vực du lịch của phóng viên còn hạn chế. 
 
Điều hạn chế mà nhiều báo địa phương, trong đó có Báo Thừa Thiên Huế đang gặp khó là có những vấn đề “nhạy cảm” với địa phương, đưa lên có khi ảnh hưởng không có lợi đến sự phát triển chung của tỉnh nhà. Do vậy một số vấn đề có thông tin, nhưng việc đeo bám, phản ánh chưa được quyết liệt, triệt để, thậm chí có khi còn gây cảm giác “để lọt thông tin”. Phóng viên theo dõi ngành có lúc nắm còn chậm, không sâu, dẫn đến một số bài báo còn hời hợt, ít mới, chưa đề xuất được những giải pháp hay. 
 
Với những vấn đề và suy nghĩ rút ra từ việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên Báo Thừa Thiên Huế nói riêng và Báo Đảng địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói chung, chúng tôi cho rằng, để báo Đảng khu vực miền Trung và Tây Nguyên có thể làm tốt hơn việc thông tin và quảng bá về du lịch, cần có nhiều hơn nữa sự liên kết, trao đổi và học tập kinh nghiệm giữa các cơ quan báo Đảng trong vùng mà hội thảo lần này ở Khánh Hòa là một minh chứng sinh động. 
 
 
 
 
__________________________________________________
 
 
 
Báo Đà Nẵng: Cùng xây dựng hình ảnh “thành phố đáng sống”
 

 

Ông Hứa Văn Hải - Phó Tổng Biên tập
Ông Hứa Văn Hải - Phó Tổng Biên tập
Những năm qua, Báo Đà Nẵng thường xuyên có kế hoạch truyền thông, đăng tải các bài viết về các hoạt động của các đơn vị lưu trú, lữ hành nói riêng, ngành du lịch nói chung. Mỗi năm, trên các ấn phẩm báo Đà Nẵng hàng ngày, Đà Nẵng Cuối tuần, Đà Nẵng điện tử tiếng Việt, Đà Nẵng điện tử tiếng Anh (Da Nang Today) đăng tải hàng nghìn tin, bài, hình ảnh về các hoạt động du lịch trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần quảng bá hình ảnh TP. Đà Nẵng trẻ trung, hiện đại, thân thiện, an bình, đáng sống, mến khách.
 
. Tuyên truyền quảng bá sự kiện. Du lịch Đà Nẵng đang gắn kết hình ảnh một thành phố năng động, hiện đại và môi trường với các chiến lược phát triển các chuỗi sự kiện, lễ hội mang tầm cỡ quốc tế, nên tại các sự kiện lớn như: Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Cuộc đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race, Đại hội Thể thao bãi biển châu Á lần thứ 5, Hội chợ du lịch quốc tế về nghỉ dưỡng biển và MICE, Cuộc thi Marathon quốc tế…, Báo Đà Nẵng luôn có kế hoạch truyền thông rất chi tiết. 
 
. Tuyên truyền những hình ảnh đẹp đến du khách. Nhiều năm qua, TP. Đà Nẵng tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách trong và ngoài nước một phần rất lớn nhờ vào những hành động rất đẹp nhưng hết sức đời thường của người dân. Và Báo Đà Nẵng đã tập trung tuyên truyền đậm nét về những hành động đẹp, coi đây là cách quảng bá hiệu quả, thiết thực và sinh động nhất cho du lịch thành phố. Đó là những tin, bài, hình ảnh biểu dương những hành động đẹp của những người lái taxi, bảo vệ, nhân viên ở các khu điểm du lịch, nhà hàng, quán ăn… đã trả lại những tài sản có giá trị từ vài triệu đồng tới hàng trăm triệu đồng cho du khách vô tình đánh rơi hay bỏ quên… Đó là ý kiến của nhiều du khách trong nước và quốc tế đã từng hoặc chưa đến Đà Nẵng nhưng rất ấn tượng và có thiện cảm với những tin, bài viết về những người cảnh sát giao thông sẵn sàng giúp đỡ người dân, du khách khi gặp sự cố tại địa phương hay hình ảnh những người dân Đà Nẵng hồn hậu, chất phác luôn nhiệt tình với khách du lịch... Đó là những khách sạn, nhà hàng, quán ăn, những điểm giữ xe không tăng giá trong những sự kiện Đà Nẵng diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế hoặc các lễ hội khác. Những con người, hành động tưởng chừng như rất đời thường ấy đã góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh một TP. Đà Nẵng thân thiện, gần gũi, bình an với du khách gần xa. 
 
Song song với việc tuyên truyền, quảng bá thường xuyên, liên tục về các hoạt động ngành du lịch trên các ấn phẩm của báo Đà Nẵng bằng tiếng Việt, các thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư, môi trường sạch đẹp, khu điểm, hoạt động, lễ hội, điểm đến… của Đà Nẵng còn xuất hiện thường xuyên trên Da Nang Today. Với lượng truy cập mỗi ngày lên tới hàng ngàn lượt thì đây chính là kênh thông tin rất được bạn đọc là người nước ngoài tin tưởng vì có độ chính xác và tin cậy cao. 
 
Từ nhiều năm nay, chuyên mục “Mỗi tuần một địa chỉ” trên báo Đà Nẵng Cuối tuần, “Du lịch Đà Nẵng” trên Đà Nẵng điện tử, các chuyên mục du lịch trên Da Nang Today (Shopping, Hotels/Resorts, Festivals...) như những cẩm nang dành cho du khách, ở đó giới thiệu đến du khách về những điểm đến, khu vui chơi, giải trí... nổi bật của Đà Nẵng…
 
Thời gian tới, Báo Đà Nẵng tiếp tục kế hoạch đầu tư xây dựng chuyên mục du lịch một cách bài bản, trong đó có các bài viết chuyên sâu về các ngành như: ở lĩnh vực lưu trú; điểm đến; sự kiện; sản phẩm du lịch mới… tuyên truyền hàng tuần một cách có chất lượng hơn nữa về các hoạt động của ngành. Bên cạnh đó, tăng cường sự phối hợp với ngành Du lịch để thường xuyên tham gia các chuyến khảo sát, famtrip về các sản phẩm du lịch, tour, tuyến mới. Đồng thời, chủ động tham gia các đoàn báo chí quốc tế đến Đà Nẵng để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Đà Nẵng - thành phố du lịch đầy tiềm tăng của thị trường quốc tế.
 
 
__________________________________________________
 
 
Báo Quảng Nam:   Để du lịch “cất cánh” trên “con đường di sản miền Trung”

 

Ông Nguyễn Hữu Đổng Phó Tổng Biên tập
Ông Nguyễn Hữu Đổng - Phó Tổng Biên tập
Tháng 6-2013, tại Hội thảo báo Đảng thuộc khu vực miền Trung - Tây Nguyên (lần 2 vòng IV) do Báo Quảng Nam đăng cai tổ chức đã chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền về lĩnh vực du lịch, đồng thời thảo luận để thống nhất ký kết một bản ghi nhớ về hợp tác liên kết tuyên truyền giữa các báo Đảng trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
 
Trong suốt 4 năm qua, báo Đảng trong khu vực nói chung, Báo Quảng Nam nói riêng, đã thực hiện việc tuyên truyền quảng bá du lịch khá đậm nét. Việc liên kết, phối hợp để mở các trang mục chuyên về du lịch, mở Góc lữ hành để giới thiệu các điểm đến, đặc biệt thế mạnh báo điện tử đã được khai thác để nhanh chóng cập nhật các sự kiện du lịch diễn ra trong vùng miền và cả nước. Sản phẩm mới về truyền thông là Truyền hình onlines, đã đăng tải nhiều video clip, phóng sự, phim tài liệu về chủ đề du lịch. Chúng tôi cũng mở phụ trang Đầu tư - Du lịch bằng tiếng Anh trên Báo Quảng Nam điện tử nhằm giới thiệu các dự án, cơ hội đầu tư vào du lịch của vùng, phục vụ thông tin đối ngoại. 
 
Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần này với chủ đề “Liên kết tuyên truyền phát triển du lịch”  theo chúng tôi vẫn còn nguyên tính thời sự. Đây là việc làm phù hợp và cần thiết trong bối cảnh du lịch đang tìm đường cất cánh với chiến lược xây dựng và quảng bá hình ảnh, thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia. Do vậy, Hội thảo lần này cần đặt lại vấn đề liên kết tuyên truyền phát triển du lịch. Các cam kết hợp tác cũng đã xác lập để tuyên truyền về “Con đường Di sản miền Trung”. Tuy có những liên kết, hợp tác bước đầu, nhưng việc xúc tiến để biến những ý tưởng cùng tạo sản phẩm chung của cả vùng vẫn còn nhiều mặt chưa khả thi. Chúng tôi cũng thấy rằng việc quảng bá, và nối kết các điểm đến của cả vùng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Báo chí, với sức mạnh truyền thông cần làm hết khả năng để quảng bá sự kiện văn hóa, lễ hội của các địa phương cho nhau.
 
Báo Quảng Nam có một số đề xuất cụ thể như sau:
 
1. Các báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên cần kết nối vòng tay chặt chẽ hơn nữa qua đường link báo điện tử và phối hợp tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về du lịch trên các ấn phẩm đặc biệt (như Đặc san Xuân, hay số đặc biệt gắn với các sự kiện lớn). Đặc biệt, các báo cần mở một cuộc vận động cổ xúy cho các sản phẩm du lịch kết nối liên vùng như: “Con đường Di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, “Đường Trường Sơn huyền thoại”... 
 
2. Cần có Ban điều phối hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch với sự hỗ trợ của Văn phòng đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch khu vực miền Trung, Hội nhà báo, các hãng lữ hành, các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và đại diện các báo Đảng trong khu vực. Ban này có trách nhiệm hỗ trợ kết nối các tour cho nhà báo khi cần tổ chức thông tin về các sản phẩm chung của cả vùng, hoặc phối hợp tổ chức thông tin cho các sự kiện du lịch lớn của các tỉnh trong vùng.
 
3. Kính đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam, Vụ Báo chí xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các phóng viên chuyên trách mảng du lịch. Đồng thời các báo cần vận động, đề nghị lãnh đạo địa phương mình tạo điều kiện cho báo Đảng được tham dự vào các sự kiện du lịch lớn của mỗi tỉnh, thành và của vùng, nhằm có thông tin kịp thời trên các ấn phẩm xuất bản. Ngoài ra, khi mỗi địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa - du lịch lớn, báo Đảng địa phương cần chủ động cung cấp thông tin cho các báo Đảng trong khu vực, đồng thời tạo thuận lợi cho phóng viên du lịch các báo bạn tham gia sự kiện để cùng phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền.
 
 
 
____________________________________________
 
 
 
Báo Quảng Ngãi:  Cần sự phối hợp chặt chẽ trong giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch 

 

Ông Lê Đức Vương - Phó Tổng Biên tập
Ông Lê Đức Vương - Phó Tổng Biên tập
Thực tế ở Quảng Ngãi cho thấy, báo chí giữ vai trò khá quan trọng trong phát triển du lịch, đặc biệt là báo điện tử. Đây không chỉ là kênh thông tin giới thiệu các điểm, tour tham quan, nghỉ dưỡng cho du khách mà còn là kênh thông tin quan trọng để chính quyền địa phương, cơ quan chức năng thể hiện vai trò quản lý nhà nước về du lịch, đặc biệt là giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Quảng Ngãi và quảng bá tiềm năng du lịch để kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
 
Để thực hiện có hiệu quả vai trò đó, Ban Biên tập đã lãnh đạo, chỉ đạo trưởng, phó các phòng chuyên môn, biên tập viên, phóng viên theo dõi lĩnh vực văn hóa, du lịch nắm vững chủ trương, định hướng phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh; phân công những phóng viên, biên tập viên có khả năng khái quát, hiểu biết toàn diện các giá trị văn hóa, lịch sử của các danh lam thắng cảnh, tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh... Bên cạnh việc duy trì ổn định, nâng cao chất lượng các bài viết trong các chuyên mục về: Văn hóa, Du lịch, Đất nước - Con người... trên báo in và báo điện tử, Báo Quảng Ngãi còn tăng liều lượng tuyên truyền trong thời điểm diễn ra mùa du lịch của tỉnh. Bên cạnh giới thiệu các mô hình quản lý, phát triển du lịch hiệu quả của địa phương trong khu vực và cả nước để ngành Du lịch Quảng Ngãi vận dụng, báo Quảng Ngãi cũng mạnh dạn phản ánh những bật cập trong việc quy hoạch, xử lý môi trường, đầu tư cơ sở cho du lịch, xúc tiến thu hút đầu tư; những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch…
 
Thực tế từ công tác tuyên truyền trong lĩnh vực du lịch thời gian qua, chúng tôi nhận thấy, công tác phối hợp giữa các bên liên quan chưa thực sự đồng bộ và có hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà du lịch ở Quảng Ngãi nói riêng và trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng phát triển chưa thật sự bền vững. Do đó, Báo Quảng Ngãi kiến nghị các báo Đảng trong khu vực miền Trung và Tây Nguyên cần có sự phối hợp, liên kết để giới thiệu, quảng bá tiềm năng du lịch, những danh lam thắng cảnh, những hình ảnh về quê hương, con người giữa các địa phương trong khu vực; thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ viết về lĩnh vực du lịch cho phóng viên, biên tập viên; chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền về lĩnh vực du lịch giữa các báo Đảng trong khu vực...
 
 
______________________________________________
 
 
Báo Bình Định:  Tăng hiệu quả tuyên truyền, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương

 

Ông Trần Thanh Hải - Phó Tổng Biên tập phụ trách
Ông Trần Thanh Hải - Phó Tổng Biên tập phụ trách
Những năm gần đây, du lịch Bình Định đã có những bước phát triển mạnh mẽ, thu hút lượng khách đến Quy Nhơn - Bình Định ngày càng nhiều. Riêng năm 2016 có thể nói là năm “bùng nổ” của du lịch Bình Định với sự tăng trưởng mạnh cả về lượng khách đến và doanh thu từ du lịch.
 
Sự phát triển của ngành Du lịch Bình Định trong những năm qua có đóng góp lớn của công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó báo chí là một kênh quan trọng, nhất là hoạt động tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Định đến với du khách trong và ngoài nước. Theo đó, nhiệm vụ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá du lịch Bình Định của Báo Bình Định luôn theo sát mục tiêu chung của Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020 của Tỉnh ủy Bình Định với tần suất dày hơn trên cả báo in và báo điện tử, cùng với yêu cầu nội dung, chất lượng đều được nâng cao một bước.   
 
Có thể khẳng định rằng, báo chí và du lịch có mối quan hệ hữu cơ và có mục đích chung nhất là quảng bá, giới thiệu về hình ảnh của đất nước, của địa phương vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Báo chí đóng vai trò quan trọng và có đóng góp to lớn đối với ngành Du lịch trên con đường phát triển. Từ năm 2003, báo in và báo Bình Định Điện tử đã xây dựng chuyên trang du lịch, tăng cường thông tin, tuyên truyền, quảng bá du lịch Bình Định. Từ đó đến nay, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trên báo Bình Định được thực hiện ngày càng bài bản, chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. Nội dung quảng bá ngày càng phong phú, phát huy được ưu thế của các điểm đến, các sản phẩm đặc trưng của địa phương, các dịch vụ tiện ích cho du khách. Thông qua công tác quảng bá du lịch trên báo in và báo Bình Định điện tử, góp phần tạo điều kiện cho du khách tìm hiểu và đến Bình Định nhiều hơn; qua đó góp phần tăng trưởng doanh thu du lịch, tạo việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập xã hội. 
 
Chúng tôi cho rằng, qua hội thảo, những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả cao của các báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên là kinh nghiệm quý giá để các cơ quan báo chí trong và ngoài khu vực tham khảo, vận dụng trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá du lịch địa phương. Qua đó có cách nhìn mới và một cách làm mới để tuyên truyền, quảng bá cho du lịch, đặc biệt là cần sự liên kết giữa các cơ quan báo chí trong khu vực và cả nước để phát huy hiệu quả tuyên truyền, quảng bá du lịch. Đồng thời, chúng ta cần khai thác những ưu thế vượt trội của báo điện tử, của mạng xã hội để tăng hiệu quả tuyên truyền, quảng bá cho du lịch.
 
 
 
_____________________________________________
 
 
 
Báo Phú Yên:  Liên kết để quảng bá du lịch 

 

Bà Đào Phạm Hoàng Quyên - Phó Tổng Biên tập
Bà Đào Phạm Hoàng Quyên - Phó Tổng Biên tập
Phú Yên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, đang bước từng bước thận trọng trên con đường xây dựng ngành công nghiệp không khói thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, đặc biệt giai đoạn từ năm Du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên năm 2011, Báo Phú Yên đã mở chuyên trang du lịch định kỳ trên số cuối tuần và chuyên mục 400 năm Phú Yên và Năm du lịch quốc gia Duyên hải Nam Trung Bộ 2011; các ấn phẩm điện tử tăng thêm dung lượng và tần suất cập nhật thông tin, góp phần quảng bá rộng khắp du lịch Phú Yên. Năm 2011, Phú Yên đón khoảng 500.000 lượt du khách, trong đó khách quốc tế 30.000 lượt. Đến năm 2016, con số này là gần 1,2 triệu lượt khách. Đặc biệt trong 2 năm 2015 và 2016, khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của đạo diễn Victor Vũ chọn bối cảnh quay chính ở Phú Yên ra mắt công chúng, Báo Phú Yên đã nắm bắt thời cơ, tập trung tuyên truyền mạnh mẽ về vùng đất, con người Phú Yên trên các ấn phẩm đã góp phần thu hút du khách đến tỉnh đạt con số tăng trưởng vượt bậc.
 
Báo Phú Yên cũng đã phối hợp tốt cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, các địa phương và doanh nghiệp tổ chức các buổi trao đổi, tọa đàm, đối thoại về du lịch; cung cấp thông tin về chính sách, định hướng phát triển để doanh nghiệp, người dân hiểu rõ và chủ động tham gia cùng chính quyền trong nỗ lực đưa hoạt động du lịch của tỉnh phát triển. Đồng thời, góp phần giúp du khách trong và ngoài nước hiểu hơn về một Phú Yên với vẻ đẹp giàu bản sắc văn hóa và hiếu khách. 
 
Nhận thấy hoạt động liên kết là một trong hướng phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, từ năm 2011 các tỉnh khu vực duyên hải Nam Trung Bộ đã ngồi lại với nhau để giải bài toán liên kết phát triển kinh tế - xã hội. Hàng năm, Ban điều phối Vùng và Tổ tư vấn phát triển kinh tế - xã hội gồm nhiều chuyên gia đầu ngành về kinh tế và xã hội đều tổ chức các hội nghị, qua đó đánh giá những gì làm được, chưa được và tiếp tục đưa ra các giải pháp liên kết hiệu quả hơn. Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề “liên kết” tại hội thảo lần này là muốn khẳng định “liên kết” là một trong những “chìa khóa” để mở cánh cửa phát triển trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, góp vài ý tưởng chủ quan, gợi mở để cùng bàn luận cách thức liên kết của các báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên làm sao để công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch cho cả vùng đạt hiệu quả cao nhất. 
 
Theo Báo Phú Yên, 19 báo Đảng trong khu vực có mối quan hệ bền chặt, đây là điều kiện tiên quyết để chúng ta liên kết một cách đồng thuận và hiệu quả thông qua ứng dụng truyền thông đa phương tiện trong hoạt động nghiệp vụ. Về nội dung liên kết, chúng ta nên thống nhất một chính sách ưu đãi về phí quảng cáo cho các doanh nghiệp du lịch (trong khu vực) khi họ có nhu cầu. 
 
 
Chúng tôi cũng xin nêu ra giải pháp khác để các báo có thể liên kết trong hoạt động nghiệp vụ, đó là cách làm chuyên trang du lịch trên Báo Phú Yên Chủ nhật. Ngoài bài đứng trang về du lịch của tỉnh, trên số báo này có chuyên mục “Điểm đến” giới thiệu những địa danh du lịch của cả nước, nhất là các tỉnh trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chúng tôi rất mong nhận được sự hợp tác từ các báo để nội dung của chuyên mục “Điểm đến” thêm phong phú, hấp dẫn.
 
 
 
________________________________________________
 
 
 
Báo Ninh Thuận:  Tuyên truyền du lịch - nhiệm vụ chính trị trọng tâm
 

 

Ông Mai Văn Ty - Tổng Biên tập
Ông Mai Văn Ty - Tổng Biên tập
Đóng góp chung vào sự phát triển chung của du lịch Ninh Thuận, Báo Ninh Thuận luôn xác định công tác tuyên truyền trên các ấn phẩm báo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, nhằm thu hút đầu tư, phát triển du lịch, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, sớm đưa du lịch Ninh Thuận trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như quy hoạch của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
 
Hiện tại, báo có các ấn phẩm: báo ngày, Ninh Thuận cuối tuần, Báo Ninh Thuận điện tử và Tin ảnh Miền núi hàng tháng. Về dung lượng, Báo luôn dành đất xây dựng các chuyên mục, chương trình riêng về lĩnh vực du lịch để quảng bá tiềm năng thế mạnh, các điểm du lịch, danh lam thắng cảnh hấp dẫn, văn hóa đặc sắc… của Ninh Thuận. Thông qua đó giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế những nét đẹp văn hóa của vùng đất, con người Ninh Thuận; những hiểu biết nhất định về chương trình phát triển du lịch, các loại hình du lịch đang phát triển trên địa bàn… Hình ảnh các điểm đến, tour tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh; những tour tuyến, sản phẩm mới hình thành… ngày càng xuất hiện với tần suất nhiều hơn. 
 
Đặc biệt, trên Báo điện tử Ninh Thuận dành hẳn chuyên mục Du lịch quảng bá cho du lịch Ninh Thuận. Ngoài lượng tin bài được đăng tải trên báo in, với ưu thế báo điện tử, Ninh Thuận điện tử luôn cập nhật kịp thời các bài viết và hình ảnh về du lịch do đội ngũ phóng viên và cộng tác viên chuyển về. Không những thế, nhằm quảng bá và giới thiệu du lịch của đất nước, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Báo điện tử Ninh Thuận cũng dành nhiều dung lượng để quảng bá các điểm đến du lịch đặc sắc của các tỉnh trong khu vực; nhân các sự kiện du lịch, văn hóa lớn được các tỉnh trong khu vực tổ chức, trên ấn phẩm báo đều tuyên truyền giới thiệu các sự kiện này trước, trong và sau khi tổ chức. Báo Ninh Thuận cũng mạnh dạn cải tiến theo hướng truyền thông đa phương tiện, kết hợp báo in và báo điện tử, sản xuất các video clip, audio để chuyển tải sinh động hơn nội dung thông tin, trong đó có đề tài về đầu tư, phát triển du lịch. 
 
Miền Trung - Tây Nguyên có vị trí rất quan trọng trong việc phát triển du lịch của đất nước, chính vì vậy việc phối hợp, kết hợp giữa các báo Đảng trong khu vực nhằm quảng bá, tuyên truyền du lịch của mỗi địa phương, cả vùng là rất cần thiết. Tuy đã có những nỗ lực lớn, song báo Đảng khu vực còn thiếu tính liên kết, hợp tác trong tổ chức thông tin về du lịch. Những chuyên trang, chuyên mục có tính kết nối du lịch liên vùng vẫn còn hạn chế, hoặc còn ở dạng tự phát, phần ai nấy làm. Vì vậy, việc liên kết các tour du lịch trong nước, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên để tạo thuận lợi cho du khách trong hành trình du lịch là xu thế hiện nay. Thực tế đó đặt ra cho các báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong công tác quảng bá, tuyên truyền, góp phần thúc đẩy du lịch mỗi địa phương, khu vực, cả nước phát triển là một việc làm thiết yếu. Báo Ninh Thuận xin đề xuất một số điểm liên kết truyền thông sau: 
 
- Thứ nhất, các báo Đảng cần hợp tác chặt trong việc chia sẻ thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch của các địa phương trong khu vực. Ưu tiên dành đất trên các ấn phẩm báo in, báo điện tử của mình để tăng thời lượng quảng bá những tiềm năng du lịch của các địa phương và các tỉnh trong khu vực. 
 
- Thứ hai, trong thời đại bùng nổ thông tin mạng hiện nay, các cơ quan báo Đảng đều có 2 loại hình báo in và báo điện tử. Vì vậy, trên báo điện tử các báo cần có đường link để kết nối dễ dàng giữa các báo, trang mục du lịch với nhau để thuận tiện cho việc tìm hiểu, giới thiệu, quảng bá hình ảnh địa phương, khu vực và cả nước một cách có hệ thống. Báo Ninh Thuận cũng đề xuất trên các báo điện tử các tỉnh trong khu vực nên liên kết mở mục “Du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên” để trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền cũng như cộng đồng liên kết quảng bá du lịch của mỗi tỉnh đến với công chúng, tạo sự lan tỏa, khơi gợi tiềm năng để thu hút du khách đến với các địa phương trong khu vực.
 
- Thứ ba, các sự kiện du lịch, văn hóa, lễ hội lớn của các tỉnh nên thông tin cho nhau, dành đất trên báo in, báo điện tử để hỗ trợ cho nhau và thêm thông tin cho du khách. Các báo cũng cần tạo điều kiện cho phóng viên tham gia tác nghiệp ở các địa phương diễn ra sự kiện, thay vì khu biệt thông tin trong địa bàn hiện nay. Có cơ chế hỗ trợ, giúp đỡ phóng viên một cách thiết thực trong quá trình thực tế sáng tác tác phẩm báo chí ở các địa phương khác nhau trong khu vực, nhất là việc ở tỉnh bạn tổ chức các sự kiện du lịch, văn hóa. Đưa lên báo những cách làm hay của du lịch tỉnh bạn để ngành du lịch tỉnh nhà học tập. 
 
- Thứ tư, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, chú ý đến khách du lịch đã đi và trải nghiệm sản phẩm hoặc dịch vụ cần tuyên truyền. Việc này không chỉ góp phần đa dạng hóa nội dung của tờ báo mà còn tạo được diễn đàn tương tác giữa tòa soạn và khách du lịch. Phối hợp mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên về kỹ năng viết du lịch, phối hợp với các ngành du lịch địa phương tổ chức các cuộc thi viết về du lịch trong phạm vi tỉnh hoặc khu vực để các tác phẩm báo chí về du lịch có sức thu hút, lôi cuốn hơn, phát huy hiệu quả tuyên truyền tốt hơn.
 
 
__________________________________________________
 
 
 
Báo Bình Thuận:  Đồng hành với phát triển du lịch địa phương
 
 

 

Ông Bùi Thanh Quang Phó Tổng Biên tập
Ông Bùi Thanh Quang Phó Tổng Biên tập
Từ sau sự kiện nhật thực toàn phần trên địa bàn Phan Thiết (24-10-1995), tiềm năng du lịch với gần 200km bờ biển dài đẹp, hoang sơ dần được Bình Thuận kêu gọi đầu tư, khai thác hiệu quả và hiện trở thành “điểm sáng” trên bản đồ du lịch Việt Nam. Dù sinh sau đẻ muộn, nhưng du lịch Bình Thuận sớm chứng tỏ là ngành kinh tế mũi nhọn và luôn duy trì mức tăng trưởng khá ở cả hai chỉ tiêu cơ bản về lượng khách lẫn doanh thu, đồng thời được ghi nhận là điểm đến “An ninh - an toàn - thân thiện - chất lượng”. 
 
Cùng với bước phát triển vượt bậc của du lịch địa phương, Báo Bình Thuận luôn đồng hành và có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, thương hiệu điểm đến địa phương. Hiện nay, trong Ban Biên tập có 1 đồng chí tham gia thành viên Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, ngoài cử phóng viên chuyên trách mảng du lịch, báo còn khuyến khích toàn thể phóng viên và lực lượng cộng tác viên thường xuyên viết tin - bài liên quan du lịch Bình Thuận. Nhờ đó mà hầu hết 5 số báo in xuất bản liên tục trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 6) và chuyên trang du lịch trên Bình Thuận Online đều có tin - bài - ảnh cập nhật hoạt động, sự kiện hoặc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ mới lạ… đáp ứng cho trang mục này. 
 
Để mang lại hiệu quả cao trong công tác quảng bá điểm đến du lịch địa phương, Báo Bình Thuận luôn bám sát quan điểm, định hướng, chỉ đạo của Nghị quyết Tỉnh ủy, Chương trình hành động của UBND tỉnh về phát triển du lịch qua từng giai đoạn, phù hợp tình hình thực tế địa phương. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ tốt với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Thuận, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng phóng viên tiếp cận, tham gia tác nghiệp. 
 
Ghi nhận những đóng góp của báo chí vào sự phát triển du lịch địa phương, đến nay, không ít tập thể và cá nhân của Báo Bình Thuận đã được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng bằng khen. Và trên chặng đường phía trước, báo chí địa phương sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá phục vụ chiến lược phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, góp phần tích cực đưa TP. Phan Thiết trở thành đô thị du lịch, Mũi Né phát triển thành khu du lịch quốc gia và đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia để hướng tới hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Bình Thuận thành “Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia”. 
 
 
 
___________________________________________________
 
 
 
Báo Kon Tum:  Dành “đất” để quảng bá du lịch

 

Bà Hoàng Thị Thúy Hường Phó Tổng Biên tập
Bà Hoàng Thị Thúy Hường Phó Tổng Biên tập
Chúng tôi cho rằng, tuyên truyền, quảng bá du lịch là nhiệm vụ chung của báo chí, trong đó có báo Đảng các địa phương. Vấn đề là tuyên truyền, quảng bá tập trung vào những vấn đề gì để mang lại hiệu quả trong phát triển du lịch bền vững luôn là mối quan tâm của báo chí trong khu vực hiện nay. 
 
Thiên nhiên ưu đãi cho Kon Tum nhiều thắng cảnh đẹp như: Măng Đen huyền thoại được mệnh danh là “Đà Lạt thứ hai” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, công bố quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái quốc gia đến năm 2030; Vườn quốc gia Chư Mom Ray mang tầm vóc Đông Nam Á; Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh... Cùng với cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Kon Tum là một điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên” và “Con đường di sản miền Trung”. Không chỉ sở hữu nhiều điểm đến thiên nhiên thú vị và đẹp mắt, Kon Tum còn có lợi thế là vùng đất có bề dày văn hóa đã tạo nên những “mỏ vàng” quý giá để phát triển du lịch. Những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Kon Tum ngày càng tăng, năm 2016 đạt 303.707 lượt khách, tăng 27,5% so với năm 2015, trong đó, lượng khách quốc tế đạt 98.201 lượt, tăng 24,4% so với năm 2015.
 
Trong kết quả đáng mừng đó phải khẳng định rằng có sự góp sức không nhỏ của Báo Kon Tum trong công tác tuyên truyền về du lịch. Những năm qua, Ban Biên tập Báo Kon Tum luôn coi việc tuyên truyền, cổ xúy cho phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng. Chúng tôi đã tuyên truyền đậm nét cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trong đó ưu tiên phát triển du lịch, dịch vụ. Chúng tôi cũng dành “đất” thích đáng cho việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh các điểm đến, giới thiệu các tour, tuyến du lịch hấp dẫn… Bên cạnh đó, Báo Kon Tum tích cực tìm tòi, hiến kế cho ngành du lịch những cách làm hay, sáng tạo, phát triển loại hình du lịch cộng đồng, lưu ý đến dịch vụ du lịch…; đồng thời phê phán kiểu làm du lịch “ăn xổi ở thì”, những mặt chưa được… ảnh hưởng đến môi trường, xúc tiến đầu tư. 
 
Đặc biệt, từ năm 2016, khi Báo Kon Tum Online đi vào hoạt động, cùng với việc cải tiến nội dung, hình thức tuyên truyền về du lịch trên báo in, Báo Kon Tum đã tận dụng lợi thế của loại hình báo điện tử để cập nhật kịp thời, rộng rãi tin tức, hình ảnh về hoạt động du lịch, tuyên truyền tốt các tuần lễ, lễ hội của tỉnh, của khu vực, quốc gia. Ban Biên tập Báo Kon Tum luôn xác định, tuyên truyền về phát triển du lịch chỉ hiệu quả khi có bài viết, tin tức, bức ảnh khai thác được sự độc đáo, riêng biệt của du lịch Kon Tum. Xem điều này như một tiêu chí trong tác nghiệp, điều mà Ban Biên tập Báo Kon Tum yêu cầu, khuyến khích đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên đặt vấn đề, phản ánh, thể hiện, biên tập các bài viết, bức ảnh là thông tin, hình ảnh phải bắt đầu từ thực tế cuộc sống, từ những nét đặc sắc của Kon Tum. 
 
Chúng tôi cũng phân công phóng viên chuyên trách theo dõi mảng du lịch. Theo đó, hàng tuần, hàng tháng, phóng viên chuyên trách mảng du lịch phải xây dựng kế hoạch, đề cương cụ thể về nội dung tuyên truyền. Ngoài ra, chúng tôi còn phân công phóng viên theo dõi từng địa bàn để trong quá trình tác nghiệp, phát hiện và có các bài viết phản ánh về du lịch đảm bảo chiều sâu của vấn đề lẫn chiều ngang trên diện rộng những tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương… 
 
Ngoài chế độ nhuận bút, chúng tôi có cơ chế thưởng bài chất lượng cao theo quý nhằm khuyến khích phóng viên tìm tòi, phát hiện các đề tài. Qua đó, đã có nhiều bài viết hay về du lịch không chỉ được Ban Biên tập Báo Kon Tum khen thưởng mà còn đạt giải cao khi tham gia Giải báo chí tỉnh Kon Tum, Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao của tỉnh.
 
Tuy nhiên, điều mà Ban Biên tập Báo Kon Tum luôn trăn trở là làm thế nào để hình thức và nội dung tuyên truyền, quảng bá về du lịch ngày càng phong phú, chất lượng? Tuyên truyền và quảng bá như thế nào để nhiều người biết đến Kon Tum và để Kon Tum trở thành điểm đến hấp dẫn, dừng chân của du khách? Làm thế nào để công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên Báo Kon Tum góp phần đắc lực trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XV đã xác định là giai đoạn 2016 - 2020 phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mạnh của tỉnh?... Những trăn trở ấy, qua hội thảo lần này, chúng tôi tin rằng sẽ dần được tháo gỡ, hóa giải khi nhận được sự chia sẻ những kinh nghiệm quý báu, những bài học hay từ các báo bạn.  
 
 
 
 
______________________________________________
 
 
Báo Gia Lai:  Nhấn mạnh điểm khác biệt để thu hút du khách

 

Ông Bùi Tấn Sĩ - Phó Tổng Biên tập
Ông Bùi Tấn Sĩ - Phó Tổng Biên tập
Ý thức giá trị, tiềm năng du lịch tỉnh nhà và với chủ trương, định hướng phát triển ngành công nghiệp không khói của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, báo chí hoạt động trên địa bàn Gia Lai, đặc biệt là tờ báo đảng địa phương đã có những cố gắng nhất định trong việc tuyên truyền về ngành kinh tế quan trọng này. Các chủ trương, chính sách phát triển du lịch của Đảng, Nhà nước, ngành, địa phương đều được quan tâm nghiên cứu và phản ánh trên các ấn phẩm. 
 
Từ định hướng và chỉ đạo của Ban Biên tập, các nhà báo, phóng viên nỗ lực đổi mới nội dung, hình thức thông tin tuyên truyền, đa dạng hóa thể tài, thể loại phản ánh. Đặc sắc của du lịch Gia Lai là: du lịch văn hóa, nghỉ dưỡng, đi bộ hoặc cưỡi voi xuyên rừng khám phá di tích, danh lam thắng cảnh luôn được báo nhấn mạnh tuyên truyền. Những đề tài “độc”, “lạ” riêng có của Gia Lai được phản ánh sinh động, hấp dẫn. Bên cạnh đó, Báo Gia Lai cũng chú trọng giới thiệu những sản phẩm, điểm đến mới...
 
Một trong những nội dung tuyên truyền quan trọng là hoạt động của các đơn vị làm du lịch. Báo luôn đồng hành chia sẻ, cổ vũ động viên, đánh giá cao đóng góp của các doanh nghiệp làm du lịch tích cực, hiệu quả, có nhiều tìm tòi, đổi mới cung cách phục vụ, đa dạng hóa sản phẩm, liên doanh liên kết, tích cực xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm một cách định kỳ và đột xuất trên các ấn phẩm báo chí. Hoạt động và sản phẩm du lịch ở các địa phương trong khu vực và thế giới cũng được thông tin khá đa dạng, trong đó có những tác phẩm do các nhà báo trực tiếp thực tế tác nghiệp. Đồng thời, báo cũng mạnh dạn phê bình trên tinh thần xây dựng đối với các đơn vị hoạt động vi phạm, những tệ nạn, hành vi nhũng nhiễu, chèo kéo du khách, làm mất mỹ quan đô thị, phương hại đến hình ảnh du lịch Gia Lai, hình ảnh Gia Lai. Các nhà báo, bằng trách nhiệm của người cầm bút, đã phát huy rất tốt vai trò phản biện xã hội, đi sâu tìm hiểu và chỉ ra những hạn chế, yếu kém của ngành du lịch cũng như của địa phương trong việc xây dựng chiến lược, định hướng, tầm nhìn, công tác đầu tư, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, vấn đề nhân lực, sản phẩm... 
 
Hội thảo với chủ đề lần này rất thiết thực và thời sự. Nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền trên mỗi báo và giữa các báo Đảng trong khu vực về phát triển du lịch, theo chúng tôi, các báo thường xuyên giữ mối liên lạc và trao đổi, cung cấp thông tin liên quan đến ngành du lịch; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng thực hiện chuyên trang, chuyên mục, ấn phẩm báo in và báo điện tử về du lịch. Tạo điều kiện để báo chí và phóng viên tham dự, thông tin về các sự kiện, chính sách liên quan đến du lịch khu vực và của mỗi địa phương; hoạt động và mô hình, kinh nghiệm thành công của các đơn vị làm du lịch. Có cơ chế hỗ trợ phóng viên trong quá trình thực tế sáng tạo tác phẩm báo chí ở các địa phương trong khu vực. Phối hợp với ngành du lịch và các địa phương thực hiện khảo sát để tuyên truyền về các tour, tuyến, điểm du lịch tiêu biểu trong khu vực và mở rộng như trên hành lang Đông - Tây, “Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia”, Con đường Di sản Miền Trung, Con đường Xanh Tây Nguyên...
 
 
 
____________________________________________
 
 
Báo Đắk Lắk:  Tuyên truyền qua nhiều góc nhìn

 

Ông Dương Thế Hoàn - Phó Tổng Biên tập
Ông Dương Thế Hoàn - Phó Tổng Biên tập
Đắk Lắk là tỉnh giàu tiềm năng du lịch với các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, với nhiều cảnh quan, địa danh du lịch nổi tiếng. Đắk Lắk có vẻ đẹp tự nhiên, đa dạng với sự kết hợp hài hòa giữa rừng núi, sông hồ, ghềnh thác… rất thích hợp để phát triển loại hình du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, Đắk Lắk còn lưu giữ văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc của 47 dân tộc trong đó có “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” được công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại rất có tiềm năng để phát triển du lịch nhân văn. 
 
Xác định du lịch là một ngành kinh tế quan trọng được địa phương coi là ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Biên tập Báo Đắk Lắk đã lựa chọn những phóng viên có kinh nghiệm, không chỉ am hiểu lĩnh vực kinh tế mà am hiểu cả về văn hóa, lịch sử, nhân văn. Trên cơ sở bám sát các nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, kế hoạch của UBND tỉnh, báo kịp thời nắm bắt những vấn đề bất cập trong hoạt động du lịch, thực trạng các khu, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch để phản ánh, giúp cơ quan quản lý có quyết sách phù hợp. 
 
Trước hết là vấn đề quy hoạch. Trong thực tế địa phương nào cũng có đề án quy hoạch, dẫn đến chồng chéo, dàn trải trong việc định hướng kêu gọi đầu tư. Qua phản ánh của báo chí, các cơ quan chức năng thẩm định, đánh giá và rà soát lại từ 24 đề án chỉ còn 8 đề án. Trong đó một số dự án có tính khả thi cao, quy mô lớn được tỉnh quan tâm như: Khu du lịch văn hóa - sinh thái dọc sông Sêrêpốk (Buôn Đôn); Khu nghỉ dưỡng cao cấp Hồ Lắk (huyện Lắk); Cụm du lịch sinh thái thác Gia long-Dray Nur (Krông Na); Khu du lịch văn hóa - sinh thái Suối Xanh (TP. Buôn Ma Thuột) và Đồi cảnh quan Cư H’lâm (Cư M’gar). Những khu, điểm du lịch này hầu hết đã hoàn tất thủ tục đầu tư và đã được bàn giao mặt bằng để khởi động với mục đích, yêu cầu là thân thiện với cảnh quan - môi trường; tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao, khác biệt và mang đặc trưng văn hóa giàu bản sắc của các cộng đồng dân tộc bản địa. 
 
Thứ hai là phản ánh vấn đề xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư vẫn còn bất cập. Những “nút thắt” đó hiện đang được chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng từng bước cởi bỏ thông qua nhiều quyết sách phù hợp, kịp thời như rà soát, đánh giá và chuyển đổi mục đích sử dụng tài nguyên (đất, rừng) một cách hợp lý, hiệu quả phục vụ mục tiêu phát triển du lịch. Theo đó, nhiều chính sách, giải pháp về bảo tồn vốn văn hóa truyền thống ở đây cũng được quan tâm, đẩy mạnh để dần hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù, có sức sống và sự lan tỏa dài lâu, sâu đậm hơn. Việc quản lý bảo vệ rừng, tài nguyên nước trên các hệ thống sông suối, hồ, thác (nhất là đối với những danh thắng được xếp hạng) đã được tăng cường kiểm soát và điều phối lợi ích giữa các ngành kinh tế, trong đó ưu tiên cho ngành du lịch theo hướng hài hòa, bền vững, chứ không còn tư duy “đánh đổi” bằng mọi giá như trước đây.       
 
Vấn đề hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp du lịch với nhau, giữa doanh nghiệp với cộng đồng và xa hơn là trong khu vực, vùng miền trên cả nước chưa được các đơn vị làm du lịch cùng cơ quan, ban, ngành hữu trách chú trọng đúng mức. Vì thế, du lịch Đắk Lắk chưa thật sự hấp dẫn, thu hút nhà đầu tư và du khách đến đây. Cũng từ sự liên kết, hợp tác lỏng lẻo như vậy nên sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp khiến giá trị gia tăng của “ngành kinh tế không khói” này chưa được phát huy... 
 
Những vấn đề trên luôn được Báo Đắk Lắk phản ánh đầy đủ, kịp thời dưới nhiều góc nhìn, ý kiến, bình luận đa chiều và thường xuyên. Qua đó cung cấp thông tin xác đáng, có chất lượng giúp cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch cũng như các cơ quan có thẩm quyền hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng có tầm nhìn, có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp và kịp thời. Bên cạnh đó, những cách làm hay, mô hình điểm thể hiện sự nhanh nhạy, nắm bắt kịp thời xu thế phát triển của ngành kinh tế du lịch hiện nay của các doanh nghiệp, cộng đồng và nhà nghiên cứu, quản lý cũng được Báo Đắk Lắk tuyên truyền, ghi nhận như: “Du lịch với cà phê”, “Rừng cũng làm du lịch”, “Khi lễ hội trở thành sản phẩm du lịch”…
 
 
______________________________________________
 
 
 
Báo Đắk Nông:  Báo chí góp phần quảng bá và xây dựng chiến lược phát triển du lịch

 

Ông Nguyễn Hồng Hải - Tổng Biên tập
Ông Nguyễn Hồng Hải - Tổng Biên tập
Theo đánh giá của các chuyên gia thì Đắk Nông có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch. Tuy nhiên, lợi thế này vẫn chưa được “đánh thức” và khai thác hiệu quả nên du lịch ở Đắk Nông vẫn chưa thể “cất cánh”. Trước thực tế này, trong thời gian qua, Báo Đắk Nông đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch, truyền hình Internet, cùng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh qua các sản phẩm của báo, thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư trong, ngoài tỉnh.
 
Cụ thể, tuyên truyền quảng bá du lịch là nội dung quan trọng được Ban Biên tập Báo Đắk Nông quan tâm chỉ đạo thực hiện. Báo dành dung lượng ưu tiên ở nhiều trang báo, tùy theo các số báo trong tuần, trong đó tập trung vào các trang: “kinh tế”, “du lịch”, “văn hóa” để đăng tải các bài viết về lĩnh vực này, thường xuyên giới thiệu tiềm năng, giá trị tiềm năng của du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
 
Trên các sản phẩm của Báo Đắk Nông thời gian qua như: báo in, báo điện tử, báo ảnh phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số, truyền hình Internet đã xây dựng chuyên mục “Đất và người Đắk Nông”. Nội dung nòng cốt của chuyên mục là tập trung giới thiệu về tiềm năng, vẻ đẹp hoang sơ, trữ tình của các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Chuyên mục cũng giới thiệu những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc của tỉnh như: M’nông, Mạ, Ê-đê, Mông, Thái... Ngoài truyền tải, đáp ứng nhu cầu thông tin của khách du lịch khi tìm hiểu khám phá du lịch Đắk Nông thì chuyên mục cũng góp phần quảng bá các tiềm năng thế mạnh để thu hút triển khai các dự án du lịch trong tỉnh. Chuyên mục cũng dành nhiều thời lượng giới thiệu về con người Đắk Nông hiền hòa, mến khách. Đặc biệt, báo đang cùng với tỉnh đẩy mạnh quảng bá về xây dựng “Thương hiệu cho nụ cười Đắk Nông”. Bình quân mỗi năm, Báo Đắk Nông đăng tải khoảng 200 tin, bài viết về du lịch.
 
Bên cạnh đó, để giữ gìn và phát huy được các “tài nguyên” về du lịch của tỉnh, báo nghiên cứu và đưa ra một số hạn chế trong phát triển du dịch của tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Biên tập chỉ đạo các phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch tuyên truyền mang tính gợi mở, góp ý các giải pháp thu hút nguồn lực, bảo vệ và giữ gìn về tài nguyên du lịch, các nét văn hóa độc đáo của các dân tộc trong tỉnh; hướng xây dựng các sản phẩm du lịch... Ngoài ra, nhiều bài viết, phóng sự phản ánh về những tồn tại, hạn chế ở các điểm du lịch; trong đó có việc đưa ra các giải pháp giải quyết những khó khăn cho các dự án. Qua phản ánh có tính hệ thống, liên tục của báo, lãnh đạo tỉnh thấy rõ được những tồn tại, hạn chế của ngành Du lịch nói chung, công tác thu hút đầu tư du lịch nói riêng, qua đó đã tổ chức nhiều đoàn đi kiểm tra thực tế, rà soát lại toàn bộ các dự án du lịch trên địa bàn; làm việc cụ thể với các chủ dự án du lịch để cùng nhau tháo gỡ khó khăn...
 
Để việc tuyên truyền đạt chất lượng, bên cạnh tạo nhiều điều kiện cho phóng viên tác nghiệp, Ban Biên tập thường xuyên định hướng cho phóng viên về đề tài, đồng thời đề ra cơ chế khen thưởng hàng tháng cho các tác phẩm hay, đặc biệt là các bài viết về chủ đề du lịch, đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. 
 
Tuy đã có nhiều nỗ lực, song công tác tuyên truyền quảng bá du lịch của Báo Đắk Nông cũng chưa thường xuyên, liên tục, chưa có điều kiện hoặc xây dựng chương trình phối hợp quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh một cách bài bản, hệ thống, thu hút và hấp dẫn... Đây là vấn đề đang đặt ra cho báo có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. 
 
 
 
 
________________________________________________
 
 
 
Báo Lâm Đồng:  Dòng thông tin chủ lưu quảng bá du lịch
 
 

 

Bà Hồ Lan - Phó Tổng Biên tập
Bà Hồ Lan - Phó Tổng Biên tập
Hiện tại, Báo Lâm Đồng phát hành các số báo ra vào thứ 2, 3, 4, 6 và Lâm Đồng cuối tuần - phát hành vào sáng thứ 5, cùng với báo điện tử, ấn phẩm bản tin Dân tộc miền núi phát hành hàng tháng. Với vai trò của một cơ quan báo Đảng địa phương, Báo Lâm Đồng đã nhận nhiệm vụ trở thành dòng thông tin chủ lưu, sử dụng tối đa tiềm lực con người, kỹ thuật hạ tầng hiện có, phục vụ tốt việc quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt, Lâm Đồng những năm qua. 
 
Báo Lâm Đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh đã ký kết “Chương trình phối hợp truyền thông quảng bá du lịch” từ hơn 2 năm nay với mục tiêu nhằm “Quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng, thành phố Festival hoa Đà Lạt; liên kết phát triển du lịch, mở rộng thị phần du khách; thông tin các sự kiện du lịch địa phương kể cả trong nước và quốc tế; giới thiệu các tour tuyến, điểm đến mới, các sản phẩm du lịch mới; mở các diễn đàn về du lịch; xúc tiến thu hút đầu tư vào du lịch và thương mại dịch vụ”... Bên cạnh các thông tin thời sự, các sự kiện, chính sách đầu tư liên quan đến du lịch được đăng tải thường xuyên đậm nét trên các ấn phẩm của báo, báo còn dành hẳn một trang chuyên đề thông tin du lịch trên ấn phẩm Lâm Đồng cuối tuần, phản ánh mọi hoạt động trong lĩnh vực du lịch, kể cả việc kết nối tour tuyến, liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương mà Lâm Đồng tham gia ký kết. Bên cạnh thông tin các mặt tích cực giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch, chất lượng sản phẩm dịch vụ liên quan, báo cũng đề cập tới những vấn đề còn hạn chế trong quá trình xây dựng, phát triển du lịch của các cơ quan đơn vị tại địa phương, những dịch vụ kém chất lượng… góp thêm tiếng nói thúc đẩy du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng ngày một chất lượng hơn, xứng đáng là điểm đến “an toàn - thân thiện” đối với du khách gần xa.
 
Chiến lược Lâm Đồng hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị sinh thái. Để thực hiện được tham vọng đó, hơn bao giờ hết phải dựa vào phát triển du lịch dịch vụ, công nghiệp sạch và nền nông nghiệp thân thiện môi trường. Đồng hành cùng tiến trình này, Báo Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trên mặt trận thông tin, quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng và TP. Đà Lạt trong thời gian tới. Cụ thể, tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến - Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh, bên cạnh báo in sẽ mở các chuyên trang chuyên mục, thực hiện các video clip giới thiệu các di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa, danh lam thắng cảnh, nền nông nghiệp chất lượng cao thân thiện môi trường, chính sách ưu đãi đặc thù, tour tuyến, điểm đến tham quan… và các dịch vụ du lịch đến với đông đảo người dân trong nước và du khách quốc tế. 
 
Hơn bao giờ hết, báo chí luôn đóng vai trò quan trọng quảng bá du lịch đến người dân và du khách, nhất là trong điều kiện truyền thông đa phương tiện như hiện nay. Lâm Đồng và các tỉnh, thành - trong đó có các tỉnh, thành khu vực Tây Nguyên và duyên hải miền Trung đã ký kết những chương trình liên kết, hợp tác trên các lĩnh vực xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá giới thiệu sản phẩm và du lịch; nhưng đối với hệ thống báo Đảng miền Trung - Tây Nguyên chưa có được sự liên kết truyền thông rộng rãi để cùng tương tác, hỗ trợ quảng bá du lịch của mỗi địa phương một cách thiết thực, hiệu quả. Một trong những việc có thể sớm thực hiện là các báo cùng nhau gửi phóng viên chuyên ngành du lịch đến công tác tại các Tòa soạn bạn để nắm bắt và phản ánh những tiềm năng, thế mạnh và cách làm hay trong phát triển du lịch và tuyên truyền trên báo mình. Hoặc chúng ta thường xuyên quan tâm đến nội dung báo online của các báo bạn trong khu vực, tuyển chọn những tác phẩm viết về du lịch (có thể liên hệ yêu cầu viết kỹ hơn các vấn đề mình quan tâm) để đăng tải.  Báo Lâm Đồng rất mong mỏi và luôn sẵn sàng phối hợp với các đồng nghiệp, liên kết với các báo Đảng địa phương quảng bá hình ảnh du lịch các vùng miền trên những ấn phẩm Báo Lâm Đồng.